Giá đất tăng nhanh
Chiều 1/6, tại hội trường Quốc hội Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Trương Quang Nghĩa, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về việc tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án thành phần để triển khai Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra về việc tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án thành phần để triển khai Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Sau đó, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về vấn đề này. Đa số các đại biểu Quốc hội đều đồng với việc tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư ra khỏi Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, nhưng phải làm rõ quy trình thực hiện, nguốn vốn và ý kiến của người dân.
Đại biểu Quốc hội Phạm Thị Mỹ Thanh (Đồng Nai) cho rằng, quy hoạch Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành đã được công bố hơn 10 năm nay, có ảnh hưởng lớn tới tâm lý người dân sống trong khu vực này. Họ rất băn khoăn về chuyển đổi nghề nghiệp, sửa chữa nhà cửa, hoạt động doanh nghiệp trong khu vực đó cũng gặp nhiều khó khăn. Nếu không tiến hành sớm sẽ có nhiều vấn đề phát sinh như: giá đất lên cao, có thông tin tăng 8-10 lần.
Các đại biểu Quốc hội thảo luận về nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án thành phần để triển khai Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. |
Cùng quan điểm này, đại biểu Hồ Văn Năm (Đồng Nai) cho rằng, giá đất đã tăng nhanh, nếu chúng ta áp giá, bắt buộc người dân để thu hồi đất sẽ dẫn tới khiếu kiện. Do vậy, giá đền bù phải sát với giá thị trường, tham khảo ý kiến của người dân. Ngoài ra, Trung ương rót về 5.000 tỷ đồng để thực hiện dự án tái định cư nhưng kinh phí để thực hiện dự án lớn hơn nhiều. Do vậy, rất khó để thực hiện.
Đất cho Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành là 5.000 ha, đất cho khu tái định cư là 614 ha. Trong đó, phải giải phóng 4.700 hộ, 15.000 nhân khẩu (số người dân công giáo chiếm tới hơn 9.000 người) và nhiều cơ quan, doanh nghiệp đang hoạt động. Trong 6 xã bị giải tỏa, có một xã sẽ thu hồi trắng, hai xã trước đây là căn cứ cách mạng.
Theo bà Thanh, qua tiếp xúc cư tri, người dân Đồng Nai rất phấn khởi, đặc biệt 6 xã trong khu vực dự án. Tuy nhiên, quá trình giải phóng mặt bằng phải mất 2 – 3 năm và cần giải phóng sớm.
Vì “Theo tính toán ban đầu, việc giải phóng mặt bằng sẽ mất khoảng 18.000 tỷ đồng nhưng hiện nay đã lên tới 23.000 tỷ đồng. Nếu chậm thì trượt giá tăng cao, ảnh hướng tới vốn đầu tư”, bà Mỹ Thanh cho biết thêm.
Băn khoăn về đời sống hậu tái định cưCác đại biểu Quốc hội cũng đồng tình giao cho tỉnh Đồng Nai thực hiện phương án bồi thường, tái định cư vì địa phương nắm rõ được tâm tư, nguyện vọng của người dân.
Đại biểu Nguyễn Văn Thân (Thái Bình) ủng hộ phương án tách dự án giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án chung. Đồng thời giao cho tỉnh Đồng Nai thực hiện vì tỉnh nắm rõ các phương án bồi thường, nguyện vọng của người dân.
Theo đại biểu Phạm Thị Mỹ Thanh (Đồng Nai), UBND tỉnh Đồng Nai đã có dự thảo phương án bồi thường, tái định cư, tổ chức lại cuộc sống cho người dân. Do vậy, việc tách dự án bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư ra thực hiện riêng là rất cần thiết.
Bên cạnh đó, theo đại biểu Lê Đình Nhường (Thái Bình), cần yêu cầu Chính phủ giải trình vì sao sau một thời gian dài mới xin tách dự án giải phóng mặt bằng ra khỏi tổng dự án. Vì hiện nay dự án đã bị đội giá không ít.
Giải thích về vấn đề này, đại biểu Phùng Văn Hùng (Cao Bằng) cho biết, vì dự án quá lớn lên tới 16 tỷ USD nên phải có dự án nghiên cứu khả thi. Tới năm 2019, Chính phủ mới trình được dự án khả thi. Do vậy, việc giải phóng mặt bằng phải thực hiện trước. Đó là thực tế để quyết định tách dự án giải phóng mặt bằng ra thực hiện trước. Quốc hội cũng mới cho chủ trương đầu tư, chưa có nghiên cứu khả thi nên quyết định được. Chính phủ cũng giao cho Đồng Nai đánh giá tác động môi trường, việc tái định cư... Khi hoàn tất đề án khả thi mới trình ra Quốc hội.
Còn theo đại biểu Nguyễn Hạnh Phúc (Thái Bình), trước đây Quốc hội đã rất băn khoăn với dự án này. Nếu chúng ta xong dự án khả thi, lúc đó mới tính tới giải phóng mặt bằng sẽ rất khó khăn. Do vậy, xin tách nội dung giải phóng mặt bằng ra thực hiện trước. Về mức 5.000 tỷ đồng có đủ đền bù không cũng là vấn đề đặt ra. Như dự án tái định cư thủy điện Lai Châu, hiện người dân rất khó khăn vì chỉ có cái nhà đẹp nhưng không có việc làm. Do vậy, tôi rất lo về công ăn việc làm cho bà con khi giải phóng mặt bằng. Do vậy, Đồng Nai phải biến khu vực này thành lợi thế cho mình.