Theo Bí thư Nguyễn Thiện Nhân, hiện nay ở Việt Nam có 2 nhóm người lao động: Nhóm làm cho cơ quan Nhà nước thì đi làm 5 ngày/tuần, nhóm làm cho doanh nghiệp thì 6 ngày/tuần (48 giờ/tuần). Rõ ràng điều này không bình đẳng. Luật lao động các nước không tách riêng công chức làm ít giờ và công nhân làm nhiều giờ, mà chỉ có một quy định chung.
Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, Việt Nam cần có lộ trình chuyển lao động làm việc từ 48 giờ xuống 40 giờ trong vòng 10 năm, có thể trước mắt xuống 44 giờ. Sau năm 2030, thì sẽ làm 5 ngày mỗi tuần với người lao động.
“Chúng ta thảo luận làm thêm giờ để làm gì? Làm thêm giờ, trong ngắn hạn thì doanh nghiệp có thêm lợi nhuận, người lao động ngắn hạn có thêm thu nhập, nhưng hậu quả là sức khoẻ người lao động giảm sút. Đồng thời, làm thêm giờ thì năng suất lao động không tăng. Theo thống kê, nếu người lao động làm hơn 40 giờ mỗi tuần thì năng suất không tăng. Và người Việt Nam muốn gì? Hạnh phúc của người Việt Nam là gì. Vừa qua, có một cuốn sách nghiên cứu về hạnh phúc của người Việt Nam, điều tra người Việt Nam mong muốn gì; trong đó nêu rõ, 95,4% mong muốn có gia đình hòa thuận, 73% con cháu ngoan và tiến bộ, 60% là sức khoẻ tốt…”, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh nêu ý kiến.
Cũng theo người đứng đầu Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, tuy rằng nói làm thêm là tự nguyện, nhưng điều này không thực tế. Ví dụ một dây chuyền may mà có quá nửa công nhân nghỉ làm thêm thì số còn lại không thể may được cái áo, không làm được đôi giày. Nên nói tự nguyện là một phần thôi.
Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, muốn tăng năng suất lao động thì phải đổi mới công nghệ, chứ không phải là tăng giờ. Điều đó ai cũng thấy. “Làm thêm 300 giờ mỗi năm, một năm có 52 tuần, trừ những ngày nghỉ lễ thì còn 50 tuần, mỗi tuần làm thêm 6 giờ, mỗi ngày làm thêm 1 giờ, làm suốt cả năm. Như vậy người lao động có khoẻ không? Một ngày 9 tiếng mà làm quanh năm 12 tháng, sức khỏe sẽ ra sao?”, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân nêu ý kiến.