Thủy điện Hòa Bình mở cửa xả lũ nhằm bảo đảm an toàn cho hồ Hòa Bình. Ảnh: Nhan Sinh/TTXVN |
Theo đó, hiện nay sắp vào thời kỳ mùa lũ chính vụ trên lưu vực sông Hồng, rút kinh nghiệm các trường hợp xả lũ gây thiệt hại ở hạ du năm 2017, đặc biệt là thiệt hại về lồng bè nuôi trồng thuỷ sản, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đề nghị Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố tổ chức thông tin, tuyên truyền về thời gian mùa lũ (từ 15/6 đến 15/9) và việc xả lũ hồ chứa đến các cấp chính quyền, người dân khu vực ven sông; rà soát, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn cho người, công trình và tài sản khi các hồ chứa xả lũ, bao gồm: hệ thống đê điều, đê bối, công trình đang thi công, lồng bè nuôi trồng thuỷ sản trên sông, ven sông, phương tiện vận tải thuỷ, các bến đò, hoạt động khai thác khoáng sản, sản xuất kinh doanh, canh tác nông nghiệp trên bãi sông... Rà soát phương án chuẩn bị nhân lực, vật tư, phương tiện để phòng, chống lũ, đảm bảo an toàn đê điều theo cấp báo động và phương án bảo vệ trọng điểm đê điều xung yếu. Tổ chức giải toả các bến bãi trái phép gây cản trở dòng chảy trên lòng sông, bãi sông.
Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đề nghị các cơ quan thông tấn, báo chí ở Trung ương và địa phương tăng cường thời lượng tuyên truyền quy trình vận hành hồ chứa trên lưu vực sông Hồng; hướng dẫn kỹ năng cho người dân để chủ động phòng tránh và ứng phó khi hồ xả lũ (neo đậu tàu thuyền, di chuyển máy móc, vật tư, hàng hoá, điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp...). Báo cáo kết quả triển khai thực hiện về Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai qua Văn phòng thường trực trước ngày 12/6.
Cùng ngày, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cũng ban hành văn bản số 77 gửi Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố Tây Nguyên và Nam bộ về việc ứng phó với mưa lớn, dông lốc ở Tây Nguyên, Nam bộ và thời tiết xấu ở các vùng biển phía Nam.
Để chủ động triển khai các biện pháp phòng tránh hiệu quả với diễn biến thiên tai trên, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai đề nghị Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo, cảnh báo về mưa lớn, dông lốc để thông tin kịp thời đến các cấp chính quyền, người dân chủ động các biện pháp phòng tránh đảm bảo an toàn cho người, tài sản và sản xuất.
Đối với khu vực ven biển, trên đảo phía Nam, theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết xấu trên biển, thông báo cho các chủ phương tiện, tàu thuyền biết để chủ động phòng tránh và có kế hoạch sản xuất phù hợp, đảm bảo an toàn cho người, tàu thuyền. Tổ chức trực ban, thường xuyên cập nhật thông tin, báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai.
Cũng trong ngày 29/5, tại Hà Nội, Tổng cục Phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức họp triển khai công tác tham mưu, điều hành quy trình liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng và công tác chuẩn bị diễn tập điều hành xả lũ khẩn cấp hồ Hòa Bình năm 2018.
Cuộc họp nhằm đánh giá kết quả vận hành liên hồ chứa trên các lưu vực, rút kinh nghiệm về tham mưu điều hành liên hồ chứa năm 2017; nhận định tình hình mưa lũ năm 2018; đánh giá các điều kiện đảm bảo vận hành an toàn hồ chứa theo quy trình, kế hoạch triển khai trong thời gian tới; thảo luận, góp ý đề cương kịch bản, thống nhất phân công nhiệm vụ trong phối hợp triển khai tổ chức diễn tập điều hành xả lũ khẩn cấp hồ Hòa Bình.
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài, mục đích của diễn tập diễn tập điều hành xả lũ khẩn cấp hồ Hòa Bình năm 2018 nhằm tăng cường tính chủ động và sự phối kết hợp trong việc chỉ đạo, điều hành xử lý các tình huống xả lũ khẩn cấp, đảm bảo an toàn công trình và hạ du vùng ảnh hưởng hồ Hòa Bình. Từ đó rút kinh nghiệm để hoàn thiện phương án chỉ đạo, chỉ huy nhằm đảm bảo tham mưu điều hành “kịp thời, nhanh chóng, hiệu quả” đối với hồ Hòa Bình nói riêng và các hồ chứa khác nói chung. Về hình thức, diễn tập cơ chế kết hợp một phần thực binh thông qua kết nối trực tuyến giữa các điểm cầu vào ban đêm tại Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai – Thuỷ điện Hoà Bình – Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố Hoà Bình, Vĩnh Phúc, Phú Thọ và Hà Nội. Buổi diễn tập này sẽ được truyền hình trực tiếp trên kênh VTC14 vào 20h00 - 22h00 ngày 15/6/2018.
Cũng tại cuộc họp các đại biểu tham gia thảo luận đóng góp các ý kiến cho công tác điều hành liên hồ chứa năm 2018.
Tổng cục Phòng chống thiên tai đã có dự thảo, đề cương, dự toán công tác tính toán điều hành hành liên hồ chứa, trong đó có lưu vực sông Hồng (dự kiến 7 đơn vị tính toán: Trường Đại học Thủy lợi; Viện Cơ học; Viện Khoa học Thủy lợi; Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc Gia; Viện Quy hoạch Thủy lợi; Trung tâm Động lực học Thủy khí Môi trường, Trung tâm Chính sách và Kỹ thuật Phòng chống thiên tai).
Trước đó, ngày 28/5, Tổng cục Phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản gửi UBND tỉnh Khánh Hoà về việc hỗ trợ khắc phục hậu quả bão số 12, năm 2017 tại tỉnh Khánh Hoà.
Sau cơn bão số 12 năm 2017 đổ bộ trực tiếp vào tỉnh Khánh Hoà, Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời quyết định hỗ trợ cho tỉnh, kêu gọi cộng đồng trong nước và quốc tế chung tay ủng hộ cho người dân địa phương. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng đã huy động nguồn lực để khắc phục hậu quả, phục hồi sản xuất của người dân. Tuy nhiên, ở một số nơi trong tỉnh, công tác hỗ trợ phục hồi sản xuất nông nghiệp, nhất là về thuỷ sản còn gặp nhiều khó khăn, tồn tại, thậm chí dẫn đến khiếu kiện trong nhân dân như một số báo đã phản ánh, gây ảnh hưởng không nhỏ đến cộng đồng. Nhằm thúc đẩy, tháo gỡ, hỗ trợ cho nhân dân vùng thiên tai sớm ổn định đời sống và phục hồi sản xuất, Tổng cục Phòng chống thiên tai đề nghị Uỷ ban nhân dân tỉnh Khánh Hoà quan tâm, chỉ đạo các cơ quan chính quyền cơ sở đẩy nhanh tiến độ, tổ chức kiểm tra, đôn đốc các địa phương triển khai công tác hỗ trợ thiệt hại do bão số 12, sớm giải quyết hỗ trợ để phục hồi sản xuất và ổn định đời sống cho người dân bị thiệt hại. Đồng thời xử lý nghiêm việc khai báo, hỗ trợ không đúng đối tượng, không đúng quy định để đảm bảo tính đồng thuận, thống nhất và công bằng trong cộng đồng.
Tổ chức tuyên truyền sâu rộng các quy định về hỗ trợ thiệt hại do thiên tai nhất là Nghị định số 02/2017/NĐ-CP, ngày 9/1/2017 của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, tăng cường công tác quản lý, tuyên truyền để người dân sản xuất theo đúng quy hoạch và hướng dẫn các biện pháp đảm bảo an toàn khi xảy ra thiên tai để giảm thiểu thiệt hại; hàng năm tổ chức rà soát, kê khai sản xuất nông nghiệp trước mùa mưa bão để làm cơ sở cho việc thống kê thiệt hại và hỗ trợ cho người dân khi thiên tai xảy ra. Các cấp chính quyền cơ sở phải thường xuyên tổ chức, hướng dẫn, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng để nắm bắt các quy định về quy trình thống kê và hỗ trợ thiệt hại, tránh xảy ra tình trạng khiếu kiện trong dân, đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, đảm bảo an toàn trước thiên tai.