Phát biểu chỉ đạo, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi đánh giá, thời gian qua, hệ thống thi hành án dân sự đã kịp thời quán triệt, triển khai các văn bản, chương trình của Trung ương và địa phương về thi hành án dân sự, thi hành án hành chính. Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, phòng ngừa vi phạm được tập trung thực hiện. Công tác tổ chức cán bộ, thực hiện kết luận thanh tra, kiểm tra được thực hiện nghiêm túc. Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, trong đó việc sửa đổi Luật Thi hành án dân sự được chú trọng.
Bên cạnh kết quả đạt được, Thứ trưởng cũng bày tỏ lo lắng khi số lượng việc và số tiền phải thi hành án có xu hướng ngày càng tăng, dự báo nhiều đại án có số lượng đương sự, tài sản phải thi hành án rất lớn, “vượt khung” cơ chế và bộ máy thi hành án dân sự. Vì vậy, Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự cần tham mưu Lãnh đạo Đảng, Nhà nước để đảm bảo cho việc thi hành án hiệu quả.
Nhấn mạnh yêu cầu, kỳ vọng của người dân đối với công tác thi hành án dân sự ngày càng cao, Thứ trưởng Bộ Tư pháp cho rằng, các cơ quan phải nhận thức rõ bối cảnh để tập trung giải quyết các vấn đề về biên chế, nguồn lực con người. Theo đó, các cơ quan thi hành án dân sự địa phương cần làm tốt công tác rà soát, sắp xếp, củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ, đặc biệt là đội ngũ lãnh đạo cấp Chi cục, Phòng chuyên môn. Ngoài ra, cần tăng cường kiểm soát, kiểm tra sát sao với những vụ án lớn, giá trị thi hành cao để đảm bảo tiến độ thi hành. Đối với án tín dụng ngân hàng, cần tổng hợp, đánh giá, làm rõ những vướng mắc, rõ trách nhiệm của ngân hàng, của cơ quan thi hành án dân sự để có giải pháp khắc phục.
Thứ trưởng Mai Lương Khôi yêu cầu lãnh đạo các cơ quan thi hành án dân sự đổi mới, sáng tạo, tích cực, chủ động trong quản lý, chỉ đạo, điều hành, tạo khí thế thi đua sôi nổi để hoàn thành nhiệm vụ; chủ động trong ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác thi hành án dân sự…
Trong bối cảnh số việc, số tiền phải thi hành đều tăng so với cùng kỳ năm 2023, thị trường bất động sản trầm lắng, tài sản thi hành án khó xử lý nhưng toàn hệ thống thi hành án dân sự đã khắc phục khó khăn, nỗ lực phấn đấu, đề ra nhiều giải pháp linh hoạt để duy trì tổ chức thi hành án đạt kết quả tương đương cùng kỳ năm 2023. Một số địa phương rất nỗ lực, cố gắng để có kết quả cao. Kết quả thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, nhất là các vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo vẫn đạt kết quả đáng khích lệ.
Cụ thể, trong 6 tháng qua (từ 1/10/2023 đến 31/3/2024), toàn hệ thống đã thi hành xong 242.304 việc; về tiền, thi hành xong hơn 47.595 tỷ đồng.
Đối với án tín dụng ngân hàng (không bao gồm ủy thác thi hành án, số chưa có điều kiện đã chuyển sổ theo dõi riêng), toàn hệ thống đã thi hành xong 2.278 việc và thi hành xong về tiền trên 12.802 tỷ đồng.
Về công tác theo dõi thi hành án hành chính, các cơ quan hành chính đã thi hành xong 400 việc; đang tiếp tục thi hành 979 bản án.
Về nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, toàn hệ thống thi hành án dân sự tiếp tục cụ thể hóa các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng, Nhà nước; đẩy mạnh tham mưu về công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế về thi hành án dân sự, thi hành án hành chính; tiếp tục tổ chức triển khai đồng bộ các giải pháp để hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ theo Nghị quyết số 96/2019/QH14 và Nghị quyết số 16/2021/QH15. Cùng với đó, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan thi hành án dân sự phối hợp với Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân nâng cao hiệu quả công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, chức vụ, đặc biệt là các vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo...