Trong khi huyện Tu Mơ Rông vẫn đang nỗ lực bố trí nguồn vốn để khắc phục hậu quả của những đợt sạt lở của mùa mưa lũ năm 2018, hai đợt mưa, bão xuất hiện vào tháng 8 và tháng 9/2019, trên địa bàn huyện lại tiếp tục xảy ra tình trạng sạt lở trên diện rộng, ảnh hưởng nặng nề nhất vẫn ở các tuyến đường giao thông.
Trên trục Quốc lộ 40 B, đoạn qua huyện Tu Mơ Rông hiện đã có 4 điểm sạt lở nặng và kéo dài từ mùa mưa năm này qua năm khác. Đặc biệt, tại các Km 161+400, 163+360, 165+800, 166+550, 166+635 xuất hiện tình trạng sạt lở taluy dương, sụt lún nền đường… với khối lượng đất đá lớn, gây ách tắc giao thông cục bộ. Nhiều điểm, ngành chức năng tỉnh Kon Tum đã gia cố tường bao bằng các rọ đá, tuy nhiên sạt lở nặng với khối lượng đất đá lớn đã làm nhiều rọ đá hư hỏng, tràn ra cả mặt đường.
Đối với các tuyến đường liên xã, nặng nề nhất là tuyến đường đi 4 xã phía Tây gồm Đăk Na, Đăk Sao, Đăk Rơ Ông và Đăk Tơ Kan bị sạt lở 14 vị trí. Trong đó có 12 vị trí sạt taluy dương và 2 vị trí sạt taluy âm với khối lượng đất đá lớn, nhiều vị trí không thể lưu thông được do đất đá lấp hết phần đường. Đặc biệt, có 2 vị trí mặt đường bị sụt xuống, những mảng lớn mặt đường bằng bê tông bị xé nát. Đến ngày 10/9, nhiều vị trí mới chỉ được khắc phục bằng cách tạo lối đi khác để lưu thông, phần lớn ở các điểm đất đá vẫn lấp hết phần đường bê tông chính. Đối với những điểm mặt đường sụt, sụp hố đã được vá lấp tạm thời bằng đất đá.
Trao đổi với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam, ông Vương Văn Mười, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Tu Mơ Rông cho biết: Dù chưa phải là mùa cao điểm của mưa bão, nhưng tình trạng sạt lở trên địa bàn huyện đã hết sức phức tạp. Từ trục đường chính qua trung tâm huyện đến các tuyến đường liên xã có nhiều điểm bị sạt lở nặng.
Trước tình hình đó, Ủy ban nhân dân huyện đã phối hợp với Sở Giao thông Vận tải bố trí xe túc trực tại các điểm sạt lở xử lý sự cố đảm bảo thông tuyến. Đến chiều 11/9, các tuyến đường chính trên địa bàn huyện đã thông xe. Đối với các tuyến đường liên thôn, Ủy ban nhân dân huyện đang bố trí kinh phí để xử lý sự cố đảm bảo lưu thông. Riêng với các hộ dân nằm trong vùng có nguy cơ bị sạt lở, Ủy ban nhân dân huyện chỉ đạo các xã bố trí dân quân tự vệ trực chiến thường xuyên để theo dõi tình hình. Nếu mưa lớn kéo dài, phải có giải pháp để di dời các hộ này đến nơi an toàn, đề phòng nguy cơ sạt lở gây thiệt hại đến tính mạng, tài sản của người dân.