Chủ động phối hợp giám sát
Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã ban hành kế hoạch 217 triển khai Chương trình phối hợp số 90 về an toàn thực phẩm trong 2 năm 2016 - 2017. Việc triển khai các nhiệm vụ trong Chương trình phối hợp 90 và Kế hoạch 271 về an toàn thực phẩm đã được hầu hết các bộ, ngành liên quan và các tổ chức chính trị - xã hội Trung ương ban hành văn bản thực hiện.
Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đôn đốc Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh triển khai Chương trình phối hợp 90 và Kế hoạch số 271 về an toàn thực phẩm ở địa phương. Bộ Y tế ban hành Kế hoạch triển khai Chương trình vận động và giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm năm 2016. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố về triển khai kế hoạch phối hợp ở địa phương. Bộ Tài Chính thực hiện vai trò Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả để ngăn chặn có hiệu quả việc nhập lậu thực phẩm, hướng dẫn bố trí kinh phí thực hiện Chương trình phối hợp...
Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN |
Quý I/2017, các bộ ngành Trung ương tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật về an toàn thực phẩm; biên soạn các tài liệu hướng dẫn quy trình quy định sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn theo kế hoạch đã đề ra. Các bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương tiếp tục hướng dẫn quy trình, quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm đối với hộ gia đình sản xuất, kinh doanh nông sản nhỏ lẻ, các hợp tác xã kinh doanh nông nghiệp, chợ, trung tâm thương mại, siêu thị kinh doanh thực phẩm, các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, phân phối thực phẩm.
Bộ Y tế hướng dẫn quy trình, quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm với việc kinh doanh thức ăn đường phố, bếp ăn tập thể; phối hợp với các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Tài Chính hướng dẫn quy định của pháp luật về đảm bảo an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu. Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan báo chí đẩy mạnh công tác truyền thông về an toàn thực phẩm...
Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải cho biết: thực hiện vai trò Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả để ngăn chặn có hiệu quả việc nhập lậu thực phẩm, trong năm 2016, Bộ đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc xây dựng kế hoạch đấu tranh chuyên đề liên quan đến an toàn thực phẩm; quán triệt, tổ chức thực hiện kế hoạch chặn đứng hoạt động nhập khẩu, buôn lậu, sản xuất kinh doanh hàng giả, nhập lẩu, buôn lậu, sản xuất kinh doanh hàng giả, phát hiện xử lý kịp các vụ việc, đường dây, ổ nhóm... Kết quả dã phát hiện, xử lý 4 vụ việc khởi tố vụ án hình sự về việc nhập lậu thực phẩm; xử lý hành chính 15 vụ việc liên quan đến an toàn thực phẩm, như:hàng hóa không đủ điều kiện nhập khẩu, hàng hóa kém chất lượng. Trị giá hàng hóa vi phạm 10 tỷ đồng.
Thời gian tới, Bộ Tài chính tiếp tục phối hợp với cơ quan chức năng kiểm tra thực phẩm nhập khẩu; kiểm soát chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; tiếp tục triển khai các giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm tra chuyên ngành hàng hóa xuất nhập khẩu...
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám, Bộ đã phối hợp với Bộ Y tế trong việc thực hiện năm cao điểm hành động về an toàn thực phẩm với 3 trọng tâm: Tăng cường thông tin truyền thông; thanh tra kiểm tra vi phạm với chất cấm, vật tư đầu vào nông nghiệp; xây dựng chuỗi sản xuất chứng nhận, cung ứng sản phẩm an toàn. Bộ tổ chức chương trình ký cam kết giữa 63 tỉnh với 500 nghìn hộ chăn nuôi sản xuất thực phẩm an toàn; tổ chức xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, kiểm tra xác nhận chuỗi thực phẩm an toàn để giới thiệu cho người tiêu dùng. Bộ phối hợp với các đơn vị của Bộ Công an trinh sát thanh tra đột xuất, đưa ra nhiều vụ vi phạm về an toàn thực phẩm; kiểm tra 1.183 cơ sở sản xuất kinh doanh, xử phạt 561 cơ sở vi phạm.
Tiếp tục thực hiện Chương trình 90, Bộ sẽ tập trung hoàn thiện tài liệu hướng dẫn quy trình về an toàn thực phẩm; đôn đốc các đơn vị thuộc bộ thực hiện kế hoạch 90; chỉ đạo điểm về an toàn thực phẩm ở 3 thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và tỉnh Thái Bình về sản xuất nông nghiệp chất lượng cao...
Để mỗi người dân trở thành người tiêu dùng thông minh
Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: Cuộc họp nhằm thảo luận về những công việc đã làm được, chưa làm được để trong năm 2017 có những bước khởi động thực hiện chương trình phối hợp 90 về an toàn thực phẩm, hướng tới mục tiêu 100% xã phường tuyên truyền về an toàn thực phẩm, 100% hợp tác xã, 50% hộ dân đăng ký sản xuất an toàn thực phẩm.
Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, tuy mới chỉ thực hiện trong 6 tháng, việc triển khai chương trình đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của các bộ, ngành, địa phương, được người dân đồng tình hoan nghênh. Đến nay, 20/63 tỉnh đã có chương trình, kế hoạch triển khai cụ thể. Trong thời gian tới, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ tiếp tục đôn đốc các bộ, ngành, địa phương và các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện chương trình. Dự kiến ngày 20/12 sắp tới, Chính phủ và Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ tổ chức sơ kết việc thực hiện chương trình phối hợp này.
Hoan nghênh hiệu quả của công tác truyền thông của các cơ quan Thông tấn, báo chí, ông Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, để bảo đảm cuộc vận động an toàn vệ sinh thực phẩm thành công, từ nay đến cuối tháng 12/2016, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ bàn, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam xây dựng cơ sở dữ liệu, danh sách những cơ sở bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, có chứng nhận an toàn của Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để cung cấp cho người dân.
Cần sử dụng thế mạnh của công nghệ thông tin để chỉ cần một cú ''kích'' chuột, người dân có thể biết được các cửa hàng thực phẩm sạch. Tương tự, phải có nơi để người dân phản ánh về thực phẩm bẩn. Cần nói thẳng - nói thật, nói không với thực phẩm bẩn. Đó là cơ sở để mỗi người dân trở thành người tiêu dùng thông minh - ông Nguyễn Thiện Nhân gợi mở.
Ông Nguyễn Thiện Nhân đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần tiếp tục hoàn thiện bộ quy chuẩn, tiêu chuẩn thực phẩm an toàn, phấn đấu hoàn thành trong tháng 12/2016. Bộ Y tế cần triển khai quyết liệt sớm chương trình an toàn thực phẩm; xử phạt những vụ việc vi phạm an toàn thực phẩm... Đồng thời, các tổ chức chính trị - xã hội cần thực hiện đúng sự phân công giám sát, đẩy mạnh vận động nhân dân trong thực hiện sản xuất an toàn, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm...