Đây là thông tin được đại diện Sở Xây dựng thành phố Hải Phòng nêu tại Hội nghị cung cấp thông tin và giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy, Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Hải Phòng phối hợp tổ chức, chiều 17/3.
Các công trình vi phạm tại Vườn Quốc gia Cát Bà thuộc bảy doanh nghiệp gồm: Công ty Trách nhiệm hữu hạn Du lịch dịch vụ thủy sản thương mại Thùy Trang; Công ty Cổ phần Thương mại Tùng Long; Công ty Cổ phần dịch vụ du lịch Đảo Cát Dứa; Công ty Cổ phần Khu du lịch Đảo Cát Bà; Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đảo Cát; Công ty Cổ phần đầu tư Thương mại và Dịch vụ Đông Kinh; Công ty Cổ phần Thương mại Thanh Bình.
Vườn Quốc gia Cát Bà đã để Trung tâm Dịch vụ du lịch và Giáo dục môi trường (thuộc Vườn Quốc gia Cát Bà) sai phạm trong việc liên doanh, liên kết với bảy doanh nghiệp trên từ năm 2009 đến nay.
Năm 2016, UBND thành phố Hải Phòng đã có Văn bản chỉ đạo Vườn Quốc gia Cát Bà chấm dứt các hoạt động với các doanh nghiệp. Tuy nhiên, đến cuối năm 2018 và đầu năm 2019, Trung tâm Dịch vụ du lịch và Giáo dục môi trường thuộc Vườn Quốc gia Cát Bà mới có thông báo gửi từng doanh nghiệp về việc dừng liên kết. Mặc dù vậy, các doanh nghiệp vẫn tiếp tục kinh doanh dịch vụ tại các địa điểm trên.
UBND thành phố Hải Phòng đã có nhiều văn bản chỉ đạo các cơ quan liên quan rà soát, hoàn thiện hồ sơ xử lý vi phạm liên quan đến hoạt động liên doanh, liên kết; tổ chức cưỡng chế phá dỡ các công trình vi phạm tại Vườn Quốc gia Cát Bà.
Liên quan đến vụ việc này, Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng đã cùng lãnh đạo các sở, ngành, địa phương liên quan trực tiếp kiểm tra các địa điểm vi phạm tại Vườn Quốc gia Cát Bà, chỉ rõ việc đầu tư xây dựng các công trình để kinh doanh du lịch tại Vườn Quốc gia Cát Bà là vi phạm quy định pháp luật và không phù hợp với quy hoạch. Những sai phạm này đã được Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng xác định là vụ việc phức tạp và giao thành phố Hải Phòng chỉ đạo xử lý dứt điểm, điều tra, khởi tố vụ án theo quy định; kiên quyết xử lý, tháo dỡ các công trình vi phạm và tổ chức trồng cây, trả lại diện tích rừng tự nhiên, môi trường sinh thái và bảo tồn đa dạng sinh học cho Vườn Quốc gia Cát Bà.
Sau khi kiểm tra, rà soát, xác định, Trung tâm Dịch vụ du lịch và Giáo dục môi trường thuộc Vườn Quốc gia Cát Bà đã sai phạm trong việc ký các hợp đồng liên doanh, liên kết với bảy doanh nghiệp trên khi chưa được cấp có thẩm quyền chấp thuận theo quy định.
Bảy doanh nghiệp đã có các vi phạm: đầu tư xây dựng các công trình khi chưa được cấp có thẩm quyền chấp thuận đầu tư dự án; không có hồ sơ pháp lý về đầu tư xây dựng; không có giấy phép xây dựng và không đủ điều kiện để cấp phép xây dựng; không lập, trình phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường; không có các thủ tục về phòng cháy, chữa cháy; không có giấy phép kinh doanh dịch vụ du lịch lữ hành, dịch vụ lưu trú; chưa thực hiện đủ nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước của một số doanh nghiệp.
Với quan điểm kiên định chỉ đạo phá dỡ các công trình vi phạm liên quan đến hoạt động liên doanh, liên kết tại Vườn Quốc gia Cát Bà để thực thi pháp luật, hoàn trả mặt bằng cho Vườn Quốc gia Cát Bà quản lý và trồng cây theo đúng quy định, UBND thành phố Hải Phòng đã giao Sở Xây dựng thành phố chủ trì, cùng các cơ quan liên quan tiếp tục triển khai các thủ tục để thực hiện việc cưỡng chế phá dỡ đối với các công trình vi phạm trật tự xây dựng tại Vườn Quốc gia Cát Bà.
Cụ thể, đối với vi phạm tại Bãi Cát Dứa I của Công ty Cổ phần Khu du lịch Đảo Cát Bà, từ ngày 2/6/2021 đến ngày 10/6/2021, Sở Xây dựng thành phố đã tổ chức cưỡng chế phá dỡ công trình vi phạm. Quá trình cưỡng chế đảm bảo an toàn, an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, không làm ảnh hưởng đến hiện trạng các công trình lân cận do Vườn Quốc gia Cát Bà quản lý và toàn bộ cảnh quan môi trường xung quanh, tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch COVID-19. Sau khi hoàn thành cưỡng chế phá dỡ công trình vi phạm, Sở Xây dựng thành phố đã bàn giao mặt bằng cho Vườn Quốc gia Cát Bà quản lý theo quy định.
Đối với công trình vi phạm tại Bãi Tai Kéo của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đảo Cát, Thanh tra Sở Xây dựng đã ban hành Quyết định số 173/QĐ-KPHQ ngày 15/12/2020 áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả yêu cầu chủ đầu tư tự phá dỡ công trình vi phạm. Tuy nhiên, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đảo Cát không tự thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả theo Quyết định số 173/QĐ-KPHQ. Ngày 27/9/2021, Chánh Thanh tra Sở Xây dựng thành phố Hải Phòng đã ban hành Quyết định số 166/QĐ-CCXP về việc "Cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả".
Để việc tổ chức cưỡng chế đảm bảo đúng quy định của pháp luật, Thanh tra Sở Xây dựng thành phố Hải Phòng đã ban hành Quyết định số 16/QĐ-TTrSXD ngày 21/02/2022 về việc thành lập Ban cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả (gọi tắt là Ban cưỡng chế); phối hợp với UBND huyện Cát Hải và các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng và ban hành kế hoạch, kịch bản tổ chức thi hành Quyết định cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả đối với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đảo Cát tại Bãi Tai Kéo thuộc phân khu phục hồi sinh thái biển Vườn Quốc gia Cát Bà (xã Việt Hải, huyện Cát Hải, thành phố Hải Phòng). Thời gian tổ chức thực hiện cưỡng chế từ ngày 21/3/2022 đến khi hoàn thành.
Đối với các công trình vi phạm còn lại, Thanh tra Sở Xây dựng thành phố Hải Phòng đã tiến hành lập Biên bản vi phạm hành chính đối với các doanh nghiệp có công trình vi phạm (trừ Công ty Cổ phần Thương mại Thanh Bình do đã bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, tổ chức vi phạm hành chính đã giải thể), Sở Xây dựng thành phố Hải Phòng đang phối hợp cùng Vườn Quốc gia Cát Bà và các cơ quan, đơn vị có liên quan để khảo sát, xác định giá trị còn lại của công trình vi phạm và lập phương án, dự trù kinh phí cưỡng chế phá dỡ. Dự kiến hoàn thành thủ tục, tổ chức cưỡng chế phá dỡ trong năm 2022 và năm 2023.
Vườn Quốc gia Cát Bà (huyện Cát Hải, thành phố Hải Phòng) đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới vào năm 2004. Ðây là một trong số ít các khu dự trữ sinh quyển hội tụ đầy đủ cả rừng mưa nhiệt đới trên đảo đá vôi, rừng ngập mặn, các rạn san hô, thảm rong và nhất là hệ thống hang động. Tổng diện tích Khu dự trữ sinh quyển Cát Bà rộng khoảng 26.000 ha.