Đó là chỉ đạo về tiến độ thu phí không dừng của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể Tại cuộc họp thường kỳ của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) chiều 6/3.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định, trong năm 2019, Bộ sẽ hoàn thành lắp đặt hệ thống thu phí tự động không dừng.
Với các doanh nghiệp BOT, Bộ trưởng cho rằng có thể lựa chọn nhiều nhà đầu tư hệ thống thu phí tự động không dừng. Trong đó, có thể đấu thầu độc lập hoặc đàm phán với nhà đầu tư BOO1, BOO2. Tuy nhiên, đến 31/12 không thực hiện thì nhà đầu tư BOT phải chịu trách nhiệm.
Với các địa phương đang quản lý trạm BOT, nhà đầu tư hệ thống thu phí do các địa phương quyết định. Tuy nhiên, công nghệ phải đồng bộ. Nếu địa phương chậm phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng.
Bộ trưởng cũng yêu cầu các đơn vị tham mưu cho lãnh đạo Bộ hoặc kiến nghị Thủ tướng có văn bản, trong đó yêu cầu các xe biển số xanh phải dán thẻ thu phí tự động không dừng (E-tag). Chậm nhất 30/6, toàn bộ xe công trên cả nước phải dán thẻ E –tag. Đồng thời, cần bổ sung, sửa đổi các văn bản pháp luật. Trong đó, ưu tiên các xe dán thẻ được đi vào các làn thu phí tự động không dừng. Đến 31/12, toàn bộ xe không dán thẻ E-tag phải sắp hàng trật tự (không giới hạn chiều dài). Các xe không dán thẻ E-tag đi vào làn thu phí không dừng sẽ bị xử phạt.
Đối với BOO2 (dự án thu phí tự động không dừng giai đoạn 2, ông Thể chỉ đạo ưu tiên triển khai các trạm có lưu lượng xe qua lại lớn, đặc biệt khu vực cửa ngõ Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh. Các trạm BOT lưu lượng xe thấp, có thể triển khai vào tháng 11, 12.
Bộ trưởng cho biết, hiện nay, một số ngân hàng đề xuất việc liên thông với hệ thống thu phí tự động. Sắp tới, ngân hàng nào đồng ý sớm nhất Bộ sẽ ưu tiên. Việc liên thông này thuận lợi cho người dân nên triển khai sớm.
Với công tác giám sát thu phí, Bộ trưởng yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam nghiên cứu kết nối dữ liệu cho Bộ Tài chính, Công an, các địa phương… để tăng cường công tác giám sát. Mục tiêu của Bộ là công khai nên đơn vị nào quan tâm, Bộ có thể dẫn đường truyền và một vài thiết bị hỗ trợ để cung cấp dữ liệu đó, nhằm tăng cường công tác giám sát… Bên cạnh đó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cần tổ chức hội nghị mời các bên liên quan để công khai cho người dân biết công tác giám sát trạm thu phí được diễn ra chặt chẽ như thế nào.
Báo cáo tại cuộc họp, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Quốc hội và Chính phủ về kế hoạch và lộ trình triển khai thu phí sử dụng dịch vụ đường bộ điện tử tự động không dừng, Bộ Giao thông Vận tải đã lập, phê duyệt dự án và tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ và ký hợp đồng dự án với nhà cung cấp dịch vụ theo quy định.
Hệ thống thu phí tự động không dừng tại các trạm thu phí BOT được chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn một (BOO1) áp dụng đối với Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên. Giai đoạn hai (BOO2) áp dụng các trạm còn lại trên toàn quốc (33 trạm).
Trong đó, giai đoạn một có 44 trạm, bao gồm 26 trạm trên Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên, 18 trạm thuộc các tuyến quốc lộ và cao tốc khác. Riêng 26 trạm trên Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên đến thời điểm này, toàn bộ các trạm đã được lắp đặt và vận hành thu phí tự động không dừng. Đối với các trạm trên các tuyến quốc lộ và cao tốc khác đang triển khai đảm bảo hoàn thành trong năm 2019 theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Dự án giai đoạn hai, tổng số trạm thuộc phạm vi dự án là 33 trạm, bao gồm 10 trạm trên Quốc lộ 1 và 23 trạm thuộc các tuyến quốc lộ và cao tốc khác. Hiện nay, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã hoàn thành công tác sơ tuyển.
Như vậy, đến nay, tiến độ triển khai dự án thu phí tự động không dừng cơ bản đáp ứng tiến độ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ....
Tổng cục Đường bộ Việt Nam đang triển khai giám sát trực tuyến các trạm thu phí. Đây là hệ thống do Tổng cục Đường bộ đầu tư. Theo đó, mỗi xe ô tô qua trạm thu phí sau 3 giây sẽ được truyền thẳng về máy chủ của Tổng cục Đường bộ. Qua dữ liệu này, Tổng cục sẽ kiểm soát được lưu lượng phương tiện, chủng loại phương tiện qua trạm thu phí hàng ngày, thậm chí từng phút. Hiện đơn vị đang thí điểm tại ba trạm đến 10/4/2019. Sau khi thí điểm, Bộ sẽ đánh giá và triển khai đồng loạt, để có thêm kênh cho người dân giám sát.