Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, dự thảo mới sẽ tập trung điều chỉnh về khung pháp lý và thể chế, tạo điều kiện giúp doanh nghiệp hội nhập sâu và hiệu quả với thị trường thế giới. Hơn nữa, do bối cảnh thị trường gạo thế giới đang ngày càng khó khăn nên thị trường do người mua quyết định cũng như tình trạng mất cân đối cung-cầu bắt buộc phải tính toán để giải phóng lực lượng sản xuất, nhất là các doanh nghiệp tham gia kinh doanh trên thị trường thế giới.
Cũng tại dự thảo này, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định các ngành chức năng sẽ đánh giá lại thị trường để tìm ra những điểm mạnh và hạn chế trong việc cạnh tranh với các đối thủ xuất khẩu gạo khác. Từ đó, có những định hướng về thị trường tốt hơn, nghiên cứu các giải pháp để hình thành các chuỗi và có sự liên kết, phối hợp chặt chẽ giữa người nông dân với doanh nghiệp chế biến và doanh nghiệp cung ứng xuất khẩu. Trước đó, Bộ Công Thương đã bàn thảo để lập ban soạn thảo và tổ biên tập để sửa đổi Nghị định 109/CP và cụ thể công tác sẽ triển khai trong năm 2017.
Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh trả lời phỏng vấn báo chí.Ảnh:Thống Nhất/TTXVN |
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, có một số nguyên nhân khiến xuất khẩu gạo giảm, trong đó đáng chú ý là nhiều thị trường nhập khẩu chính đã từ bỏ nhập khẩu diện Nghị định thư như Trung Quốc, Philippines, Indonesia, Bangladesh, do đó xuất khẩu gạo chỉ phụ thuộc vào các doanh nghiệp đầu mối và thương nhân (diện tiểu ngạch). Cùng với đó, trên thị trường xuất khẩu gạo vẫn còn thiếu vắng các liên kết ngang giữa các công ty. Chẳng hạn như việc đàm phán giá lúa gạo xuất khẩu và liên kết dọc với các công ty cung ứng đầu vào cho sản xuất.
Xu hướng xây dựng vùng nguyên liệu hiện được thực hiện rất “gượng ép” do các doanh nghiệp chủ yếu dựa vào nguồn cung sẵn có trên thị trường, sản phẩm xuất khẩu không có sự khác biệt lớn, rủi ro về lợi nhuận cao do thị trường đầu ra không ổn định.
Chính vì thế, việc bãi bỏ q uy hoạch thương nhân kinh doanh và xuất khẩu gạo nhằm loại bỏ các quy định điều kiện kinh doanh không phù hợp với quy định của Luật Đầu tư năm 2014, đảm bảo tính minh bạch của thể chế, môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp yên tâm đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh xuất khẩu gạo. Từ đó, góp phần thúc đẩy xuất khẩu gạo và tăng cường tiêu thụ thóc, gạo hàng hóa cho người nông dân.
Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, để năm 2017 xuất khẩu gạo đạt kết quả như kỳ vọng, Bộ Công Thương sẽ tập trung rà soát khuôn khổ pháp lý và thể chế nhằm tháo gỡ được khó khăn về điều kiện kinh doanh của doanh nghiệp trong lĩnh vực này. Qua đó, tạo điều kiện cho doanh nghiệp khai thác thị trường, khai thác các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế phục vụ mở rộng và nâng cao hiệu quả xuất khẩu gạo.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng tập trung đánh giá lại thị trường để có định hướng lại trong việc phát triển thị trường năm 2017.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, việc định hướng các giải pháp thị trường gồm nhiều nội dung và nhiều nội hàm khác nhau, từ khuôn khổ pháp lý trong các hợp tác song phương, cho đến việc điều hành trong xuất khẩu gạo, chưa kể đến những giải pháp kỹ thuật. Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng tính đến việc tập trung mạnh vào xây dựng thương hiệu để phù hợp với đặc thù từng thị trường đó và tính đến điều kiện sản xuất để đảm bảo chất lượng sản phẩm. Mặt khác, tiếp tục hình thành các chuỗi và có sự liên kết, phối hợp chặt chẽ giữa người nông dân với doanh nghiệp chể biến và doanh nghiệp cung ứng xuất khẩu và hệ thống logistics để hình thành chuỗi.
Năm 2017 sẽ có sự đổi mới thật sự mạnh mẽ cả về quan điểm, chủ trương và thể chế để hình thành các vùng sản xuất lớn, đặc biệt là dựa trên việc giải phóng mở rộng tích tụ hạn điền phục vụ cho việc cơ giới hóa, tự động hóa và đưa công nghệ vào sản xuất nông nghiệp.
Một điểm nữa, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để chủ động điều chỉnh lại cơ cấu sản xuất gạo nhằm xác định đúng vị thế trên thị trường gạo thế giới. Đồng thời, phải có chiến lược dài hơi để ổn định về chất lượng, xây dựng thương hiệu và nâng cao giá trị gia tăng trong sản xuất và xuất khẩu gạo. Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng xác định việc xúc tiến thương mại, tháo gỡ khó khăn ở thị trường nước ngoài, nhất là những rào cản về hàng rào kỹ thuật, hàng rào thuế quan và phi thuế quan là nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2017.