Phát biểu khai mạc, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Duy Hưng, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương tổng kết Nghị quyết 26-NQ/TW nêu rõ: Nông nghiệp, nông dân, nông thôn là lĩnh vực chiến lược. Sau 13 năm thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW, đất nước đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Nông nghiệp đã trở thành trụ đỡ của nền kinh tế, nhất là trong những thời điểm khó khăn. Phong trào nông thôn mới phát triển mạnh mẽ trên cả nước với sự tham gia của toàn dân, cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và đã về đích trước 1,5 năm. Đời sống của người dân nông thôn ngày càng ấm no, hạnh phúc hơn.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Duy Hưng, đến nay, tình hình đã có nhiều thay đổi cả về bối cảnh quốc tế, trong nước, biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng gay gắt, thiên tai, dịch bệnh, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, khoa học kỹ thuật, chuyển đổi số đang là xu thế. Trong bối cảnh đó, Ban Kinh tế Trung ương được giao làm cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết 26-NQ/TW.
Theo kế hoạch, tại Hội nghị Trung ương 5, khóa XIII, Ban Chấp hành Trung ương sẽ xem xét, cho ý kiến về báo cáo tổng kết 13 năm thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW. Một dự thảo nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 26-NQ/TW cũng sẽ được trình Ban Chấp hành Trung ương nhằm cụ thể hóa các tư tưởng chỉ đạo, đường lối, chủ trương của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đề ra với những định hướng xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.
Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương cho biết, Đồng Nai, An Giang, Cần Thơ là 3 địa phương đã rất thành công trong thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW và đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Ông Nguyễn Duy Hưng đề nghị, các địa phương nêu lên những bài học kinh nghiệm trong triển khai Nghị quyết 26-NQ/TW; kiến nghị, đề xuất các chính sách mới, góp ý vào dự thảo nghị quyết mới sẽ trình Trung ương.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã làm rõ nhiều vấn đề liên quan đến nguồn lực đầu tư, đất đai, tài chính, bảo hiểm; vướng mắc trong việc ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số tại từng địa phương đồng thời đưa ra các giải pháp nhằm đổi mới sản xuất nhằm khắc phục tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, thiếu liên kết; xây dựng môi trường văn hóa nông thôn để không làm mai một văn hóa truyền thống tốt đẹp ở từng vùng, miền...
Một số đại biểu nhận định, thời gian qua, nhiều chính sách thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã được ban hành. Tuy nhiên, thu nhập khu vực nông thôn chủ yếu vẫn từ lĩnh vực phi nông nghiệp. Do đó, vấn đề là cần phải chuyển từ sản xuất với giá trị thấp sang các cây trồng có giá trị cao hơn, chuyển đổi cơ cấu cây trồng nâng cao sản xuất nông nghiệp.
Bên cạnh đó, tác động của dịch COVID-19 khiến cho người nông dân dễ bị tổn thương hơn, ngay cả những người dân đã ly nông, ly hương. Tỷ lệ người lao động mất việc làm lên tới hơn 3 triệu người, một bộ phận không nhỏ đã quay trở về quê hương, chuyển đổi việc làm, trong đó có khu vực nông nghiệp, nhưng khu vực này cũng chỉ hấp thụ tăng thêm chưa đến 500.000 việc làm. Do đó, việc phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn cần đặt kế hoạch tổng thể chung cả nền kinh tế.
Kết luận Hội nghị, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Duy Hưng nhấn mạnh, nông nghiệp, nông dân, nông thôn là nhiệm vụ chiến lược của toàn Đảng, toàn hệ thống chính trị. Thời gian tới phải phát triển nền nông nghiệp sinh thái, hiện đại, ứng dụng khoa học công nghệ cao, tái cơ cấu mạnh mẽ để đạt giá trị gia tăng cao hơn.
Biểu dương các tỉnh Đồng Nai, Cần Thơ, An Giang trong công tác xây dựng nông thôn mới, ông Nguyễn Duy Hưng cho rằng phải tiếp tục hình thành đội ngũ nông dân văn minh trong bối cảnh khoa học kỹ thuật phát triển mạnh như hiện nay; xây dựng hạ tầng kỹ thuật số, dữ liệu số, tạo điều kiện cho người dân nông thôn tiếp cận khoa học công nghệ trong ngành nông nghiệp...