Công điện gửi đến: Tổng cục Thủy lợi điện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hoà Bình, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Bắc Giang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hà Nam, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An; Giám đốc các Công ty Khai thác công trình thuỷ lợi: Bắc Đuống, Bắc Hưng Hải, Sông Nhuệ, Bắc Nam Hà, Sông Chu, các Ban quản lý Đầu tư và Xây dựng thủy lợi 4.
Theo đó, các tỉnh, thành phố, các công ty khai thác công trình thủy lợi, ban quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi triển khai phương án bảo đảm an toàn cho các công trình thủy lợi, đặc biệt là các hồ chứa nước xung yếu và đang thi xây dựng; phương án phòng, chống lũ, lụt vùng hạ du hồ chứa.
Đồng thời chủ động hạ thấp mực nước các hồ chứa nước có cửa van xuống mức chủ động đón mưa, lũ, bảo đảm an toàn công trình và không xả lũ bất thường làm ảnh hưởng đến vùng hạ du; thực hiện các phương án đảm bảo an toàn hồ chứa khi có nguy cơ xảy ra sự cố.
Các đơn vị theo dõi sát tình hình diễn biến mưa, bão, chủ động vận hành tiêu nước đệm trong các hệ thống thủy lợi; vận hành tối đa công suất các công trình tiêu úng khi có mưa lớn xảy ra.
Tổng cục Thủy lợi cũng yêu cầu tăng cường trực ban tại công trình 24/24 giờ trong thời gian có mưa, lũ; theo dõi chặt chẽ mực nước và lưu lượng nước đến hồ chứa nước để có phương án vận hành phù hợp.
Theo thông tin của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, siêu bão gần biển Đông (siêu bão Mangkhut) có thể đổ bộ vào nước ta vào ngày 17/9; hoàn lưu bão gây mưa rất to cho khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ từ ngày 17/9 ÷ 19/9; tổng lượng mưa từ 200-300mm/đợt.