Ngày 28/6, hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2014 về tình hình phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên đã diễn ra tại thành phố Pleiku (Gia Lai), với sự tham dự của đại diện các bộ, ban, ngành trung ương và lãnh đạo 5 tỉnh Tây Nguyên gồm: Gia Lai, Kon Tum, Đăk Lăk, Đăk Nông và Lâm Đồng. Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng Ban chỉ đạo Tây Nguyên về dự và chủ trì hội nghị. Phát biểu tại hội nghị, Đại tướng Trần Đại Quang biểu dương thành tích đạt được về phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương vùng Tây Nguyên trong 6 tháng đầu năm 2014, đặc biệt có sự hỗ trợ của các bộ, ngành trung ương đã góp phần làm tăng trưởng kinh tế ổn định trong vùng; yêu cầu lãnh đạo các địa phương nghiêm túc nhìn nhận những thiếu sót, bất cập trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị để có những giải pháp đúng đắn và phù hợp hơn.
Nhằm thực hiện tốt mục tiêu "Giữ vững ổn định chính trị, đẩy mạnh tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao đời sống cho đồng bào các dân tộc thiểu số", Đại tướng Trần Đại Quang yêu cầu các địa phương trong toàn vùng Tây Nguyên tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm trong 6 tháng còn lại cuối năm 2014 và trong những năm tiếp theo. Theo đó, triển khai thực hiện có kết quả quyết định của Thủ tướng Chính phủ về một số cơ chế, chính sách hỗ trợ đặc thù và ưu đãi phát triển nền kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2020; tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc thực hiện quyết định của Bộ Giao thông - Vận tải về phương hướng, kế hoạch phát triển kết cấu hạ tầng giao thông Tây Nguyên đến năm 2015, định hướng đến năm 2020.
Đại tướng Trần Đại Quang, Trưởng Ban chỉ đạo Tây Nguyên phát biểu tại hội nghị. Ảnh: qdnd.vn |
Bên cạnh đó, chỉ đạo xây dựng và triển khai đề án tổng thể của ngành ngân hàng hỗ trợ tín dụng phục vụ phát triển kinh tế vùng Tây Nguyên, tập trung vào các lĩnh vực thế mạnh của vùng; nghiên cứu đề xuất các chủ trương, giải pháp phát triển giáo dục, đào tạo, dạy nghề cho con em đồng bào dân tộc thiểu số và nâng cao chất lượng công tác cử tuyển đáp ứng yêu cầu đào tạo cán bộ người dân tộc thiểu số; ưu tiên giải quyết đất sản xuất cho đồng bào dân tộc, thực hiện tốt các giải pháp nhằm giải quyết căn bản vấn đề dân di cư tự do; tập trung nâng cao chất lượng cơ sở đảng trong các vùng dân tộc thiểu số và thu hẹp số buôn làng chưa có tổ chức đảng theo Kết luận 12-KL/TW của Bộ Chính trị.
Trong 6 tháng đầu năm 2014, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng kinh tế vùng Tây Nguyên đã có chuyển biến tích cực. GDP toàn vùng tăng trưởng khoảng 10,3%. Nhiều doanh nghiệp được thành lập mới, phục hồi sản xuất và hoạt động ổn định góp phần vào tăng trưởng công nghiệp đạt 12,6%. Nguồn thu ngân sách ở các địa phương tuy bị ảnh hưởng do hạn chế nguồn thu từ kinh doanh mặt hàng nông sản nhưng vẫn tăng 6,7% so với cùng kỳ và đạt 46% dự toán cả năm.
Chương trình xây dựng nông thôn mới ở các địa phương trong vùng đã đạt được nhiều kết quả, góp phần làm chuyển biến đời sống kinh tế - xã hội ở nông thôn. Các tiêu chí về giao thông, thủy lợi, điện, trường học, chợ nông thôn đạt khá cao so với mức trung bình của cả nước.
Công tác cải tạo, nâng cấp đường Hồ Chí Minh có bước phát triển khả quan, đã triển khai đầu tư nâng cấp được 553 km còn lại trên toàn tuyến, với tổng mức đầu tư hơn 20 ngàn tỷ đồng. Thủ tướng Chính phủ cũng đã quyết định phân bổ hơn 10.000 tỷ đồng để tiếp tục đầu tư cho các dự án trong giai đoạn 2014 - 2016 và hiện đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, triển khai thi công. Việc giải quyết các tồn đọng tại các dự án thuỷ điện đã có nhiều cố gắng tập trung giải quyết đền bù, hỗ trợ tái định cư nhằm ổn định sản xuất, đời sống của người dân.
Văn Thông