Theo Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí, nguyên nhân số lượng đơn khiếu nại, tố cáo (KNTC) giảm là do năm 2021 tình hình dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, nhất là từ cuối tháng 4/2021 đến nay, ngành Kiểm sát phải áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, hạn chế tiếp xúc, thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. VKSND tối cao và phần lớn Viện kiểm sát địa phương phải tạm dừng tiếp công dân; việc KNTC, kiến nghị, phản ánh của công dân được thực hiện thông qua dịch vụ bưu chính.
Bà Nguyễn Thị Mai Phương, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, dù các vụ, việc KNTC có giảm nhưng tình trạng KNTC kéo dài nhiều năm vẫn tái diễn, trong đó có nhiều vụ, việc phức tạp. Mặc dù đã được xét xử, giải quyết hết thẩm quyền, đúng pháp luật và đã được Lãnh đạo VKSND các cấp tiếp nhiều lần nhưng công dân không đồng ý, tiếp tục đến trụ sở cơ quan và địa điểm tiếp công dân của VKSND yêu cầu giải quyết lại.
Đơn cử như vụ việc của ông Đinh Ngọc Cường ở huyện Krông Năng, Đăk Lăk. Theo đề nghị tái thẩm bản án số 57/DSPT ngày 21/8/2010 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng và khiếu nại văn bản trả lời không kháng nghị giám đốc thẩm của VKSND tối cao, nhưng ông Cường đã có hành vi gây rối trật tự công cộng tại sân trụ sở tiếp công dân của VKSND tối cao và đã bị Công an quận Cầu Giấy (Hà Nội) khởi tố, xử lý hình sự.
Theo đánh giá của VKSND, khiếu kiện đông người tuy giảm cả về số vụ việc cũng như số người tham gia, song vẫn có tính chất phức tạp, có hiện tượng huy động, lôi kéo đông người tụ tập tại địa điểm tiếp công dân của VKSND các cấp khiếu kiện nhằm gây sức ép cho cơ quan có thẩm quyền.
Đơn cử như vụ việc nhóm 19 công dân cùng trú tại xóm 15, Nhật Tân, huyện Kim Bảng (Hà Nam) do ông Vũ Văn Cương đại diện đến tập trung tại trụ sở cơ quan VKSND tối cao đề nghị giám đốc thẩm bản án số 154/HCPT/2019 ngày 15/7/2019 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội. Nhóm của ông Trần Văn Đồn ở huyện Yên Dũng (Bắc Giang) đề nghị kiểm tra lại quyết định giải quyết khiếu nại của Viện trưởng VKSND tỉnh Bắc Giang. Nhóm 8 công dân dẫn đầu là bà Nguyễn Thị Anh Đào tự ý qua cổng bảo vệ, đi vào trụ sở VKSND TP Hồ Chí Minh lớn tiếng, yêu cầu gặp lãnh đạo để đối thoại về việc điều tra liên quan đến vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty Cổ phần thương mại tư vấn và đầu tư Kingland…
Theo ông Phạm Văn Hòa, đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, những vụ việc khiếu kiện đông người phổ biến vẫn là KNTC liên quan đến đất đai xảy ra ở một số địa phương. KNTC liên quan đến hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua giao dịch bằng các hợp đồng mua bán đất; liên quan đến việc thu hồi đất, hỗ trợ bồi thường giải phóng mặt bằng, dự án khu công nghiệp, bố trí tái định cư và lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua đầu tư trên mạng...
Nhìn chung, các vụ việc KNTC, kiến nghị, phản ánh về hành vi, quyết định liên quan đến các vụ, việc do các cơ quan tư pháp đang thụ lý, giải quyết như quyết định không khởi tố vụ án hình sự; kết luận điều tra của Cơ quan điều tra; việc Tòa án chậm đưa vụ án ra xét xử; cơ quan Thi hành án dân sự chậm tổ chức thi hành án; khiếu nại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án; việc Tòa án trả lại đơn khởi kiện; khiếu nại thông báo trả lời không kháng nghị giám đốc thẩm hoặc tái thẩm các bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật của VKSND cấp cao, toàn án nhân dân cấp cao, VKSND tối cao, TAND tối cao.
Cũng theo Viện trưởng Lê Minh Trí, nhiều trường hợp công dân gửi đơn đến cơ quan điều tra VKSND tối cao tố giác hành vi “ra bản án trái pháp luật”, “không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội” và “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” của cơ quan tư pháp địa phương.
Sau khi phân loại, xác định bản chất nội dung đơn là khiếu nại tố cáo trong hoạt động tư pháp, cơ quan điều tra VKSND tối cao đã chuyển đơn đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết nhưng một số công dân không đồng ý và đề nghị cơ quan có thẩm quyền phải xử lý theo tội danh đã tố giác nên dẫn đến khiếu nại gay gắt hoặc có trường hợp cố tình không chấp hành kết quả giải quyết KNTC.
Có những việc đã có kết quả giải quyết đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm đúng pháp luật của cơ quan, người có thẩm quyền nhưng người dân vẫn tiếp tục làm đơn KNTC gửi đến nhiều ngành, nhiều cấp, thay đổi hình thức chuyển từ khiếu nại sang tố cáo hành vi của người tiến hành tố tụng...
Mặc dù đạt được những kết quả quan trọng trong công tác giải quyết KNTC, nhưng Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí cũng nhìn nhận: Kiểm sát việc giải quyết KNTC trong hoạt động tư pháp của VKSND các cấp có chuyển biến cả về số lượng và chất lượng. Tuy nhiên nhiều VKSND địa phương vẫn chưa đảm bảo chỉ tiêu kiểm sát trực tiếp. Công tác kiểm sát trực tiếp vẫn tập trung chủ yếu kiểm sát việc giải quyết KNTC trong hoạt động tư pháp của cơ quan điều tra.
Dự báo tình hình KNTC trong hoạt động tư pháp thời gian tới, Viện trưởng Lê Minh Trí nhận định: Đại dịch COVID-19 tác động lên mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế, hoạt động thương mại, lao động, việc làm và thu nhập, làm tăng tỷ lệ nghèo và cận nghèo, làm sụt giảm thu nhập của hộ gia đình và người lao động. Số doanh nghiệp bị vỡ nợ, phá sản, rời thị trường sẽ gia tăng mạnh, hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân gặp rất nhiều khó khăn, theo đó, các tranh chấp trong lĩnh vực dân sự, kinh doanh thương mại, lao động sẽ gia tăng. Trong hoạt động tố tụng, do giãn cách xã hội làm kéo dài thời hạn giải quyết cũng sẽ góp phần làm tăng khiếu nại của người dân...
Bên cạnh đó, sau khi các biện pháp giãn cách xã hội để phòng chống dịch COVID-19 được dỡ bỏ, người dân được tạo điều kiện đi lại thì số người gửi đơn khiếu kiện, nhất là khiếu kiện đông người có thể tăng lên.
Để tháo gỡ khó khăn trong công tác cán bộ, VKSND tối cao sẽ nghiên cứu lại một số vị trí việc làm, bố trí hợp lý các khâu công tác để có nguồn lực ưu tiên cho công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp của VKSND cấp huyện và giải quyết đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm tại VKSND cấp cao, VKSND tối cao.
Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo; nâng cao trách nhiệm của kiểm sát viên trong thực hiện nhiệm vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử các vụ án, đặc biệt là các vụ án bị cấp giám đốc thẩm, tái thẩm hủy để điều tra, xét xử lại.
Tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn, tập huấn đào tạo, bồi dưỡng, thông báo rút kinh nghiệm trong ngành KSND để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các đơn vị, VKSND cấp dưới. Nâng cao ý thức trách nhiệm trong công việc, tự đào tạo, nâng cao trình độ nghiệp vụ, thường xuyên cập nhật các văn bản hướng dẫn mới, nhất là những kiến thức, thông tin trong lĩnh vực tín dụng, ngân hàng để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ được phân công trong thời gian tới; giải quyết dứt điểm những đơn khiếu nại bức xúc, kéo dài tồn tại của những năm trước.