Sơ tán gần 8 vạn dân trước khi bão đổ bộ

Các địa phương trong vùng ảnh hưởng bão số 11 cần khẩn trương hoàn tất việc sơ tán dân ở những vùng ven biển có sóng lớn và gió mạnh, những nhà không kiên cố, khu ở của sinh viên, công nhân, khu vực các cột phát sóng và đặc biệt tuyệt đối không được để ngư dân ở trên tàu thuyền, lồng bè. Đó là ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Cao Đức Phát, Trưởng ban chỉ đạo phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn Trung ương tại buổi họp chiều 14/10, tại TP Đà Nẵng.

Bộ trưởng Cao Đức Phát nghe báo cáo về tình hình công tác phòng chống bão số 11 tại Đà Nẵng. Ảnh: Trần Lê Lâm - TTXVN


Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh, đây là một cơn bão rất mạnh, trọng tâm đi vào TP. Đà Nẵng. Do bão sẽ đổ bộ vào đêm 14/10 nên công tác chuyển bị phải được hoàn thành trước 19h cùng ngày.

Các địa phương lưu ý đêm nay sẽ có mưa lớn từ Hà Tĩnh tới Quảng Ngãi. Các hồ chứa thuỷ lợi, thuỷ điện phải có phương án xả bớt nước ngay để làm chậm quá trình lũ và túc trực canh gác thường xuyên để xử lý kịp thời khi sự cố xảy ra. Lực lượng cảnh sát giao thông điều tiết không cho xe khách lưu thông trên tuyến quốc lộ 1A từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi bắt đầu từ 8h tối 14/10; đảm bảo bố trí xe khách dừng trú an toàn và khi bão qua phải cho thông xe ngay. Các lực lượng tìm kiếm cứu nạn cần sẵn sàng ứng cứu khi có sự cố. Quân khu 4 và Quân khu 5 triển khai mạng lưới thông tin đảm bảo thông suốt phục vụ công tác chỉ đạo. Các địa phương cần thực hiện tốt phương châm 4 tại chỗ.

Trung tâm Khí tượng thuỷ văn quốc gia cho biết, hiện nay các tỉnh từ Quảng Bình đến Ninh Thuận và Tây Nguyên có mưa, lượng mưa phổ biến từ 10 - 20mm, một số nơi từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Nam lượng mưa lớn hơn. Đêm nay mực nước các sông từ Quảng trị đến Quảng Nam sẽ ở trên báo động 2 và báo động 3. Các sông từ Quảng Ngãi đến Phú Yên; từ Thanh Hoá đến Hà Tĩnh có khả năng đạt mức báo động 1; các sông khu vực Tây Nguyên đạt mức báo động 1 và báo động 2.

Tính đến chiều 14/10, các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Nam đã sơ tán 23.208 hộ với 78.839 nhân khẩu. Hiện nay không có tàu thuyền nào trên biển trong vùng nguy hiểm của bão.

Hồ chứa thủy lợi vừa và lớn từ từ Quảng Bình đến Ninh Thuận, khu vực Tây Nguyên vẫn hoạt động bình thường; trong đó có 5 hồ chứa đã đầy và qua tràn; 28 hồ chứa nhỏ từ Quảng Bình đến Bình Định có nguy cơ mất an toàn khi có mưa lớn. Trong chiều 14/10, thủy điện Đăk Mi 4 và sông Bung 4A đã mở tràn xả lũ.

Thành phố Đà Nẵng đã hoàn tất công tác chuẩn bị đối phó với bão số 11, sơ tán 8.000 hộ dân với 42.000 người; 1.800 tàu thuyền neo đậu an toàn. Đà Nẵng cũng đã cho học sinh nghỉ học từ trưa 14/10. Ngoài ra, thành phố chủ động tích trữ 4.000 tấn gạo, 3 triệu gói mì tôm, 500.000 chai nước uống, đảm bảo đủ 100% cơ số thuốc để hỗ trợ kịp thời những vùng bị ảnh hưởng.

Hiện nay, gió mạnh đã làm nhiều cây xanh đổ gãy, biển động dữ dội.

* Thừa Thiên - Huế đảm bảo an toàn cho người dân sống gần các công trình, trạm ăng-ten


Ngày 14/10, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Phan Ngọc Thọ cùng lãnh đạo Sở Thông tin và truyền thông, Sở Xây dựng tỉnh đã kiểm tra các công trình, trạm ăng-ten trên địa bàn nhằm đối phó với bão số 11.

Đoàn đã đến kiểm tra cột ăng-ten tại Đài Phát thanh và Truyền hình Thừa Thiên - Huế của Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại thành phố Huế (VTV Huế) và cột ăng-ten của mạng Gtel đặt tại trụ sở công an tỉnh Thừa Thiên - Huế. Tại các địa điểm trên, sau khi nghe lãnh đạo các đơn vị báo tình hình duy tu, bảo trì cột và các thiết bị, ông Phan Ngọc Thọ lưu ý, bão số 11 là cơn bão rất mạnh, giật đến cấp 13, có khả năng gây nguy hiểm, mất an toàn đến công trình, các cột ăng-ten.

Vì vậy, tỉnh yêu các đơn vị, đặc biệt đơn vị công an tỉnh sớm có phương án di dời các hộ dân nằm trong phạm vi bán kính trạm ăng-ten về nơi an toàn khi gió bão vào bờ trên cấp 10. Bên cạnh đó, các đơn chủ động có kế hoạch tháo tạm thời các thiết bị như: chảo parabol tại các cột ăng-ten không cần thiết, không đảm bảo an toàn; đồng thời, thành lập lực lượng ứng trực chủ động khi có tình huống xấu xảy ra đối với các cột ăng-ten.

Đối với các cột ăng-ten khác của Đài Phát thanh và truyền hình Thừa Thiên - Huế, trạm BTS Viettel tại địa bàn thị xã Hương Thủy, Đài Truyền thanh TP. Huế và trạm BTS trên đường Ngô Đức Kế thuộc địa bàn TP. Huế đều nằm trong khu vực dân cư, tỉnh đề nghị các đơn vị tăng cường kiểm tra độ an toàn của cột, gia cố các cột và có phương án xử lý nếu có tình huống xấu xảy ra...

Cùng ngày, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế đã đôn đốc các đơn vị triển khai các phương án bảo vệ hệ thống các di tích, nhất là các di tích đang trong quá trình tu bổ và ở vùng ven biển, thấp trũng, vùng trống... Đây cũng là thời điểm trên địa bàn tỉnh có hơn 6.800 khách du lịch, trong đó có 3.615 khách quốc tế đang lưu trú. Các khách sạn, khu nghỉ dưỡng đã di dời toàn bộ khách ở các vùng ven biển, thấp trũng đến nơi an toàn.

Huyện miền núi A Lưới có 808 hộ, 3.451 khẩu nằm ở vùng trũng, gần sông suối có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất đã được di dời đến nơi an toàn. Huyện đã tích cực chuẩn bị phương tiện, thiết bị ứng cứu phân bổ về các xã như: áo phao, phao cứu sinh, bao tải, rọ đá, cuốc xẻng, nhà bạt; đồng thời, huy động 50 xe con, xe tải, máy ủi phục vụ công tác phòng chống, ứng phó bão, góp phần hạn chế thấp nhất thiệt hại và sẵn sàng đối phó nếu sạt lở tắc đường 49 tuyến Huế - A Lưới...


Đỗ Trưởng - Quốc Việt



Thủ tướng chỉ đạo đối phó với bão số 11
Thủ tướng chỉ đạo đối phó với bão số 11

Bão số 11 là cơn bão rất mạnh, diễn biến phức tạp, di chuyển nhanh hướng về phía quần đảo Hoàng Sa và đất liền nước ta, dự báo khi đổ bộ vào đất liền sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12, giật cấp 13, cấp14 và có mưa to đến rất to.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN