Sớm triển khai dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư

Ngày 26/8, tại trụ sở Chính phủ, dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Ban chỉ đạo Đề án 896 đã họp đánh giá tình hình triển khai thực hiện Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013 – 2020; thảo luận một số nội dung của dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật căn cước công dân.

Báo cáo của Văn phòng Ban chỉ đạo 896 cho thấy: Dự án khả thi Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư bị chậm và hiện Bộ Công an chưa thể thực hiện thủ tục tiếp theo để bảo đảm cho việc triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Nguyên nhân là do dự án được thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước và Tập đoàn viễn thông quân đội (Viettel) là đơn vị ứng vốn xây dựng, song, theo Luật đầu tư công có hiệu lực từ ngày 01/01/2015, các dự án đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý về mặt chủ trương, nhưng chưa quyết định mức vốn đầu tư cụ thể hoặc chưa phê duyệt quyết định đầu tư, các bộ, ngành, địa phương phải hoàn thiện các thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư công.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu. Ảnh: Thống Nhất-TTXVN


Để tháo gỡ vấn đề trên, ngày 10/8 vừa qua, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã có ý kiến giao Bộ Công an phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ khẩn trương trình cấp có thẩm quyền các văn bản theo đúng quy định của pháp luật về đầu tư công, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/8. Thực hiện chỉ đạo, Bộ Công an đã chuẩn bị Tờ trình, Báo cáo xin chủ trương trình Thủ tướng Chính phủ. Dự kiến tháng 9/2015, Dự án khả thi Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt về chủ trương để thực hiện các bước tiếp theo và đưa vào xây dựng trong 2 năm 2016 - 2017, hoàn thành vào cuối năm 2017.

Do phải chờ Dự án khả thi Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được phê duyệt và triển khai nên việc rà soát các thủ tục hành chính có liên quan đến giấy tờ công dân hiện nay cũng bị chậm so với kế hoạch. Bên cạnh đó, khi cụ thể hóa nhiều nội dung của Luật căn cước công dân, Luật hộ tịch và Đề án 896 vào dự thảo Nghị định hướng dẫn một số điều và biện pháp thi hành Luật căn cước công dân cũng còn có những quan điểm khác nhau trong cập nhật, khai thác thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cấp số định danh cá nhân đã gây lúng túng trong việc giả định khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư khi giải quyết thủ tục hành chính của các cơ quan để thực hiện nghiên cứu rà soát.

Những vướng mắc, băn khoăn liên quan đến cấp số và cấu trúc số định danh cá nhân, cập nhật, truy xuất thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư… được quy định tại Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật căn cước công dân đã được các đại biểu thảo luận tại cuộc họp. Nhiều ý kiến cho rằng đối tượng áp dụng của Nghị định không bao gồm trường hợp công dân Việt Nam đang sinh sống ở nước ngoài là không hợp lý, không thể để lọt một nhóm người không được điều chỉnh bởi Luật căn cước công dân khiến người dân có cảm giác không công bằng. Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phải được quản lý chặt chẽ, bảo vệ đời tư cá nhân nhưng vẫn phải đảm bảo quy định sao cho tổ chức, cơ quan quản lý, cá nhân khai thác cơ sở dữ liệu này theo quyền hạn của mình.

Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: dự án khả thi Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư bị chậm trễ, làm ảnh hưởng toàn diện đến việc thực hiện các nhiệm vụ chung của Đề án 896. Từng thành viên Ban chỉ đạo phải chịu trách nhiệm cá nhân đối với việc thực hiện nhiệm vụ của chính Bộ, ngành mình. Quốc hội đã thông qua Luật hộ tịch và Luật căn cước công dân, việc chậm triển khai số định danh và các công việc liên quan sẽ làm ảnh hưởng đến người dân và bị phê phán.

Toàn cảnh cuộc họp. Ảnh: Thống Nhất-TTXVN


Phó Thủ tướng nhấn mạnh Dự án khả thi Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là Dự án nền tảng, quyết định thành bại của Đề án 896, Bộ Công an cần hoàn thành chậm nhất là 30/8 phải trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt về chủ trương, tháng 9/2015 phê duyệt dự án khả thi. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Thông tin và Truyền thông, Văn phòng Chính phủ phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, Viettel sớm hoàn tất các thủ tục để phê duyệt Dự án trong năm 2015. Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công an, Bộ Tư pháp phối hợp chặt chẽ để bảo đảm triển khai đồng bộ Luật căn cước công dân và Luật hộ tịch, trong đó chú trọng việc bảo đảm hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ cho việc cấp số định danh cá nhân từ 1/1/2016, hai Bộ phải phối hợp tốt để việc cấp số định danh không bị trùng lặp; tiếp tục thực hiện việc rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân, không chờ đến khi Dự án khả thi Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được phê duyệt.

Đánh giá cao Bộ Công an trong việc chuẩn bị dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật căn cước công dân, Phó Thủ tướng chỉ rõ đây là văn bản để triển khai chi tiết tất cả các nội dung của Đề án 896, do đó, Bộ Công an và Bộ Tư pháp cần phối hợp chặt chẽ để sớm trình Chính phủ xem xét, thông qua. Một số nội dung chưa thống nhất giữa hai Bộ cần phải rà soát chặt chẽ trên tinh thần nội dung nào đã được quy định tại 2 Luật đã được Quốc hội thông qua phải tuyệt đối tuân thủ, Luật là quy định gốc, Nghị định không thể trái với Luật. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công an hoàn thiện dự thảo Nghị định, quy định cụ thể thời gian chuyển tiếp (là giai đoạn Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư chưa được vận hành thống nhất trên cả nước và chưa được kết nối để tiếp nhận thông tin hộ tịch từ Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc) và từ 1/1/2020, khi Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã được vận hành ổn định, cần quy định cụ thể các nội dung đã được Luật giao đối với từng giai đoạn.

Về đối tượng áp dụng, Bộ Công an nghiên cứu, có giải pháp để thực hiện theo đúng Luật Căn cước công dân, cần quy định trường hợp công dân Việt Nam đang sinh sống ở nước ngoài ngay trong Nghị định, không để lo lắng cho người dân, thực hiện nguyên tắc người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam. Trong giai đoạn chuyển tiếp, việc cấp số định danh cá nhân và nhập thông tin công dân vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư bao gồm 2 nhóm: nhóm người sinh trước 1/1/2016 và nhóm người sinh sau ngày 1/1/2016.

Đối với nhóm đối tượng sinh trước ngày 1/1/2016, thông tin công dân sẽ do cơ quan công an thu thập, cập nhật vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Do đó, cần quy định rõ trách nhiệm phối hợp của cơ quan công an với cơ quan tư pháp và các cơ quan đại diện trong thu thập, cập nhật thông tin về công dân. Đối với nhóm đối tượng sinh sau ngày 1/1/2016, cần quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan cấp số định danh cá nhân bao gồm cơ quan hộ tịch trong nước và cơ quan đại diện ở nước ngoài. Khi Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã hoàn thành, có đủ thông tin của tất cả công dân Việt Nam, cần quy định cụ thể các trường thông tin công dân do cơ sở dữ liệu căn cước công dân, cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, cơ sở dữ liệu cư trú cung cấp cho cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để bảo đảm tính chính xác.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh theo quy định tại Điều 10 của Luật căn cước công dân, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là cơ sở dữ liệu dùng chung, mọi cơ quan, tổ chức, công dân đều có thể sử dụng, dự thảo Nghị định phải thể hiện rõ tinh thần này. Còn phạm vi sử dụng về sau sẽ tính toán để bảo đảm an ninh, an toàn, bí mật cá nhân.

Chu Thanh Vân (TTXVN)
Không thêm thủ tục hành chính không cần thiết
Không thêm thủ tục hành chính không cần thiết

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành đã ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật để đơn giản hoá thủ tục hành chính.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN