Trước miệng đường hầm dẫn dòng Công trình thuỷ điện Sông Bung 2. Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN |
Có mặt tại hiện trường nơi xảy ra sự cố, phóng viên ghi nhận lời kể của các nhân chứng, theo đó vụ vỡ đường ống dẫn dòng thủy điện nêu trên là "ngoài sức tưởng tượng” đối với những người trực tiếp tham gia thi công tại công trường.
Dòng nước kinh hoàng
Vào lúc 16 giờ 25 phút ngày 13/9, tại hạ lưu khu vực hầm dẫn dòng dự án thủy điện sông Bung 2, nhà thầu Tổng công ty xây dựng thuỷ lợi 4 (HYCO4) cùng Ban Quản lý dự án (QLDA) và các đơn vị tư vấn đang tổ chức đắp đê quai hạ lưu và bơm thoát nước để đổ bê tông nút hầm dẫn dòng thì phát hiện tình trạng nước chảy vào hầm (chiều dài 400 m, rộng 12 m và cao 14 m) với lưu lượng khá lớn và tràn về phía hạ lưu gây ngập.
Công nhân Nguyễn Hữu Dân (lái xe của Tổng công xây dựng thuỷ lợi 4) cho biết: "Vào thời điểm trên, tôi đang lái cẩu tại khu vực triền sông hạ lưu đập chính thuỷ điện Sông Bung 2, chứng kiến cảnh nước chảy ồ ạt xuống hạ lưu. Bản thân tôi rất hoảng hốt, đành đạp cửa xe và men theo bờ đá dọc triền sông chạy thoát. Lúc này, dưới dòng sông nước cuốn trôi hàng chục phương tiện đang phục vụ thi công".
Là lái xe phục vụ đưa đón lãnh đạo, cán bộ chỉ huy thi công công trình tại dự án thuỷ điện Sông Bung 2, lái xe Trần Văn Minh kể lại: "Trong lúc cán bộ, lực lượng kỹ thuật đang tổ chức đo lưu lượng nước tại cống dẫn dòng thì bất ngờ có tiếng nổ to và nước phun lên đến hàng chục mét.
Lúc này, một số lái xe nằm ở khu vực cao trên đường dẫn đến cống dẫn dòng đã lái xe bỏ chạy. Bản thân tôi không kịp nổ máy xe, chỉ kịp tông cửa chạy ngược lên phía trên, rồi bám theo từng hốc đá để leo lên bờ. Nhìn thấy cảnh nước cuồn cuộn cuốn trôi số xe máy đang thi công mà rùng mình. Cũng may là trước đó mưa khá lớn nên số lượng cán bộ kỹ thuật, công nhân trực tiếp thi công ở dưới hạ lưu khá ít".
Dồn sức tìm kiếm các nạn nhân mất tích
Theo thống kê của các cơ quan chức năng, đến 9 giờ sáng 14/9, ngoài 2 công nhân bị nước cuốn trôi là anh Nguyễn Minh Luân (sinh năm 1992, trú tại Ngọc Lập, Phú Thọ) và anh Đặng Văn Tuyền (sinh năm 1979, trú tại Cẩm Giàng, Hải Dương) - công nhân vận hành máy đào của nhà thầu HYCO4- thì còn có 11 người đang mất liên lạc.
Trong đó có 10 người trú ở xã La Êê đi trồng rừng thay thế thuộc dự án thuỷ điện Sông Bung 2 và một lao động tự do (đi chăn bò) trú ở xã Zuol, huyện Nam Giang.
Xe ô tô bị nước cuốn trôi trong vụ tai nạn đường hầm dẫn dòng Công trình thuỷ điện Sông Bung 2. Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN |
Số liệu ban đầu cho biết, sự cố vỡ đường ống dẫn dòng của thuỷ điện Sông Bung 2 đã cuốn trôi 3 nhà dân (xã La êê) và 11 phương tiện thi công công trình (5 xe tải, 2 xe con, 1 cần cẩu, 2 xe múc và 1 máy ủi).
Trung tá Phạm Hồng Hải, Phó Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự huyện Nam Giang cho biết: hiện lực lượng chức năng của tỉnh, huyện, xã đang huy động khoảng 200 cán bộ, chiến sỹ cũng như dân quân tự vệ tiến hành tìm kiếm dọc hạ lưu thuỷ điện Sông Bung 2. Chúng tôi đã lên phương án dùng lưới quét, dò tìm học bờ sông, trực dưới hạ lưu... để kịp thời phát hiện và xử lý khi phát hiện người bị nạn.
Tuy nhiên, việc liên lạc, tìm kiếm các nạn nhân đến sáng 14/9 vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn khi người dân đi làm trong khu vực rừng núi không thể liên lạc được. Chính vì vậy, lực lượng chức năng đang vận động người thân của những người chưa liên lạc được đến những nơi mà người thân họ thường đi lao động, sản xuất để tìm kiếm.
Đại uý B’Ling Tônavan, Đồn trường Đồn Công an Cha Val, huyện Nam Giang cho biết: từ tối 13/9, chúng tôi đã phối hợp cử lực lượng công an xã ở những địa bàn có người nghi còn mất tích đến tận từng gia đình để nắm tình hình, đồng thời liên lạc, tìm kiếm người thân. Chúng tôi đang nỗ lực hết sức để liên lạc với những người mất tích nếu họ còn may mắn sống sót.