Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ) Ngô Hải Phan, Đại sứ Vương quốc Anh Bắc Ai-len tại ASEAN Jon Lambe, đại diện các nước OECD và ASEAN: Vương quốc Anh, Pháp, Phần Lan, New Zealand, Malaysia, Indonesia, Myanmar, Philipines, Thái Lan đã tham dự tại các điểm cầu.
Đại dịch COVID-19 đã buộc các Chính phủ phải nhanh chóng ứng dụng công nghệ số nhằm duy trì và đẩy nhanh tốc độ cung cấp các dịch vụ công. Điều đó mang đến nhiều cơ hội nhưng cũng gây ra không ít khó khăn, thách thức. Một mặt công nghệ số có thể cải thiện quy trình hoạt động của Chính phủ, bao gồm cả giảm bớt những gánh nặng quy định đang cản trở việc cung cấp các dịch vụ y tế, kinh tế và xã hội thiết yếu. Mặt khác, điều đó cũng gây ra nhiều thách thức đối với các cơ quan quản lý trong việc vừa nhanh chóng ứng dụng công nghệ, vừa bảo vệ xã hội trước những hậu quả không mong muốn. phiên họp nhằm đánh giá các cơ hội và thách thức trong bối cảnh của các quốc gia thành viên ASEAN và OECD.
Phát biểu khai mạc, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính Ngô Hải Phan cho biết, năm 2020, Việt Nam đảm nhận vai trò chủ tịch ASEAN và là chủ nhà của chương trình nghị sự Hội nghị lần thứ 6 của Mạng lưới Thực hành quy định tốt ASEAN – OECD. Việt Nam tiếp tục nhận được sự hỗ trợ tích cực từ Chính phủ Vương quốc Anh và Bắc Ai-len thông qua Đại sứ quán Vương quốc Anh và Bắc Ai-len tại Việt Nam và ASEAN.
Phiên họp lần thứ nhất của Hội nghị Mạng lưới Thực hành quy định tốt ASEAN-OECD lần thứ 6 năm 2020 tại các quốc gia OECD và ASEAN đã thành công tốt đẹp vào ngày 11/8. Mặc dù lần đầu tổ chức trực tuyến do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng Hội nghị vẫn thu hút được sự tham dự, theo dõi của gần 400 đại biểu đến từ các quốc gia OECD, ASEAN và nước chủ nhà Việt Nam. Ông Ngô Hải Phan bày tỏ hy vọng Phiên họp thứ hai sẽ mang đến cho các đại biểu những thông tin bổ ích trong việc sử dụng công cụ số để ban hành quy định ứng phó với dịch COVID-19.
Từ Malaysia, Phó Tổng Thư ký Bộ Công nghiệp và Thương mại quốc tế Hairil Yahri Yaacob cho rằng, Phiên họp là cơ hội tốt để các nước OECD và ASEAN kết nối, chia sẻ kinh nghiệm nhằm ứng phó với đại dịch COVID-19 trên quy mô toàn cầu và phục hồi sau dịch. Trong bối cảnh hiện nay, công nghệ giúp chúng ta giảm gánh nặng cho các bên cũng như quá trình ban hành quy định và áp dụng trong thời gian tới.
Theo Phó Tổng Thư ký Bộ Công nghiệp và Thương mại quốc tế Malaysia, Chính phủ nước này đã kêu gọi cơ quan quản lý và khu vực tư nhân giải quyết những gánh nặng, điểm nghẽn về thủ tục, quy định, đặc biệt là đối với những ngành nghề bị ảnh hưởng bởi COVID-19, để có thể vượt qua những khó khăn trong giai đoạn hiện nay. Nhiều sáng kiến đã được ban hành như xây dựng cổng thông tin để tham vấn tập trung, tháo gỡ nhanh những thủ tục, quy định đang là điểm nghẽn; thành lập Hội đồng hành động kinh tế do Thủ tướng làm Chủ tịch nhằm giải quyết nhanh những mối quan tâm và thách thức mà cộng đồng doanh nghiệp gặp phải. Malaysia đã áp dụng gói hỗ trợ, kích thích kinh tế trị giá 3,5 tỷ USD để hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng, chi hơn 7% GDP trong năm 2020 cho các hoạt động hỗ trợ kinh tế để có thể đạt được mức tăng trưởng từ 3,5 - 4% trong năm 2020 -2021.
Nhiều kinh nghiệm, quy định tốt nhằm hỗ trợ khôi phục sau đại dịch COVID-19 hiện nay và hướng đến ứng phó tốt hơn với các cuộc khủng hoảng trong tương lai đã được các đại biểu chia sẻ tại Phiên họp, như số hóa hoạt động thực thi quy định (kiểm tra điện tử, chứng nhận điện tử, đấu thầu điện tử, mua sắm thông qua catalogue điện tử…), nguyên tắc hoạt động hoạch định chính sách hiệu quả và dựa vào sáng tạo trong cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nâng cấp các hệ thống quản lý quy định…
Trình bày về chính sách và ứng dụng công nghệ thông tin của Việt Nam để phản ứng nhanh với đại dịch, ông Nguyễn Thế Trung, Thành viên tổ tư vấn Chính phủ điện tử của Văn phòng Chính phủ cho biết, Chính phủ Việt Nam chủ động chấp nhận và ứng phó ngay với trường hợp đầu tiên, dù không có nhiều kiến thức về COVID-19. Chính phủ đã đặt ưu tiên truyền thông cho toàn xã hội nâng cao nhận thức để mọi người cùng chung tay phòng, chống dịch. Một trong những phương pháp hiệu quả mà Việt Nam thực hiện và sau đó nhiều quốc gia đã áp dụng là kích hoạt truy vết ngay sau khi xuất hiện trường hợp lây lan đầu tiên.
Theo ông Nguyễn Thế Trung, sự phối hợp nhịp nhàng giữa y tế và công nghệ là cách hiệu quả để đối phó với dịch. Dịch COVID-19 như vòng xoáy của tâm bão, diễn biến không ngừng theo cấp số nhân, nếu không can thiệp kịp thời sẽ làm sụp đổ hệ thống y tế, dẫn tới bất ổn xã hội. Tốc độ can thiệp bằng con người và ứng dụng công nghệ có thể giảm cấp độ của cơn “bão dịch”. Tốc độ xử lý thông tin sẽ hỗ trợ tốc độ điều hành để giảm “bão dịch” từ cấp 12 trở lên xuống dưới cấp 8. Để kiểm soát vòng xoáy đó, Việt Nam xây dựng 3 trụ cột, đó là năng lực và trách nhiệm điều hành chống dịch của Chính phủ, năng lực đáp ứng của hệ thống y tế, nhận thức và hành động đồng lòng chống dịch của xã hội. Trong giai đoạn này, nhiều ứng dụng đã được phát triển nhanh chóng như khaibaoyte.vn, Ncovi.vn, Bluezone...
Ông Nguyễn Thế Trung nhấn mạnh: COVID-19 đặt ra những thách thức lớn cho hệ thống quản trị xã hội và Chính phủ; sự chủ động của Chính phủ là then chốt; lãnh đạo với tầm nhìn chính xác, hành động thực tiễn và nhanh chóng là yếu tố thành công quan trọng nhất; toàn dân đoàn kết, dân chủ, cộng tác mở là hành vi đúng đắn và ứng dụng công nghệ thông tin, hỗ trợ quyết định dựa trên dữ liệu là công cụ phù hợp.