Sửa đổi Bộ luật Hình sự phải bảo đảm khả thi, thực tiễn

Với tính chất đặc biệt quan trọng, tầm ảnh hưởng tới đời sống - xã hội, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV đã dành cả ngày 26/10 để thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13.

Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 được Quốc hội khoá XIII, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 27/11/2015, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/07/2016. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 109/2015/QH13 của Quốc hội về việc thi hành Bộ luật này, các cơ quan hữu quan đã phát hiện và phản ánh về một số sai sót kỹ thuật, một số quy định chưa hợp lý hoặc khó áp dụng trong Bộ luật. Ngày 29/6/2016, Quốc hội khóa XIII ban hành Nghị quyết số 144/2016/QH13 về việc lùi hiệu lực thi hành của Bộ luật hình sự năm 2015 cùng với 03 luật khác có liên quan ; đồng thời, bổ sung dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự năm 2015 vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016 để trình Quốc hội khoá XIV tại kỳ họp thứ 2.

Phạm vi sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015 lần này liên quan đến 141 điều của Bộ luật, gồm 18 điều thuộc Phần Những quy định chung và 123 điều thuộc Phần Các tội phạm, trong đó có điều sửa đổi về kỹ thuật, 102 điều sửa đổi về nội dung quy định trong điều luật và bãi bỏ 01 điều.

Làm rõ quan điểm sửa đổi, bổ sung

Qua phiên thảo luận có 2 cách tiếp cận khác nhau về quan điểm sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự năm 2015. Nhiều ý kiến cho rằng trên cơ sở kết quả rà soát Bộ luật Hình sự năm 2015 của Tổ công tác liên ngành do Ủy ban Tư pháp của Quốc hội chủ trì, ý kiến đề xuất của các Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức hữu quan và với quy mô của một Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015 thì nên xác định quan điểm sửa đổi, bổ sung lần này là: Sửa đổi, bổ sung ở mức tối đa những quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 có lỗi kỹ thuật đã được phát hiện và những nội dung rõ ràng là chưa hợp lý hoặc có thể khó áp dụng trên thực tế liên quan đến một số chính sách cụ thể được thể hiện trong một số điều luật của Bộ luật Hình sự năm 2015 nhằm bảo đảm tính đồng bộ, nhất quán, logic trong các quy định của Bộ luật Hình sự, góp phần bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật cũng như bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Không làm thay đổi những chính sách lớn của Bộ luật Hình sự đã được Quốc hội khóa XIII thông qua và không đặt ra vấn đề mới dẫn đến việc phải sửa đổi, bổ sung các luật khác đang được lùi hiệu lực thi hành cùng Bộ luật Hình sự năm 2015. Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015 cần phải tiếp tục góp phần đáp ứng yêu cầu của thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang Vương Ngọc Hà phát biểu ý kiến. Ảnh: An Đăng/TTXVN

Tán thành với quan điểm này, đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận) nhấn mạnh tầm quan trọng của Bộ luật Hình sự và sự tác động trực tiếp đến quyền con người, quyền công dân và liên quan tới tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Trên cơ sở rút kinh nghiệm trong việc xây dựng Bộ luật năm 2015 và bám sát Nghị quyết 144 của Quốc hội, đại biểu Nguyễn Thị Phúc đề nghị việc sửa đổi, bổ sung lần này cần phải nâng cao trách nhiệm của cơ quan soạn thảo và các cơ quan liên quan với tinh thần thận trọng, đảm bảo tính tương thích giữa các bộ luật, trong đó cần đặt chất lượng của Bộ luật lên hàng đầu. Các sai sót cần phải được rà soát kỹ, tránh tình trạng sau khi thi hành lại phát hiện sai sót. Đối với những quy định thiếu nhất quán có thể dẫn đến sự tùy tiện trong áp dụng pháp luật hoặc nội dung thiếu rõ ràng, mẫu thuẫn với luật chuyên ngành thì cần nghiên cửu để sửa đổi, đáp ứng việc áp dụng thống nhất giữa các bộ luật- đại biểu nêu rõ. Cùng cùng quan điểm này, đại biểu Bạch Thị Hương Thủy (Hòa Bình) thấy rằng chỉ nên tập trung sửa đổi những sai sót rõ ràng về nội dung và kỹ thuật lập pháp, khắc phục những mẫu thuẫn, chồng chéo giữa các luật và những quy định chưa hợp lý và khó áp dụng trong thực tế. Những nội dung lớn khác trong bộ luật có liên quan tới chính sách mới mà chưa được kiểm nghiệm qua thực tiễn thì đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát kỹ lưỡng.

Nêu quan điểm về vấn đề này, cơ quan thẩm tra là Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nêu quan điểm sửa đổi, bổ sung tối đa các sai sót đã được phát hiện; không làm thay đổi các chính sách lớn của Bộ luật hình sự đã được Quốc hội thông qua; bảo đảm góp phần đáp ứng yêu cầu thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm. Đồng thời, trong một chừng mực nhất định, một số quy định của Bộ luật Hình sự chưa thể cụ thể hóa ngay được thì vẫn phải có văn bản quy định chi tiết của Chính phủ hoặc nghị quyết hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật và án lệ do Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành.

Tại phiên thảo luận cũng ghi nhận những quan điểm khác về vấn đề này. Một số đại biểu nêu ý kiến cần phải sửa đổi triệt để, toàn diện Bộ luật Hình sự năm 2015. Cụ thể, ngoài những điều khoản đã được phát hiện có sai sót về kỹ thuật, các nội dung có sự bất hợp lý đã đạt được sự đồng thuận cao thì cần tiếp tục rà soát để có phương án sửa đổi, bổ sung phù hợp. Đại biểu Nguyễn Thị Xuân (Đắk Lắk) nhấn mạnh đây là một đạo luật quan trọng, nếu để xảy ra sai sót sẽ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng, khó lường. Đại biểu nêu quan điểm thống nhất với ý kiến thứ 2 được nêu trong Tờ trình của Chính phủ là cần phải khắc phục tối đa các sai sót trong Bộ luật Hình sự năm 2015 và thậm chí theo đại biểu là phải sửa đổi triệt để, căn bản, toàn diện những quy định chưa hợp lý của Bộ luật Hình sự năm 2015 nhằm xây dựng Bộ luật có tính khả thi cao, sát với thực tiễn và có tính ổn định lâu dài. Đại biểu Nguyễn Thị Xuân nhấn mạnh thêm việc sửa đổi bộ luật cần phải thận trọng, tránh tình trạng sau khi sửa đổi, bổ sung vẫn còn những sai sót, bất cập, không áp dụng được trong thực tế.

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) có quan điểm không nên chỉ xem xét sửa đổi trong phạm vi 141 điều vì thực tế qua rà soát sẽ phát sinh thêm những điều khác, có liên quan với nhau cần phải sửa đổi. Đại biểu nêu quan điểm nên thực hiện theo nguyên tắc loại bỏ hết các vướng mắc trong quá trình thực hiện Bộ luật Hình sự sau khi ban hành.

Trước tính chất quan trọng của Bộ luật có tác động sâu rộng tới đời sống xã hội, tại phiên thảo luận sáng nay ghi nhận nhiều đại biểu ý kiến đại biểu cho rằng không nên thông qua ngay dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 ngay tại kỳ họp thứ 2 này. Nhiều ý kiến đề xuất thông qua dự án Luật tại 2 kỳ họp. Kỳ họp thứ 2 Quốc hội thảo luận cho ý kiến và tại Kỳ họp thứ 3 thông qua. Dự án Luật bao gồm rất nhiều vấn đề liên quan đến sửa đổi, bổ sung 141 Điều của Bộ luật Hình sự năm 2015 do Chính phủ trình. Qua thảo luận, dự án Luật vẫn còn rất nhiều nội dung liên quan đến định lượng chi tiết thuộc chuyên ngành sâu chưa thống nhất được giữa các bộ, ngành có liên quan như: cách tính tỷ lệ tổn thương cơ thể, định mức xả thải ra môi trường, chỉ số gây ô nhiễm môi trường; danh mục hàng cấm; số lượng và chủng loại vũ khí quân dụng; việc có hay không giám định hàm lượng chất ma túy… Đây là những vấn đề lớn, liên quan đến quản lý nhà nước chuyên ngành, cần phải thống nhất về quan điểm và đòi hỏi có sự nghiên cứu kỹ lưỡng, tham vấn các chuyên gia cả về lý luận và thực tiễn thì mới có phương án sửa đổi khả thi...

Một số ý kiến khác cho rằng trên cơ sở rà soát, chỉnh sửa, khi nào dự thảo Luật được đánh giá đáp ứng được yêu cầu, Quốc hội mới xem xét, thông qua.

Tại phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội đã cho ý kiến về nhiều nội dung khác liên quan tới quy định bổ sung chất ma túy, cây có chứa chất ma túy mới xuất hiện vào Bộ luật hình sự năm 2015; xác định hàm lượng để quy ra khối lượng hoặc thể tích chất ma túy làm cơ sở cho việc xử lý hình sự; việc cụ thể hóa các tình tiết định tính, định lượng trong Bộ luật hình sự làm căn cứ để định tội hoặc định khung hình phạt; x ác định phạm vi các tội mà người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự ...

Chiều 26/10, các đại biểu Quốc hội tiếp tục thảo luận về nội dung này.

Quỳnh Hoa - Xuân Tùng (TTXVN)
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tiếp Thủ tướng Lào
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tiếp Thủ tướng Lào

Chiều 25/10, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã tiếp Thủ tướng Lào Thoongloun Sisoulith.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN