Nhiều ý kiến cho rằng, Luật Quản lý thuế hiện hành triển khai đã được 13 năm (ban hành luật từ năm 2006) và được sửa đổi, bổ sung ba lần vào các năm 2012, 2014 và 2016, bên cạnh việc đạt được kết quả quan trọng đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, đặt ra yêu cầu cần được sửa đổi.
Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) gồm: 17 chương, 151 điều, với một số sửa đổi đáng chú ý là quy định thẩm quyền xóa nợ, cải cách hành chính trong quản lý thuế, chứng từ, hóa đơn điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin, chống chuyển giá, xói mòn cơ sở thuế... Dự thảo Luật đã hoàn thiện các quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết để phòng chống chuyển giá.
Theo Ban soạn thảo dự án Luật, vấn đề chuyển giá, tránh thuế của doanh nghiệp đa quốc gia, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thông qua chính sách giá giao dịch nội bộ đã và đang là thách thức lớn đối với mỗi quốc gia bao gồm cả các nước phát triển và đang phát triển.
Tại Việt Nam, song hành với chính sách thu hút vốn đầu tư nước ngoài, việc chống chuyển giá đã được chú trọng trong nhiều năm qua. Hệ thống thể chế, chính sách điều chỉnh các hành vi chuyển giá đã không ngừng được hoàn thiện thông qua hệ thống các văn bản pháp luật.
Trên cơ sở đó, dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) đã luật hóa một số nguyên tắc cơ bản về giao dịch liên kết đã được quy định tại Nghị định 20/2017/NĐ - CP về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết.
Cụ thể, dự thảo luật quy định nguyên tắc quản lý thuế đối với người nộp thuế có phát sinh giao dịch liên kết; áp dụng cơ chế đơn giản hoá trong kê khai, xác định giá giao dịch liên kết đối với người nộp thuế có quy mô nhỏ, rủi ro thấp; nghĩa vụ cung cấp hồ sơ, thông tin dữ liệu đối với người nộp thuế có phát sinh giao dịch liên kết. Đồng thời, dự thảo luật quy định về trao đổi thông tin giữa cơ quan thuế Việt Nam và cơ quan thuế nước ngoài phục vụ quản lý giá chuyển nhượng đối với người nộp thuế có phát sinh giao dịch liên kết.
Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) cũng bổ sung quy định, hộ, cá nhân kinh doanh có doanh thu và số lao động đáp ứng mức cao nhất về tiêu chí của doanh nghiệp siêu nhỏ theo quy định của pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thì thực hiện chế độ kế toán và nộp thuế theo phương pháp kê khai.
Cùng đó, Điều 28 tại Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) quy định về Hội đồng Tư vấn thuế xã, phường, thị trấn. Theo đó, Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh căn cứ số lượng quy mô kinh doanh của các hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trên địa bàn để quyết định thành lập Hội đồng tư vấn thuế xã, phường, thị trấn theo đề nghị của các Chi cục trưởng Chi cục thuế, Chi cục thuế khu vực.
Về vấn đề này nhiều ý kiến đề nghị cần có đánh giá tính hiệu quả của Hội đồng tư vấn, nếu không phù hợp, hiệu quả thấp thì cần bãi bỏ hoặc giao Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định về quyền hạn, trách nhiệm và hoạt động của Hội đồng này. Một số ý kiến đề nghị bổ sung trách nhiệm pháp lý của hội đồng tư vấn, bổ sung thêm đại diện Hội đồng nhân dân cấp xã và một số thành phần khác tham gia làm thành viên hội đồng tư vấn để tham gia bảo đảm quyền lợi của người dân.
Tuy nhiên, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sự tồn tại của Hội đồng tư vấn thuế xã, phường, thị trấn là cần thiết nhằm giúp cho đối tượng nộp thuế trên địa bàn tuân thủ pháp luật về thuế và tạo cơ chế công khai, minh bạch trong việc xác định nghĩa vụ nộp thuế và tạo cơ chế công khai, minh bạch trong việc xác định nghĩa vụ nộp thuế của người nộp thuế, tránh việc lợi dụng, móc ngoặc giữa người nộp thuế và cán bộ quản lý. Do đó, vẫn cần thiết phải có Hội đồng tư vấn thuế xã, phường, thị trấn.
Với mục tiêu bảo vệ, nâng cao tính tuân thủ của người nộp thuế, nâng cao năng lực của cơ quan thuế, Ban soạn thảo cũng đã bổ sung quy định về áp dụng hóa đơn điện tử, chứng từ điện tử vào dự thảo luật. Đây được cho là một trong những nội dung nổi bật nhất của Luật Quản lý thuế (sửa đổi).
Theo đó, khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, người bán phải lập hóa đơn điện tử có mã xác thực của cơ quan thuế, hoặc hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế để giao cho người mua theo định dạng chuẩn dữ liệu mà cơ quan thuế quy định. Khi lập hóa đơn điện tử phải ghi đầy đủ nội dung theo quy định của pháp luật về thuế, pháp luật kế toán, không phân biệt giá trị từng lần bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ.
Bên cạnh đó, Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) cũng sửa đổi, bổ sung quy định về thẩm quyền xoá nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt.
Theo Ban soạn thảo dự án luật, Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) đã mở rộng thẩm quyền của Chủ tịch UBND cấp tỉnh được xóa nợ thuế đối với khoản nợ thuế dưới 5 tỷ đồng trên cơ sở đề nghị của Cục trưởng Cục Thuế, Cục trưởng Cục Hải quan. Đồng thời, UBND tỉnh báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh về tình hình xóa nợ thuế tại phiên họp đầu năm.
Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan xoá nợ đối với trường hợp người nộp thuế nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt từ 5 tỷ đồng đến dưới 10 tỷ đồng. Bộ trưởng Bộ Tài chính xoá nợ đối với trường hợp người nộp thuế nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt từ 10 đến dưới 15 tỷ đồng. Thủ tướng Chính phủ quyết định xóa đối doanh nghiệp nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt từ 15 tỷ đồng trở lên.
Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) lần này cũng quy định rõ các trường hợp xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt tại Điều 85. Theo Ban soạn thảo, một số ý kiến có đề nghị cần đánh giá kỹ hơn về tình hình nợ thuế, rà soát lại các trường hợp được xóa nợ thuế để quy định chặt chẽ hơn.
Theo giới chuyên gia, thông thường ở các nước, nếu mức nợ thuế nằm trong khoảng 5% trên tổng số thu thuế thì được coi là chấp nhận được.
Con số này ở Việt Nam ở mức hơn 7% vào cuối năm 2018 và hiện có tới 43% số thuế không thể thu được đang đặt ra yêu cầu cấp thiết xóa nợ thuế.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Phi Vân Tuấn thông tin, tỷ trọng tổng nợ trên tổng thu nội địa đã giảm mạnh từ 12,2% năm 2014 xuống 7% vào cuối năm 2018. Dù vậy, theo ông Tuấn, nợ đọng thuế tính đến ngày 31/12/2017 là 78.466 tỷ đồng vẫn còn cao.
Trong số đó, tiền thuế nợ không còn khả năng thu hồi của người nộp thuế đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, liên quan đến trách nhiệm hình sự, đã tự giải thể, phá sản, ngừng, nghỉ và bỏ địa chỉ kinh doanh là 31.469 tỷ đồng, chiếm 43% tổng số tiền thuế nợ và bằng 3,2% tổng số thu nội địa năm 2017.
Năm 2017, trong số 5.320 tỷ đồng tiền thuế nợ do cơ quan hải quan quản lý, tiền thuế nợ có khả năng thu là 1.361 tỷ đồng; tiền thuế nợ không còn khả năng thu hồi là 3.834 tỷ đồng; tiền thuế nợ chờ xóa, xét miễn, giảm, gia hạn là 125 tỷ đồng. Việc xóa nợ sẽ làm giảm số nợ đọng thuế, giảm gánh nặng phải quản lý nợ thuế không còn khả năng thu vào ngân sách, giảm chi phí cho Nhà nước.
Theo đó, Chính phủ đã có Tờ trình Quốc hội dự thảo dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về xử lý nợ tiền thuế, tiền phạt, tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp của người nộp thuế đã phá sản, giải thể, không còn sản xuất kinh doanh và không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, trong phiên họp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tháng 3 vừa qua, các thành viên ủy ban thống nhất, cần phải có sự rà soát thận trọng, chặt chẽ việc xử lý nợ tiền thuế để tránh bị lợi dụng.