Trong đó, Nghị định sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 12 thẩm định và phê chuẩn kết quả bầu chủ tịch, phó chủ tịch UBND. Cụ thể, hồ sơ phê chuẩn kết quả bầu chủ tịch, phó chủ tịch UBND, gồm:
1- Tờ trình của thường trực HĐND (kèm theo lý lịch trích ngang của người được đề nghị phê chuẩn).
2- Nghị quyết của HĐND xác nhận kết quả bầu chủ tịch, phó chủ tịch UBND (kèm theo biên bản kiểm phiếu kết quả bầu chủ tịch, phó chủ tịch UBND).
3- Bản sao quyết định của cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch chức danh chủ tịch, phó chủ tịch UBND của người được giới thiệu bầu lần đầu.
4- Bản sao quyết định hoặc văn bản thông báo ý kiến về nhân sự được giới thiệu bầu của cơ quan có thẩm quyền theo phân cấp quản lý cán bộ (kèm theo bảng tổng hợp kết quả kiểm phiếu và biên bản kiểm phiếu ở các bước trong quy trình nhân sự).
5- Sơ yếu lý lịch theo mẫu hiện hành theo hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương do cán bộ tự khai và cơ quan trực tiếp quản lý cán bộ xác nhận, đóng dấu theo quy định (có dán ảnh màu khổ 4x6, chụp trong thời gian không quá 6 tháng).
6- Bản kê khai tài sản, thu nhập cá nhân của người được đề nghị phê chuẩn theo mẫu hiện hành do Chính phủ quy định và hướng dẫn của Thanh tra Chính phủ.
7- Kết luận về tiêu chuẩn chính trị theo quy định.
8- Bản sao quyết định phân công, điều động, luân chuyển, kỷ luật gần nhất của cán bộ (nếu có).
9- Nhận xét, đánh giá cán bộ của cấp ủy theo phân cấp quản lý cán bộ (trong 3 năm gần nhất) của chi ủy nơi cư trú, chi bộ, Đảng bộ cơ quan nơi công tác (trong thời hạn 6 tháng).
10- Bản sao các văn bằng, chứng chỉ theo yêu cầu của tiêu chuẩn chức danh bầu. Trường hợp nhân sự có bằng tốt nghiệp do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp thì phải được công nhận tại Việt Nam theo quy định.
11- Giấy chứng nhận sức khỏe của cơ sở y tế có thẩm quyền (trong thời hạn 6 tháng).
Như vậy, so với quy định cũ, Nghị định 115/2021/NĐ-CP yêu cầu bổ sung thêm một số giấy tờ trong hồ sơ phê chuẩn kết quả bầu chủ tịch, phó chủ tịch UBND gồm: Bản sao quyết định của cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch chức danh chủ tịch, phó chủ tịch UBND của người được giới thiệu bầu lần đầu; kết luận về tiêu chuẩn chính trị theo quy định; bản sao quyết định phân công, điều động, luân chuyển, kỷ luật gần nhất của cán bộ (nếu có); nhận xét, đánh giá cán bộ của cấp ủy theo phân cấp quản lý cán bộ (trong 3 năm gần nhất) của chi ủy nơi cư trú, chi bộ, Đảng bộ cơ quan nơi công tác (trong thời hạn 6 tháng); bản sao các văn bằng, chứng chỉ theo yêu cầu của tiêu chuẩn chức danh bầu. Trường hợp nhân sự có bằng tốt nghiệp do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp thì phải được công nhận tại Việt Nam theo quy định; giấy chứng nhận sức khỏe của cơ sở y tế có thẩm quyền (trong thời hạn 6 tháng).
Sửa đổi thời hạn thẩm định và phê chuẩn chủ tịch, phó chủ tịch UBND
Nghị định cũng sửa đổi, bổ sung khoản 3 và khoản 5 Điều 12 thẩm định và phê chuẩn kết quả bầu chủ tịch, phó chủ tịch UBND. Cụ thể, trong thời hạn 5 ngày làm việc (quy định cũ 3 ngày) kể từ ngày nhận được đầy đủ 2 bộ hồ sơ phê chuẩn kết quả bầu chủ tịch, phó chủ tịch UBND, cơ quan có thẩm quyền thẩm định phải xem xét, thẩm định hồ sơ phê chuẩn kết quả bầu chủ tịch, phó chủ tịch UBND.
Trường hợp hồ sơ còn thiếu hoặc có sai sót theo quy định thì trong thời hạn 3 ngày làm việc (quy định cũ 2 ngày) kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền thẩm định có văn bản đề nghị thường trực HĐND bổ sung, hoàn thiện hồ sơ trong thời hạn không quá 7 ngày làm việc.
Trong thời hạn 5 ngày làm việc (quy định cũ 7 ngày) kể từ ngày nhận được văn bản của cơ quan có thẩm quyền thẩm định (kèm theo hồ sơ đề nghị của thường trực HĐND), Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê chuẩn kết quả bầu chủ tịch, phó chủ tịch UBND cấp tỉnh; chủ tịch UBND cấp tỉnh, cấp huyện xem xét, phê chuẩn kết quả bầu chủ tịch, phó chủ tịch UBND cấp dưới trực tiếp.
Trường hợp Thủ tướng Chính phủ không phê chuẩn kết quả bầu chủ tịch, phó chủ tịch UBND cấp tỉnh; chủ tịch UBND cấp tỉnh, cấp huyện không phê chuẩn kết quả bầu chủ tịch, phó chủ tịch UBND cấp dưới trực tiếp thì phải trả lời bằng văn bản, nêu rõ lý do và yêu cầu HĐND tổ chức bầu lại chức danh không được phê chuẩn.
Nghị định bổ sung khoản 4 Điều 11 bầu thành viên UBND. Cụ thể, ủy viên UBND cấp tỉnh, cấp huyện đang là người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc UBND cùng cấp thì không phải thực hiện lại quy trình bổ nhiệm người đó vào chức danh người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc UBND cùng cấp; trường hợp đến thời hạn bổ nhiệm mà không được bổ nhiệm lại thì thực hiện quy trình miễn nhiệm chức danh ủy viên UBND theo quy định tại Nghị định này vào kỳ họp HĐND gần nhất.