Theo đó, Bộ LĐ-TB&XH nhận được Công văn số 199/BDN kiến nghị của cử tri thành phố Hải Phòng về thực hiện bảo hiểm (BH) thất nghiệp. Cử tri Thành phố Hải Phòng kiến nghị: “Đề nghị sửa đổi Khoản 4 Điều 21 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP theo hướng người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp, có quyết định hưởng lương hưu hàng tháng thì dừng hưởng trợ cấp thất nghiệp tháng đó, tránh tình trạng trùng hưởng trợ cấp”.
Cử tri Hải Phòng cũng kiến nghị: “Đề nghị bổ sung chế tài xử phạt đối với các trường hợp không hoàn trả tiền hưởng trợ cấp BH thất nghiệp sai quy định”.
Trước vấn đề trên, Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, hiện nay các hành vi vi phạm pháp luật về BH thất nghiệp và chế tài xử phạt đã được quy định cụ thể tại Nghị định số 95/2013/NĐ-CP ngày 22/8/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, BHXH và đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và Nghị định số 88/2015/NĐ-CP ngày 7/10/2015 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 95/2013/NĐ-CP. Tiếp thu kiến nghị của cử tri, trong thời gian tới Bộ LĐ-TB&XH sẽ nghiên cứu, báo cáo cấp có thẩm quyền khi sửa đổi, bổ sung Nghị định xử phạt vi phạm hành chính nêu trên.
Về đề nghị sửa đổi Khoản 4 Điều 21 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP theo hướng người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp, có quyết định hưởng lương hưu tháng nào thì dừng hưởng trợ cấp thất nghiệp tháng đó tránh tình trạng trùng hưởng trợ cấp, Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, theo quy định tại Khoản 3 Điều 53 Luật Việc làm thì người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp trong trường hợp hưởng lương hưu hàng tháng. Theo quy định tại Khoản 4 Điều 21 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về BH thất nghiệp thì người bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp vào những ngày trong tháng hưởng trợ cấp thất nghiệp thì vẫn được hưởng trợ cấp thất nghiệp của cả tháng đó. Do đó, người lao động có thể có 1 tháng vừa hưởng trợ cấp thất nghiệp vừa hưởng lương hưu.
Theo quy định của Luật BHXH và các văn bản hướng dẫn, thời điểm hưởng lương hưu của người lao động được bắt đầu từ ngày đầu tiên của tháng dương lịch. Trong khi đó, theo quy định tại Khoản 3 Điều 50 Luật Việc làm và văn bản hướng dẫn thì thời điểm hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính từ ngày thứ 16, kể từ ngày nộp đủ hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp; mỗi tháng hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính từ ngày người lao động bắt đầu hưởng trợ cấp thất nghiệp đến ngày đó của tháng sau trừ 1 ngày.
Như vậy, từ thời điểm ngày đầu tiên của tháng hưởng trợ cấp thất nghiệp đến ngày đầu tiên của tháng hưởng chế độ hưu trí, người lao động sẽ không có khoản tài chính nào để bù đắp, duy trì cuộc sống trong khi người lao động đang khó khăn về tài chính do tình trạng mất việc. Do đó, quy định tại Khoản 4 Điều 21 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP nhằm bảo đảm quyền lợi cho người lao động theo nguyên tắc chia sẻ giữa những người tham gia BH thất nghiệp.
Tiếp thu kiến nghị của cử tri về việc tránh tình trạng trùng hưởng trợ cấp, trong thời gian tới, Bộ LĐ-TB&XH sẽ nghiên cứu, báo cáo cấp có thẩm quyền khi sửa đổi, bổ sung Nghị định số 28/2015/NĐ-CP.