Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau Trương Minh Hoàng phát biểu ý kiến. Ảnh: Phạm Kiên - TTXVN |
Ngày 1/4, Quốc hội dành cả ngày thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2015; kết quả thực hiện 5 năm 2011 - 2015 và kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2016-2020; Kế hoạch sử dụng đất 5 năm giai đoạn 2016-2020. Bên lề Quốc hội, các đại biểu Võ Tuấn Nhân (Quảng Ngãi) và Trương Minh Hoàng (Cà Mau) đã nêu những giải pháp để khắc phục yếu kém, tồn tại, góp phần đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới.
Đánh giá nền kinh tế đất nước 5 năm qua đã thu hoạch được nhiều kết quả, tuy nhiên đại biểu Võ Tuấn Nhân cho rằng trong 5 năm tới, Việt Nam sẽ chuyển sang giai đoạn phát triển mới, giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm môi trường để đảm bảo sự phát triển bền vững.
Đại biểu nhấn mạnh tới sự quan trọng của vấn đề này khi đất nước đang tiến hành hội nhập kinh tế, tham gia vào các hiệp ước quốc tế và hi vọng rằng Chính phủ mới trong nhiệm kỳ tới sẽ tập trung đầu tư phát triển đồng bộ hạ tầng kỹ thuật về bảo vệ môi trường, quan trắc về môi trường và có chính sách để doanh nghiệp, doanh nhân và cả cộng đồng tập trung cho công tác bảo vệ môi trường, đảm bảo sự phát triển bền vững.
Qua thảo luận, một trong những vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm là tình hình nợ công hiện nay. Theo đại biểu, có nhiều biện pháp khác nhau để giải quyết vấn đề này, tuy nhiên trên cương vị nhiều năm là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội và hiện tại là Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, đại biểu Võ Tuấn Nhân cho rằng cần phải thực hiện theo đúng lộ trình mà Chính phủ đã trình là giảm dần nợ công đồng thời phải đầu tư hiệu quả vào lĩnh vực công nghệ cao, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao.
Đại biểu thấy rằng phải quan tâm tới vấn đề phát triển công nghệ cao không chỉ trong lĩnh vực công nghiệp mà còn phải quan tâm tới lĩnh vực nông nghiệp, qua đó làm cho ý thức từ người sản xuất đến người dân phải chú ý tới vấn đề bảo vệ môi trường, bảo vệ sản phẩm làm ra đảm bảo an toàn.
Trước tình hình kinh tế quý 1 vừa qua có chững lại, đại biểu cho rằng hệ quả này do tác động của nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố về biến đổi khí hậu. Sản xuất nông nghiệp bị giảm sút, trong khi nông nghiệp có vai trò quan trọng đối với nền kinh tế đất nước. Nhấn mạnh sắp tới phải khẩn trương khắc phục những cực đoan của biến đổi khí hậu, đại biểu khẳng định đây vừa là giải pháp trước mắt vừa là giải pháp lâu dài.
Để phát triển kinh tế đất nước, đại biểu quan tâm tới vấn đề tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp gắn với thích ứng với biến đổi khí hậu. Theo đại biểu đây vừa là biện pháp trước mắt, vừa là giải pháp lâu dài cần thực hiện, trong đó phải tính tới liên vùng, liên ngành, liên lĩnh vực một cách đồng bộ và lâu dài...
Cơ bản đồng tình với các nhóm giải pháp để tăng trưởng kinh tế của Chính phủ, tuy nhiên đại biểu Trương Minh Hoàng (Cà Mau) mong rằng thời gian tới, Chính phủ nên quan tâm nhiều hơn đến liên kết vùng, không chỉ là vai trò đầu tư, tạo cơ chế, điều kiện thuận lợi để thúc đẩy kinh tế cho Thành phố Hồ Chính Minh và Thủ đô Hà Nội, mà cần tập trung tới các tỉnh lân cận. Từ động lực của hai thành phố này, các khu vực, tỉnh khác mới làm tốt, như vậy, kinh tế của đất nước mới phát triển. Nếu chỉ tập trung riêng cho hai thành phố này, sẽ khó có thể kéo được nền kinh tế phát triển đồng đều- đại biểu nêu.
Đối với kế hoạch sử dụng đất 5 năm giai đoạn 2016-2020, đại biểu Trương Minh Hoàng suy nghĩ phải đi vào thực tế ở từng địa phương, từng lĩnh vực, mới thấy được không thể chậm hơn nữa mà phải có những điều chỉnh ngay về kế hoạch sử dụng đất.
Ví dụ như kế hoạch sử dụng đất rừng, kể cả đất sản xuất nông nghiệp cho trồng lúa, với tình hình hiện nay buộc phải có những yếu tố thay đổi để thích ứng với biển đổi khí hậu, tình trạng hạn hán, nước xâm nhập mặn, đây là những yếu tố cần thiết phải thực hiện trong thời gian tới. Do đó, đại biểu đồng tình việc bố trí, sắp xếp sử dụng đất như trong kế hoạch của Chính phủ.
Dẫn chứng tỉnh Cà Mau thời gian qua đã cố gắng duy trì diện tích đất trồng lúa để đảm bảo tình hình lương thực, tuy nhiên đại biểu nêu diện đất đó hiện nay đã bị xâm nhập mặn, hạn hán, do đó nếu cứ tiếp tục duy trì sản xuất hai vụ thì hiệu quả sẽ không cao và thiệt hại rất lớn đến năng sản xuất mùa vụ của người nông dân.
Theo đại biểu, những địa phương như vậy, cần tính đến sản xuất một vụ lúa, một vụ tôm để thích ứng với nguồn nước. Điều này, hiện nay Cà Mau đang làm tốt. Đại biểu nêu một mô hình khác, đó là việc trồng cây ăn trái để tránh tình trạng 5-7 năm mới thu hoạch được và chỉ thu hoạch được một, hai vụ, sau đó bị xâm ngập mặn hay hạn hán gây thiệt hại thì nên khoanh vùng, dự trữ nước ngọt và quản lý nguồn nước; xem nước ngọt và nước sinh hoạt cũng là một vấn đề an ninh cần quan tâm. Cần có quy hoạch vùng để vừa đảm bảo cây ăn trái, vừa đảm bảo tháo úng, đồng thời giữ đủ nguồn nước ngọt, ngăn được xâm ngập mặn, đây là giải pháp căn cơ, bền vững- đại biểu đề xuất.