Cụ thể, ngành đã tham mưu cho Đảng, Nhà nước ban hành và từng bước hoàn thiện hơn nữa hệ thống chủ trương, chính sách, pháp luật về địa chất, khoáng sản phù hợp với từng giai đoạn phát triển, góp phần chuyển hóa giá trị địa chất và tài nguyên khoáng sản thành các nguồn lực cho xây dựng và phát triển đất nước.
Chiến lược tài nguyên khoáng sản tầm nhìn đến năm 2030
Sau hơn 10 năm thực hiện Chiến lược khoáng sản đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (Chiến lược khoáng sản), Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đã tích cực triển khai, cụ thể hóa nội dung thăm dò, khai thác, chế biến đối với một số loại khoáng sản quan trọng và đạt được những kết quả khả quan. Tuy nhiên, còn tồn tại không ít hạn chế, khó khăn.
Theo Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam Nguyễn Văn Nguyên, đối với khoáng sản than, công tác thăm dò, khai thác, chế biến đến nay đã đạt được các nội dung cơ bản của định hướng chiến lược, than nâu vùng Đồng bằng Sông Hồng khoan sâu đến 1.100 m. Đến nay Bộ Tài nguyên và Môi trường chưa nghiên cứu và lựa chọn được phương pháp khai thác thử nghiệm đối với than nâu vùng Đồng bằng Sông Hồng như Chiến lược khoáng sản đề ra.
Về khoáng sản phóng xạ (urani), cơ bản đã hoàn thành mục tiêu về trữ lượng khi thăm dò quặng urani tại Pà Lừa - Pà Rồng (Quảng Nam). Hiện chưa tiến hành nghiên cứu công nghệ khai thác, chế biến quặng urani để phục vụ nhu cầu nguyên liệu cho các nhà máy điện nguyên tử mà Chiến lược đã đặt ra do đang tạm dừng triển khai xây dựng nhà máy điện nguyên tử tại Ninh Thuận.
Đối với khoáng sản kim loại, cụ thể với quặng titan - zircon, mục tiêu về thăm dò đã đạt được kết quả đáng kể. Công tác xây dựng các nhà máy chế biến sâu quặng titan vẫn chưa đạt mục tiêu trong khi Chiến lược đã đặt ra kế hoạch thực hiện tại khu vực Lương Sơn (tỉnh Bình Thuận và xây dựng các nhà máy chế biến sâu quặng titan (rutil nhân tạo, pigment, titan xốp, titan kim loại).
Với quặng bô-xít, công tác thăm dò các mỏ bô - xít vùng Tây Nguyên, Bình Phước cơ bản hoàn thành với trữ lượng quặng bô - xit cơ bản đáp ứng xây dựng ngành công nghiệp khai thác, chế biến lâu dài. Đồng thời, công tác thăm dò đã hoàn thành xây dựng, vận hành 2 tổ hợp khai thác bô - xit - alumin tại Tân Rai (Lâm Đồng) và Nhân Cơ (Đăk Nông) với công nghệ sản xuất alumin thuộc loại tiên tiến và bắt đầu hoạt động có hiệu quả là cơ sở để tiếp tục nghiên cứu mở rộng quy mô đầu tư trong thời gian tới; về chế biến chuyên sâu, đã triển khai nghiên cứu khả thi nhà máy sản xuất nhôm kim loại tại Đắk Nông.
Với quặng đất hiếm, đã hoàn thành thăm dò các mỏ Đông Pao (Lai Châu) và Yên Phú (Yên Bái). Các dự án khai thác, chế biến quặng đất hiếm tại mỏ Đông Pao (dự kiến năm 2019) có sản phẩm tinh quặng không đạt và đang tạm dừng hoạt động, chưa gắn kết được đầu tư chế biến sâu đất hiếm...
Đối với khai thác, chế biến quặng đồng, đã hoàn thành đầu tư và vận hành đồng bộ tổ hợp khai thác - tuyển quặng đồng tại mỏ đồng Sinh Quyền, Tà Phời và nhà máy luyện đồng kim loại tại Bản Qua, Tằng Loỏng (tỉnh Lào Cai) với quy mô công nghiệp, công nghệ tầm cỡ khu vực, không xuất khẩu quặng đồng. Các loại khoáng sản như chì - kẽm, mangan…, các mỏ có tiềm năng về cơ bản đã được thăm dò, đánh giá trữ lượng. Phần lớn các mỏ đang được khai thác, chế biến ở quy mô trung bình và nhỏ, chưa quan tâm nhiều đến công nghệ sạch để tiết kiệm và hạn chế thải ô nhiễm.
Đối với khoáng sản không kim loại, cụ thể là khoáng sản làm nguyên liệu xi măng, sau 10 năm thực hiện Chiến lược, các mỏ đá vôi, đất sét đã thăm dò đủ trữ lượng để khai thác theo quy hoạch. Với nhu cầu sử dụng nguyên liệu cho sản xuất xi măng hiện nay trung bình khoảng 110 triệu tấn đá vôi/năm, 21 triệu tấn đất sét/năm và 15 triệu tấn phụ gia cho sản xuất xi măng/năm thì trữ lượng và năng lực khai thác, chế biến hiện hoàn toàn đáp ứng đủ nhu cầu phục vụ ngành sản xuất xi măng trong 20 - 25 năm tới. Ngành công nghiệp khai thác, sản xuất xi măng của Việt Nam phát triển nhanh chóng, sản lượng tăng gấp 2 lần sau 10 năm đưa Việt Nam vào danh sách top 5 thế giới về năng lực sản xuất xi măng (sau Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ và Nga).
Với khoáng sản đá hoa trắng, thực hiện Chiến lược khoáng sản, công tác thăm dò đá hoa trắng được đẩy mạnh với trữ lượng đã phê duyệt trên 600 triệu tấn làm bột cacbonnat canxi, trên 150 triệu m3 làm đá ốp lát tập trung tại Nghệ An, Yên Bái, đủ để khai thác với công suất hiện tại trong 20 năm tới.
Khoáng sản làm nguyên liệu gốm sứ - thủy tinh, cát trắng silic có tiềm năng trữ lượng rất lớn, tập trung ở các tỉnh Duyên hải ven biển miền Trung và Nam Trung Bộ với tổng trữ lượng đã thăm dò, phê duyệt trữ lượng 10 năm qua khoảng gần 80 triệu tấn, nâng tổng trữ lượng toàn quốc lên trên 150 triệu tấn. Tuy nhiên, công nghệ khai thác, chế biến cát trắng còn ở mức hạn chế, hoạt động khai thác ảnh hưởng đến quy hoạch phát triển du lịch của nhiều địa phương (Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Bình...) nên nhiều mỏ đã thăm dò nhưng chưa đưa vào khai thác.
Từng bước đáp ứng nhu cầu thực tiễn
Luật Khoáng sản 2010 đi vào thực tiễn cuộc sống đã giúp nhiều địa phương thực hiện tốt công tác quản lý, khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản, đặc biệt, nguồn khoáng sản làm vật liệu xây dựng, từng bước đáp ứng nhu cầu thực tiễn, tăng nguồn thu cho ngân sách.
Khoáng sản làm nguyên liệu ốp lát, đá ốp lát tự nhiên của nước ta có tiềm năng rất lớn và đa dạng phân bố chủ yếu tại các tỉnh: Hà Tĩnh, Nghệ An, Yên Bái, Huế, Bình Định, Khánh Hòa, Phú Yên, Đắk Lắk, Kon Tum, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu,... 10 năm qua, tổng trữ lượng đá ốp các loại đã thăm dò, được phê duyệt khoảng trên 150 triệu m3, với công suất khai thác hiện tại đủ khai thác trên 20 năm. Hiện có khoảng 200 nhà máy chế biến đá ốp lát trên toàn quốc với tổng công suất trên 18 triệu m2/năm, tuy nhiên sản lượng thực tế thấp, đạt khoảng 50%.
Tỉnh Hà Tĩnh được Bộ Tài nguyên và Môi trường đánh giá là một trong những địa phương thực hiện tốt công tác đấu giá khoáng sản trong cả nước. Việc đấu giá mỏ khoáng sản không chỉ góp phần tăng thu ngân sách, hoạt động đấu giá còn tạo “sân chơi” bình đẳng, công bằng, minh bạch giữa các doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Văn Thành - Trưởng phòng Khoáng sản Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh cho biết, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh cũng khuyến khích các đơn vị tận dụng các loại vật chất nạo vét của các bến cảng, nhà máy nhiệt điện (4,8 triệu m3/năm); các loại chất thải rắn (tro bay, tro đáy, xỉ thép với 2,4 triệu m3/năm) trong khu kinh tế Vũng Áng, đã được các ngành chức năng công bố hợp quy, hợp chuẩn, đảm bảo làm sản phẩm hàng hóa, thay thế dần cho vật liệu san lấp truyền thống, góp phần bảo vệ môi trường.
Với việc chủ động nguồn cung vật liệu xây dựng thông thường trước khi triển khai thi công sẽ tránh tình trạng khan hiếm, làm chậm tiến độ các dự án, công trình trọng điểm trên địa bàn Hà Tĩnh. Điều này là hết sức quan trọng, thu hút thêm các nhà đầu tư, doanh nghiệp, đơn vị có năng lực tìm kiếm cơ hội đầu tư dự án, công trình, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội Hà Tĩnh.
Đối với khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, thực hiện Chiến lượng khoáng sản, các địa phương đã đẩy mạnh cấp phép thăm dò, phê duyệt trữ lượng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường gồm: Đá, cát, sỏi xây dựng và san lấp, sét làm gạch ngói. Đến nay, đã thăm dò và phê duyệt trữ lượng trên 950 triệu m3 đá, trên 650 triệu m3 đất sét gạch ngói, trên 400 triệu m3 cát, sỏi và trên 200 triệu m3 đất, cát làm vật liệu san lấp. Với nhu cầu sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường như hiện nay, nhất là đá và cát, sỏi sẽ không đủ trữ lượng để khai thác trong 10 năm tới.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Hồ Thị Nguyên Thảo, hiện nhu cầu vật liệu trên địa bàn rất lớn, đặc biệt xây dựng các công trình nông thôn mới, các dự án cần đất san lấp, cát đá…Trước tình hình đó, địa phương đã triển khai, phối hợp với các đơn vị có liên quan đưa vào quy hoạch, đấu giá nhằm đáp ứng nhu cầu. Đồng thời, theo dõi, đôn đốc các chủ mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, đặc biệt là mỏ cát báo cáo trữ lượng khai thác định kỳ hàng tháng cho đến khi dự án Thuê dịch vụ lưu trữ, quản lý thông tin về khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Phú Yên hoàn thành và đi vào hoạt động.
Để từng bước đáp ứng với nhu cầu thực tiễn, gắn với mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, mới đây, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 10/02/2022 về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết nêu rõ, đến năm 2025, Việt Nam sẽ lập bản đồ địa chất khoáng sản tỷ lệ 1:50.000 đạt 80% diện tích đất liền. Hoàn thành điều tra, đánh giá khoáng sản tại các khu vực có triển vọng ở Tây Bắc và Trung Trung Bộ; điều tra địa chất, khoáng sản biển tỉ lệ 1:500.000 tại một số khu vực đến độ sâu 300 và 1.500 mét nước. Thăm dò, khai thác, chế biến một số khoáng sản đạt trình độ khu vực, tiệm cận trình độ thế giới.
Đến năm 2030, 85% diện tích phần đất liền được lập bản đồ địa chất khoáng sản tỷ lệ 1:50.000. Hoàn thành điều tra, đánh giá khoáng sản năng lượng, kim loại tại các khu vực có triển vọng ở Bắc Trung Bộ và Nam Trung Bộ; điều tra tai biến trượt lở, lũ quét tại các tỉnh miền núi có nguy cơ cao; điều tra, lập bản đồ địa chất môi trường các khu vực chứa khoáng sản độc hại, phóng xạ; khoanh định các cấu trúc địa chất sâu thuận lợi để hướng tới ứng dụng công nghệ chôn lấp các-bon và các chất độc hại khác. Hoàn thành hệ thống cơ sở dữ liệu, thông tin về địa chất, khoáng sản đồng bộ, tích hợp với cơ sở dữ liệu quốc gia. Thăm dò, khai thác, chế biến đối với hầu hết các khoáng sản đạt trình độ khu vực, tiệm cận trình độ thế giới.
Tầm nhìn đến năm 2045, hoàn thành 100% việc lập bản đồ địa chất khoáng sản tỷ lệ 1:50.000 đối với diện tích đất liền và tỷ lệ 1:500.000 trên biển. Hoàn thành công tác điều tra cơ bản đối với các tài nguyên địa chất khác. Hình thành nền công nghiệp khai khoáng tiên tiến, hiện đại gắn với mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh tương đương với các nước tiên tiến khu vực châu Á.