Tầm cao mới trong quan hệ Lào - Việt Nam

Nhận lời mời của Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng NDCM Lào, Chủ tịch nước CHDCND Lào Choummaly Xayasone, Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội nước ta Nguyễn Phú Trọng và Phu nhân sẽ thăm hữu nghị chính thức CHDCND Lào từ ngày 20 đến 22/6. Nhân dịp này, phóng viên TTXVN thường trú tại Viêng Chăn đã phỏng vấn Tiến sĩ Thongloun Sisoulith, Ủy viên Bộ chính trị Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương, Bộ trưởng Ngoại giao Lào. Dưới đây là nội dung cuộc phỏng vấn:


Đề nghị đồng chí đánh giá khái quát mối quan hệ đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Lào trong thời gian qua.


Trước hết, tôi cảm ơn TTXVN đã phỏng vấn tôi đúng vào thời điểm chuyến thăm hữu nghị chính thức CHDCND Lào của đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam.


Lào và Việt Nam là hai nước láng giềng, có truyền thống thân thiết, gắn bó từ lâu đời, cùng kề vai sát cánh trong lịch sử cuộc đấu tranh trường kỳ chống kẻ thù xâm lược để giành độc lập dân tộc trong suốt thời gian qua. Trong giai đoạn mới, hai nước, trước sau như một, tiếp tục cùng nhau xây dựng và bảo vệ đất nước. Mối quan hệ bền chặt này, do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Kaysone Phomvihane xây dựng và ra sức vun đắp, đã qua biết bao thử thách và đã trở thành mối quan hệ hữu nghị đặc biệt, hợp tác toàn diện hiếm có trên thế giới. Hiện nay mối quan hệ nói trên ngày càng phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu và đem lại hiệu quả thực sự cho cả hai nước. Mối quan hệ bền vững Lào - Việt Nam còn trở thành quy luật tồn tại và phát triển của hai nước.


Sau hai năm hoàn toàn giải phóng, ngày 18/7/1977, Lào và Việt Nam đã ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác. Đây là một bước tiến hết sức ý nghĩa, là cơ sở vững chắc, đầy triển vọng về mặt chính trị trong quan hệ giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước trong giai đoạn mới. Cho dù tình hình có thay đổi ra sao, tinh thần hữu nghị vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt và sự hợp tác toàn diện nói trên vẫn không ngừng được giữ gìn, thắt chặt và phát triển.


Nhân dân Lào vô cùng vui mừng, phấn khởi nhận thấy rằng trong suốt những năm qua, mối quan hệ hữu nghị truyền thống, tình đoàn kết đặc biệt và sự hợp tác toàn diện giữa CHDCND Lào và CHXHCN Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Cayxỏn Phômvihản xây dựng và các thế hệ lãnh đạo tiếp nối của hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước ra sức vun đắp được tiếp tục củng cố và không ngừng phát triển. Nổi bật nhất là việc thực hiện Dự án biên soạn Lịch sử Quan hệ đặc biệt Lào - Việt Nam, sự hợp tác về mặt chính trị - quan trọng là các cuộc gặp cấp cao mà chúng ta tiến hành thường xuyên, quốc phòng, an ninh và đối ngoại, tiếp tục được tăng cường. Sự hợp tác về kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học - kỹ thuật ngày càng phong phú, hiệu quả được nâng cao. Điều đó đã được thể hiện rõ tại Kỳ họp lần thứ 33 của Ủy ban hợp tác giữa hai Chính phủ Lào và Việt Nam tháng 4/2011 tại thủ đô Hà Nội: Đầu tư của Việt Nam tại Lào trong các lĩnh vực đã tăng lên nhanh chóng và tiếp tục ở vào hàng đầu trong số 40 nước và vùng lãnh thổ đang đầu tư ở Lào. Kim ngạch xuất - nhập khẩu năm 2010 đạt 490 triệu USD, tăng 17,2% so với năm 2009. Về hợp tác phát triển vùng biên giới giữa hai nước, hai bên đã phối hợp thực hiện dự án cắm cột mốc và hoàn thiện hệ thống cột mốc biên giới hai nước Lào và Việt Nam từ năm 2008, và đến nay hai bên đã hoàn thành được chỉ tiêu kế hoạch. Quan hệ hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau giữa các ban của Trung ương Đảng, các bộ, các ngành, các ủy ban của quốc hội, các tổ chức quần chúng, tổ chức xã hội và các địa phương của hai nước ngày càng được mở rộng và phù hợp với thực tế.


Trên cơ sở kết quả của mối quan hệ song phương nói trên, tôi khẳng định ý nguyện tiếp tục bảo vệ, phát triển mối quan hệ hữu nghị truyền thống, tình đoàn kết đặc biệt và sự hợp tác toàn diện giữa Lào - Việt Nam lên giai đoạn phát triển mới, coi đó là quy luật của sự phát triển, là nhân tố quan trọng đảm bảo cho thắng lợi của sự nghiệp cách mạng của mỗi nước và là di sản quý báu của hai Đảng, hai dân tộc để truyền lại cho các thế hệ tiếp theo.


Việt Nam và Lào vừa tổ chức thành công Đại hội Đảng và bầu cử Quốc hội của mỗi nước. Trong bối cảnh đó, đồng chí có thể cho biết ý nghĩa và tầm quan trọng của chuyến thăm chính thức nước CHDCND Lào lần này của Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Phú Trọng?


Chuyến thăm hữu nghị chính thức CHDCND Lào của đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam lần này là chuyến thăm đầu tiên sau khi đồng chí được bầu làm Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã chọn CHDCND Lào là nước đầu tiên trong hoạt động đối ngoại của mình với tư cách Tổng Bí thư.


Chuyến thăm diễn ra trong bầu không khí hai Đảng chúng ta vừa hoàn thành Đại hội lần lần thứ 9 của Đảng NDCM Lào và Đại hội lần thứ 11 của Đảng CS Việt Nam và hoàn thành cuộc bầu cử Quốc hội Lào khoá 7 và cuộc bầu cử Quốc hội Việt Nam khóa 13. Sự kiện nói trên có ý nghĩa quan trọng đối với đời sống chính trị của hai nước. Do đó, chuyến thăm của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lần này là dịp để Lãnh đạo hai Đảng, hai nước trao đổi ý kiến về nhiều mặt một cách rộng rãi, kể cả tình hình quốc tế, khu vực và hợp tác song phương Lào - Việt Nam.


Tôi tin chắc rằng chuyến thăm của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam lần này đem lại cho Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào tình hữu nghị đồng chí, anh em nồng ấm nhất, đồng thời góp phần vào việc đưa mối quan hệ hữu nghị truyền thống, tình đoàn kết đặc biệt và sự hợp tác toàn diện Lào-Việt Nam lên tầm cao mới.


Hoàng Chương (P/v TTXVN tại Lào thực hiện)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN