Tán thành quy định Danh mục chi tiết phí, lệ phí ngay trong luật

Chiều 11/11, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 10, các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường, nghe Tờ trình về dự án Luật tiếp cận thông tin và thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật phí, lệ phí.


Bộ trưởng Bộ tư pháp Hà Hùng Cường, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật tiếp cận thông tin. Ảnh: Nguyễn Dân - TTXVN

Cụ thể hóa và bảo đảm thực hiện quy định của Hiến pháp về quyền tiếp cận thông tin của công dân

Tờ trình dự án luật do Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường trình bày khẳng định, dự án Luật tiếp cận thông tin được xây dựng dựa trên cơ sở thể chế hoá chủ trương, chính sách của Đảng về "mở rộng dân chủ, bảo đảm quyền công dân, quyền con người", "tạo cơ chế nhân dân thực hiện đầy đủ quyền làm chủ, nhất là dân chủ trực tiếp", "bảo đảm quyền được thông tin" của công dân. Cụ thể hóa đầy đủ tinh thần và nội dung của Hiến pháp năm 2013 về công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân và bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các luật khác có liên quan. Bảo đảm tính khả thi của dự thảo Luật trong điều kiện kinh tế - xã hội Việt Nam; tiến hành thận trọng, mở dần từng bước và phải phù hợp với điều kiện thực tiễn Việt Nam, bảo đảm hoạt động bình thường của các cơ quan nhà nước.

Dự thảo Luật gồm 5 chương, 34 điều, quy định về quyền tiếp cận thông tin của công dân; nguyên tắc, trình tự, thủ tục thực hiện quyền tiếp cận thông tin; nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong việc bảo đảm thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân và quyền, nghĩa vụ của công dân trong việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin.

Dự thảo Luật không điều chỉnh việc cung cấp thông tin theo yêu cầu của cơ quan báo chí và nhà báo phục vụ hoạt động báo chí; việc cung cấp thông tin giữa các cơ quan nhà nước với nhau trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, giữa cơ quan nhà nước với các tổ chức trong hệ thống chính trị trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ, tôn chỉ, mục đích của mình.

Việc tiếp cận các thông tin thuộc bí mật nhà nước, thông tin thuộc bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình, bí mật kinh doanh, thông tin về sở hữu trí tuệ; thông tin trong các tài liệu, hồ sơ đã được chuyển sang cơ quan lưu trữ lịch sử; thông tin trong quá trình thanh tra, kiểm toán; thông tin trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử được thực hiện theo quy định của pháp luật liên quan.

Thẩm tra nội dung này, Ủy ban Phát luật của Quốc hội tán thành với sự cần thiết ban hành Luật tiếp cận thông tin nhằm cụ thể hóa và bảo đảm thực hiện quy định của Hiến pháp về quyền tiếp cận thông tin của công dân, tương thích với Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền năm 1948, Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966 mà nước ta là thành viên.

Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật tiếp cận thông tin. Ảnh: Nguyễn Dân - TTXVN

Để Luật tiếp cận thông tin có tính khả thi, Ủy ban Pháp luật đề nghị cần phải làm rõ, giải quyết một cách thỏa đáng các vấn đề về tiếp cận thông tin và thông tin được tiếp cận; người được quyền tiếp cận thông tin; người có trách nhiệm cung cấp thông tin; điều kiện, phương thức, trình tự, thủ tục thực hiện quyền tiếp cận thông tin... Bên cạnh đó, quy định của dự thảo Luật cũng phải được đặt trong điều kiện thực tế của nước ta hiện nay, nhất là những vấn đề liên quan đến cơ sở vật chất, về nguồn nhân lực khi triển khai thực hiện Luật, cũng như yêu cầu về hội nhập quốc tế. Đồng thời, cần nghiên cứu, rà soát để luật hóa một số quy định về tiếp cận thông tin hiện đang được quy định trong các văn bản dưới luật; chú ý các nội dung liên quan đến tiếp cận thông tin đã được quy định trong các luật khác, như Luật phòng chống tham nhũng, Luật tiếp công dân, Luật khiếu nại, Luật tố cáo, Luật lưu trữ, Luật thư viện, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật… để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Về trách nhiệm xử lý thông tin không chính xác (Điều 7), Ủy ban Pháp luật nhất trí với quy định của dự thảo Luật về trách nhiệm xử lý thông tin không chính xác. Trong điều kiện khoa học công nghệ phát triển hiện nay, xã hội ngày càng dân chủ dẫn đến nguồn, hình thức, nội dung thông tin đa chiều, đa dạng, có những thông tin không chính xác được nêu qua truyền thông (truyền hình, truyền thanh...) cũng có thể gây thiệt hại lớn về lợi ích cho nhân dân. Do đó, cần xác định rõ trách nhiệm, việc xử lý đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân đưa tin không chính xác và việc khắc phục hậu quả đã xảy ra đối với người bị thiệt hại do thông tin không chính xác gây ra (khoản 1); đồng thời đề nghị cần quy định cụ thể hơn về "Trường hợp phát hiện ra những thông tin không chính xác, không đầy đủ, gây ảnh hưởng đến đến trật tự, an toàn xã hội" (khoản 2) để làm cơ sở cho cơ quan nhà nước có trách nhiệm chủ động cung cấp thông tin chính thức và bảo đảm tính khả thi.

Tán thành đưa các dịch vụ do các tổ chức, cá nhân ngoài nhà nước cung cấp ra khỏi phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật

Thời gian còn lại của phiên thảo luận chiều nay, các đại biểu Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật phí, lệ phí.

Về phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật, đại biểu Nguyễn Văn Sơn (Hà Tĩnh), Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) và một số ý kiến khác tán thành với v iệc đưa các dịch vụ do các tổ chức, cá nhân ngoài nhà nước cung cấp ra khỏi phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật. Theo đó, quy định này sẽ có tác dụng rất lớn trong việc đẩy nhanh việc thực hiện xã hội hóa, thu hút đầu tư vào các lĩnh vực mà khối tư nhân có thể tham gia đầu tư và cung cấp dịch vụ. Nhà nước sẽ rút dần các hoạt động đầu tư, cung cấp dịch vụ ở các lĩnh vực mà tư nhân có thể tham gia và chỉ cung cấp các dịch vụ quan trọng, thiết yếu, có tác động lớn đến an sinh xã hội mà khu vực tư nhân không có khả năng tham gia. Bên cạnh đó, để tránh tác động lớn đến đời sống của người dân và xã hội, Nhà nước sẽ quản lý đối với các dịch vụ do tư nhân cung cấp theo quy định của Luật Giá và làm rõ hơn giữa giá dịch vụ trong cơ chế thị trường với phí, lệ phí do Nhà nước cung cấp.

Theo đại biểu Đỗ Văn Vẻ, những khoản thu dịch vụ do các đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện bản chất là giá dịch vụ nhưng lâu nay trong đời sống xã hội luôn quen gọi là phí, vì vậy cần phải mạnh dạn chuyển sang cơ chế giá như giá dịch vụ khám chữa bệnh, giá dịch vụ đào tạo... Đại biểu khẳng định, có như vậy mới có thể thúc đẩy việc thu hút đầu tư, đẩy mạnh xã hội hoá những lĩnh vực mà khu vực ngoài nhà nước có thể tham gia mang lại chất lượng cao cho xã hội.

Để đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống pháp luật, qua thảo luận nhiều ý kiến đại biểu tán thành với việc đưa học phí và viện phí ra khỏi phạm vi điều chỉnh của Luật và thực hiện theo cơ chế giá.

Quy định ngay trong dự luật Danh mục chi tiết phí, lệ phí


Danh mục phí, lệ phí là nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội góp ý tại phiên thảo luận chiều nay. Nhiều ý kiến đề nghị quy định ngay trong dự luật danh mục chi tiết phí, lệ phí, bảo đảm rõ ràng, minh bạch.

Trên cơ sở đề nghị Quốc hội cho phép quy định Danh mục phí và lệ phí chi tiết, cụ thể hơn ngay trong Luật, giải trình, làm rõ hơn về nội dung này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu: mỗi khoản phí, lệ phí có tính chất, nội dung kinh tế khá rộng, có nhiều dòng thể hiện cách tính và mức thu rất khác nhau, dự thảo luật nếu quy định quá chi tiết sẽ không khả thi. Vì vậy, dự thảo luật quy định tối đa các chỉ tiêu hợp lý, đồng thời giao Chính phủ quy định chi tiết, cụ thể để bảo đảm tính khả thi và phù hợp với thực tiễn, song phải đảm bảo không phát sinh tăng thêm khoản phí, lệ phí trong Danh mục đã quy định trong Luật.

Theo đại biểu Danh Út (Kiên Giang) quy định này đảm bảo cụ thể hóa các quy định tại Hiến pháp 2013, bảo đảm quyền và nghĩa vụ công dân, đồng thời khắc phục việc ban hành tràn lan các loại phí và lệ phí như hiện nay. Cũng tán thành với quy định này trong dự thảo luật, tuy nhiên đại biểu Nguyễn Văn Sơn (Hà Tĩnh) và một số ý kiến đại biểu đề nghị cùng với việc quy định chi tiết ngay trong dự luật Danh mục chi tiết phí, lệ phí, cần phải có quy định cụ thể để đảm bảo sự tham gia giám sát trong quá trình thực hiện của các tổ chức đoàn thể, xã hội, đảm bảo quyền lợi của người dân không bị ảnh hưởng.

Theo đại biểu Đỗ Văn Vẻ, qua rà soát Danh mục phí, lệ phí cho thấy trong phần A (Danh mục phí) có rất nhiều khoản phí thẩm định cấp giấy phép, phí thẩm định cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh, phí thẩm định điều kiện, tiêu chuẩn hành nghề. Đồng thời, tại phần B (Danh mục lệ phí) cũng có rất nhiều khoản lệ phí. Đại biểu nêu: có thể hiểu rằng bên cạnh các khoản thu lệ phí cấp loại Giấy phép, Giấy chứng nhận, Chứng chỉ, Thẻ nghề,… còn có khoản thu phí về thẩm định, kiểm tra để phục vụ cho việc cấp giấy trên. Tuy nhiên, do có sự khác nhau giữa Danh mục phí với Danh mục lệ phí về tiêu chí và cách sắp xếp theo lĩnh vực, nên rất khó kiểm tra, kiểm soát. Đại biểu đề nghị tiếp tục xem xét, rà soát lại các khoản phí, lệ phí trong Danh mục và cần có chú giải quy định trong các văn bản Luật chuyên ngành để đại biểu và người dân giám sát tuân thủ pháp luật chuyên ngành và pháp luật về phí, lệ phí.

Đồng thời, để đáp ứng được các yêu cầu thực tiễn phát sinh, nhiều ý kiến đại biểu tán thành với việc Quốc hội ủy quyền cho Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định bổ sung, điều chỉnh Danh mục phí, lệ phí khi Chính phủ trình. Các nội dung này được thể hiện tại Điều 4, Điều 17 và khoản 2 Điều 18 của Dự thảo luật.

Theo dự kiến chương trình, sáng mai, Quốc hội thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020; nghe Tờ trình về dự án Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi) và thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật trưng cầu ý dân.

Quỳnh Hoa (TTXVN)
Quốc hội thông qua dự toán ngân sách Nhà nước 2016
Quốc hội thông qua dự toán ngân sách Nhà nước 2016

Tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ 10, sáng 11/11, các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường thông qua dự thảo Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2016 và thảo luận một số nội dung của dự thảo Bộ luật hàng hải Việt Nam (sửa đổi).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN