Kết quả tích cực
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho biết, bảo vệ môi trường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu là nội dung có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của cả hệ thống chính trị từ trung ương tới địa phương. Nghị quyết số 24-NQ/TW xác định ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường đều là vấn đề toàn cầu. Trong đó, ứng phó với biến đổi khí hậu vừa là thách thức, vừa tạo cơ hội thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng phát triển bền vững; còn bảo vệ môi trường vừa là mục tiêu, vừa là một nội dung cơ bản của phát triển bền vững.
Theo Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW, công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường đã được quan tâm, chú trọng hơn. Đảng đã tiếp tục ban hành 6 Nghị quyết có liên quan, trong đó môi trường được coi là điều kiện, nền tảng, yếu tố tiên quyết cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Thể chế, chính sách được hoàn thiện thêm một bước với những tư duy mới, phù hợp với thông lệ quốc tế và xu hướng của thời đại.
Ứng phó với biến đổi khí hậu nhận được sự quan tâm của toàn xã hội, từng bước chuyển từ coi thích ứng là trọng tâm sang kết hợp giảm phát thải khí nhà kính, tận dụng cơ hội để hướng tới nền kinh tế xanh, carbon thấp. Tài nguyên được điều tra, đánh giá, được quản lý bền vững hơn, được phân bổ theo tín hiệu thị trường thông qua đấu giá quyền sử dụng, quyền khai thác. Tư duy về bảo vệ môi trường được chuyển từ bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa, kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm lớn. Kinh tế tuần hoàn đã được thể chế hóa, tạo lập điều kiện để phát triển.
Cụ thể, trong công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, thiệt hại do thiên tai trong giai đoạn 2008 - 2017 đã giảm % về người và 29% về vật chất so với giai đoạn 1998 - 2007; giai đoạn 2018 - 2022 giảm 18% về người, 34% về vật chất so với giai đoạn 2013 - 2017. Công tác tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ từng bước được tăng cường, góp phần khắc phục các thiệt hại về người và tài sản cho nhân dân.
Bộ Y tế đã xây dựng, triển khai các mô hình nhà tiêu hợp vệ sinh vùng ngập lụt Đồng bằng sông Cửu Long; vùng hạn hán, lũ lụt 13 ở Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cà Mau; mô hình nước sạch vệ sinh môi trường thích ứng biến đổi khí hậu ở Nghệ An, Lào Cai, Bến Tre. Năm 2015 - 2016, Bộ hỗ trợ 11 tỉnh về thiết bị vệ sinh, hóa chất, xử lý, lưu trữ nước sạch để ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn; xây dựng các tài liệu hướng dẫn chăm sóc sức khỏe mùa nắng nóng, mùa lạnh; hướng dẫn xử lý nước mùa lụt bão, trong tình trạng khẩn cấp...
Về phía địa phương, Dự án giải quyết ngập do triều khu vực Thành phố Hồ Chí Minh có xét đến yếu tố biến đổi sinh học (giai đoạn 1) với tổng vốn đầu tư xây dựng gần 10 nghìn tỷ đồng đã hoàn thành 93% khối lượng xây dựng tính đến tháng 6/2023. Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã giải quyết ngập cho 7 tuyến đường trục chính. Tỉnh Cà Mau đang triển khai Dự án cải tạo và xây dựng hệ thống thoát nước và xử lý nước thải thành phố Cà Mau với kinh phí gần 1.000 tỷ đồng từ nguồn ODA của Italy.
Trong công tác bảo vệ môi trường, việc quản lý chất thải rắn đạt kết quả tích cực; tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt đô thị trên toàn quốc đã tăng từ 84% năm 2012 lên 96% năm 2022; tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt phải chôn lấp giảm từ 90% năm 2012 xuống còn 65% năm 2022. Việt Nam cũng đạt bước tiến quan trọng trong kiểm soát môi trường tại các khu công nghiệp; tỷ lệ khu công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải đến 2022 đạt 91% so với 60% vào năm 2012.
Hoạt động cung cấp nước sạch tiếp tục được thực hiện đồng bộ, mang lại hiệu quả cao; đến năm 2022 có 92,5% hộ dân nông thôn trên toàn quốc được sử dụng nước hợp vệ sinh, tăng 12% so với năm 2012 (80,5%). Cảnh quan môi trường nông thôn có sự chuyển biến vượt bậc; đến hết năm 2022, cả nước có 6.009/8.225 xã (gần 73,06%) đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 78,5% số xã đạt tiêu chí môi trường.
Tăng cường các nhiệm vụ, giải pháp
Các đại biểu đều thống nhất, việc thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW trong 10 năm qua đã đạt nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, nhiều đại biểu cho rằng cần nhận thức được thiệt hại do thiên tai tại Việt Nam vẫn còn lớn, diễn biến và các tác động của biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng; việc khai thác tài nguyên vẫn còn chưa thực sự bền vững, việc sử dụng chưa thật tiết kiệm, hiệu quả; cường độ sử dụng tài nguyên, năng lượng còn ở mức cao so với thế giới; xu hướng ô nhiễm môi trường còn tiếp diễn, suy thoái đa dạng sinh học chưa được ngăn chặn.
Bên cạnh đó, từ khi Nghị quyết số 24-NQ/TW ra đời đến nay, bối cảnh thế giới và trong nước đã có nhiều thay đổi. Do đó, các đại biểu kiến nghị, những vấn đề đối với việc thực hiện Nghị quyết trong giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 cần được xem xét, cập nhật để đáp ứng các vấn đề đang nổi lên và xác định được nhóm giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm để tiếp tục thực hiện thành công Nghị quyết quan trọng này.
Về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW thời gian tới, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Thanh Mỹ kiến nghị Ban Cán sự đảng Chính phủ, các bộ, ngành ở Trung ương có cơ chế tài chính khuyến khích sự tham gia của các doanh nghiệp, tổ chức, tư nhân vào hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường; tổ chức các buổi hội nghị, hội thảo tuyên truyền phổ biến các quy định pháp luật mới về ứng phó với biến đổi khí hậu trong Luật Bảo vệ môi trường cho địa phương và doanh nghiệp do một số văn bản quy định nhiều nội dung mới, địa phương còn lúng túng trong quá trình triển khai.
Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Đặng Sơn Hải kiến nghị các bộ, ngành liên quan có cơ chế, chính sách mang tính đột phá nhằm thu hút các nguồn vốn ngoài ngân sách đầu tư vào các dự án thích ứng, ứng phó với biến đổi khí hậu. Trong đó, việc quản lý nước mưa chảy tràn đối với các dự án đầu tư có sử dụng đất (làm thay đổi mục đích sử dụng đất), nhất là các dự án kết cấu hạ tầng, phát triển giao thông và khu đô thị... là vấn đề đầu tiên cần phải được xem xét và phải nhanh chóng được luật hóa.
Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Dương Nguyễn Ngọc Thúy kiến nghị Chính phủ ban hành các chính sách cụ thể khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước hỗ trợ giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích xã hội hóa trong ứng phó với biến đổi khí hậu; khuyến khích doanh nghiệp sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng, phát triển mô hình sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường.
Bên cạnh đó, Chính phủ cần điều chỉnh, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, nhất là các thủ tục trong cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước, giấy phép môi trường tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân chấp hành quy định pháp luật về tài nguyên và môi trường; ban hành các cơ chế, chính sách mở, tạo điều kiện để các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tiếp cận với các công nghệ mới và các nguồn vốn vay ưu đãi. Đồng thời xem xét xây dựng định mức biên chế cho ngành Tài nguyên và Môi trường, đặc biệt là biến đổi khí hậu phù hợp với diễn biến phát triển kinh tế xã hội của đất nước, cam kết với quốc tế và yêu cầu thực tiễn trong quản lý.
Phát biểu kết luận Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân đã ghi nhận tất cả những ý kiến đóng góp của các đại biểu. Đây là những ý kiến tâm huyết, sâu sắc, bổ ích để Bộ tiếp tục hoàn thiện Đề án tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW, đảm bảo tiến độ, chất lượng tham mưu cho Bộ Chính trị.