Tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19 trước và trong thời gian bầu cử

Bộ Y tế vừa có Công điện số 6/CĐ-BYT gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh trước và trong thời gian bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Chú thích ảnh
Quận Hải Châu (thành phố Đà Nẵng) tổ chức diễn tập bầu cử tại Khu chung cư F-Home (16 đường Lý Thường Kiệt, phường Thạch Thang). Ảnh minh họa: Văn Dũng/TTXVN

Công điện nêu rõ: Hiện nay, tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến rất phức tạp, nguy cơ lây lan dịch bệnh ảnh hưởng đến công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp. Để đảm bảo công tác y tế phục vụ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan tiếp tục phối hợp thực hiện công việc được giao.

Theo đó, Sở Y tế các tỉnh, thành phố triển khai nghiêm túc Kế hoạch số 5/KH-BYT ngày 22/4/2021 của Bộ Y tế về công tác y tế phục vụ bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; tổ chức rà soát và thường xuyên cập nhật dự báo tình hình dịch của địa phương; bổ sung các phương án, giải pháp phù hợp, chuẩn bị sẵn sàng kịp thời ứng phó các tình huống phòng chống dịch COVID-19 phục vụ bầu cử.

Trong quá trình triển khai thực hiện bầu cử, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương lưu ý bổ sung phương án/kế hoạch bầu cử cho cử tri đang làm nhiệm vụ phòng, chống dịch, đang cách ly và đang điều trị bệnh. Tại các địa phương đang phát hiện ca mắc COVID-19, mỗi điểm bầu cử phải bố trí một khu vực cách ly tạm thời dành cho người nghi nhiễm SARS-CoV-2.

Trường hợp tổ chức bầu cử cho người đang cách ly tại nhà, khu cách ly tập trung, cách ly tại khách sạn, cách ly tại bệnh viện, khu vực đang bị phong tỏa: thực hiện khử khuẩn bề mặt hòm phiếu trước và sau khi kết thúc việc bỏ phiếu; sau khi kết thúc bỏ phiếu, hòm phiếu phải được để ở vị trí riêng và đánh dấu hoặc dán nhãn cảnh báo nguy cơ lây nhiễm theo quy định. Thành viên Tổ Bầu cử, người giám sát bầu cử, người vận chuyển hòm phiếu, người kiểm phiếu phải được trang bị, hướng dẫn mặc và cởi bỏ các phương tiện phòng hộ cá nhân (quần áo, kính đeo mắt, mũ, găng tay, khẩu trang, ủng...); thực hiện thu gom phương tiện phòng hộ cá nhân thải bỏ sau khi sử dụng như chất thải lây nhiễm. Cử tri khi tham gia bỏ phiếu phải sử dụng bút, thước riêng (thải bỏ sau 1 lần sử dụng).

Các điểm tổ chức bầu cử đảm bảo thông thoáng; cử tri tham gia bầu cử đi vào và ra theo một chiều; thực hiện bầu cử theo cụm dân cư và theo thời gian; ghi chép thời gian bầu cử của cử tri để thuận lợi trong tổ chức quản lý và truy vết nếu có trường hợp nghi nhiễm hoặc nhiễm SARS-CoV-2; đồng thời đảm bảo giãn cách, tuân thủ 5K tại khu vực tổ chức bầu cử. Không để những người có biểu hiện ho, sốt hoặc nghi nhiễm hoặc nhiễm SARS-CoV-2 tham gia Tổ Bầu cử và hoạt động bầu cử.

TTXVN/Báo Tin tức
Tổ chức vận động và bầu cử phù hợp trong bối cảnh dịch COVID-19
Tổ chức vận động và bầu cử phù hợp trong bối cảnh dịch COVID-19

Giới thiệu người ứng cử, tự ứng cử và bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 là một quy trình bao gồm nhiều công đoạn, được thực hiện rất chặt chẽ, đồng thời vừa bảo đảm tính dân chủ, minh bạch, vừa bảo đảm tính tập trung.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN