Hội thảo đã cung cấp nhiều thông tin về tình hình phát triển của Việt Nam cho gần 50 đại biểu đến từ các trường đại học và doanh nghiệp vùng nói tiếng Pháp của Bỉ, những người quan tâm đến quan hệ hợp tác song phương giữa vùng Wallonie-Bruxelles với Việt Nam trên các lĩnh vực chiến lược trong thời gian tới.
Sự kiện nằm trong khuôn khổ các hoạt động chuẩn bị cho Kỳ họp lần thứ 10 của Ủy ban hỗn hợp thường trực giữa Chính phủ Việt Nam với Liên chính phủ vùng Wallonie-Bruxelles, vùng Wallonie và Ủy ban Cộng đồng tiếng Pháp vùng Thủ đô Brussels, dự kiến được tổ chức tháng 11 tới tại Vương quốc Bỉ.
Phát biểu tại hội thảo, ông Vũ Anh Quang, Đại sứ Việt Nam tại Vương quốc Bỉ đã nêu bức tranh toàn cảnh về sự phát triển của Việt Nam với những cơ hội đầu tư rộng mở. Việt Nam được biết đến là một đất nước năng động với mức tăng trưởng cao, một điểm đến thu hút các nhà đầu tư nước ngoài và du khách đồng thời là một đối tác thân thiện, một quốc gia với vai trò ngày càng quan trọng tại Đông Nam Á.
Đại sứ đánh giá cao những thành quả đạt được trong quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa các vùng và các tỉnh của Việt Nam và của Bỉ, đồng thời nhấn mạnh cơ hội tăng cường hợp tác giữa hai bên vẫn còn rất lớn và cần được nắm bắt kịp thời.
Giám đốc điều hành của WBI Christian Carette trình bày những phương hướng cho chương trình hợp tác giai đoạn 2019-2021 với trục hợp tác xã hội tập trung vào giáo dục, đào tạo sau đại học, luật và hợp tác văn hóa. Về lĩnh vực nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghiệp, các dự án sẽ tập trung vào lĩnh vực môi trường, nghiên cứu kinh tế và công nghiệp 4.0.
Đây cũng là dịp đại diện các bên có nguyện vọng tham gia vào các dự án của chương trình bày tỏ mong muốn và các mối quan tâm của mình với các lĩnh vực được ưu tiên đầu tư trong giai đoạn tới. Một số ý kiến mong muốn Việt Nam tạo điều kiện cho các chuyên gia của Bỉ được cấp visa dài hạn, các thủ tục đơn giản và nhanh chóng hơn. Một số đối tác Bỉ mong muốn hợp tác giáo dục đại học được tăng cường hơn nữa và hi vọng có thêm địa điểm cung cấp thông tin về Việt Nam.
Khởi động từ năm 1993, chương trình hợp tác đã góp phần vào sự phát triển kinh tế-xã hội và nâng cao chất lượng nguồn lực của Việt Nam. Tổng cộng 18 dự án của Chương trình hợp tác làm việc cho giai đoạn 2016-2018 đang chứng minh hiệu quả thông qua việc tích cực đóng góp vào thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc.