Hợp tác phát triển và nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực nhằm hình thành một thế hệ mới kế cận có đầy đủ năng lực và nhận thức một cách sâu sắc về mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai nước Việt Nam – Lào; tạo lòng tin vững chắc, lâu dài, góp phần tăng cường bền vững mối quan hệ giữa hai Đảng, hai Nhà nước và giữa Sơn La với các tỉnh Bắc Lào; là mục tiêu được các đại biểu đề ra tại Hội thảo hợp tác đào tạo giữa Sơn La với các tỉnh Bắc Lào tổ chức ngày 30/7, tại tỉnh Sơn La.
Quang cảnh lễ đón nhận Huân chương Hữu nghị. Ảnh: Hữu Quyết/TTXVN |
Thông tin về tình hình đào tạo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Phạm Văn Thủy cho biết, tỉnh Sơn La hiện có hơn 1.000 lưu học sinh các tỉnh Bắc Lào học tập tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp. Lưu học sinh được quan tâm bố trí sinh hoạt tại ký túc xá với đầy đủ trang thiết bị thiết yếu, đảm bảo nhu cầu sinh hoạt, học tập.
Với sự giúp đỡ tận tình của cán bộ, giảng viên và sinh viên nhà trường, sự nỗ lực của bản thân, phần lớn lưu học sinh vượt qua khó khăn ban đầu về ngôn ngữ, văn hóa, nhanh chóng hòa nhập, học tập với sinh viên của tỉnh Sơn La, tiếp cận được với chương trình đào tạo tiên tiến hiện nay.
Tại hội thảo, đại diện các tỉnh Bắc Lào đã chỉ ra một số khó khăn của lưu học sinh gặp phải trong quá trình học tập tại Sơn La như: chưa có sự thống nhất rõ ràng trong việc mở hay không mở một số ngành nghề theo đăng ký ban đầu dẫn đến các em phải chọn ngành khác. Việc học tiếng Việt chưa chuyên sâu, nên vốn từ vựng khi học các chuyên ngành như y học của lưu học sinh còn hạn chế.
Đại diện nước Cộng hòa dân chủ Nhân dân Lào trao Huân chương Hữu nghị cho các tập thể thuộc tỉnh Sơn La. Ảnh: Hữu Quyết/TTXVN |
Trước vấn đề này, ông Chom Si Lắt Tạ Nạ Păn, Phó Tỉnh trưởng tỉnh Bò Kẹo đề nghị, các trường tại Sơn La cần thông qua Sở Ngoại vụ để thông báo các ngành nghề đào tạo một cách chi tiết hơn. Đối với những ngành không mở được, cần trao đổi sớm với các tỉnh của Lào để có căn cứ trong việc cử lưu học sinh đi học. Quá trình đào tạo tiếng Việt cho lưu học sinh phải thiết thực hơn, ngoài vốn từ vựng cơ bản, cần nâng cao khả năng hiểu về các thuật ngữ chuyên ngành.
Để mở rộng và nâng cao chất lượng công tác phối hợp trong đào tạo các ngành, nghề giữa tỉnh Sơn La với các tỉnh Bắc Lào, ông Hoàng Tiến Đức, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La cho biết, tỉnh Sơn La xác định nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành liên quan tích cực tham mưu xây dựng kế hoạch tuyển sinh đào tạo hàng năm; rà soát, bổ sung các chính sách của tỉnh theo hướng ưu tiên để thực hiện các văn bản hợp tác đã ký kết về lĩnh vực giáo dục, đào tạo của tỉnh Sơn La và các tỉnh Bắc Lào; thực hiện tốt quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo về đảm bảo chuẩn đầu ra đối với các ngành nghề đào tạo.
Tại hội thảo, nhiều tham luận của các cơ quan, trường đại học, cao đẳng và đại diện các tỉnh Bắc Lào đã đưa ra những bài học kinh nghiệm, đề xuất phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp, tiếp tục thực hiện hiệu quả hơn việc hợp tác về giáo dục trong thời gian tới.
Trong khuôn khổ hội thảo cũng đã diễn ra lễ chuyển trao Huân chương hữu nghị của Chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào cho các tập thể như: UBND tỉnh Sơn La, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Sơn La, Công an tỉnh Sơn La. Hoạt động này đã thể hiện sự ghi nhận của Chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào đối với những đóng góp to lớn của các tập thể tỉnh Sơn La trong việc kế thừa và vun đắp, phát triển tình đoàn kết đặc biệt quan hệ hữu nghị thủy chung gắn bó và hợp tác toàn diện giữa Sơn La và các tỉnh Bắc Lào.