Đây là cơ hội để các Hiệp hội doanh nghiệp và doanh nghiệp các tỉnh, thành phố trao đổi, đề xuất, tăng cường hỗ trợ, hợp tác với Bộ Ngoại giao, các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, khai thác, phát triển thị trường quốc tế.
Tham dự và chủ trì buổi tọa đàm có Thứ trưởng Ngoại giao Đặng Minh Khôi, Phó Chủ tịch VCCI Võ Tấn Thành; các Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài nhiệm kỳ 2020 - 2023; lãnh đạo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), Hiệp hội Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh, Hiệp hội Rau quả Việt Nam (VINAFRUIT), Hiệp hội Da giày Túi xách Việt Nam (LEFASO), Hội Da giày Túi xách Thành phố Hồ Chí Minh, Hội Lương thực Thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Bình Phước, tỉnh Tiền Giang và các Trung tâm xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch các tỉnh, thành phố và các doanh nghiệp lớn khu vực phía Nam...
Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các tỉnh, thành phía Nam (gồm 6 tỉnh, thành phố miền Đông Nam Bộ và 13 tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long) là khu vực có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng, là đầu tàu về tăng trưởng, phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh quốc phòng và trật tự, an toàn xã hội. Những năm gần đây các, tỉnh, thành phố miền Đông Nam Bộ có thế mạnh về phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ, đóng góp khoảng 45% tổng sản phẩm GDP và trên 50% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long có thế mạnh về nông nghiệp, thương mại, dịch vụ, sản xuất, chế biến thủy hải sản, lúa gạo, chiếm khoảng 70% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy hải sản và 90% tổng sản lượng gạo xuất khẩu của cả nước
Từ những tiềm năng, thế mạnh trên, ông Võ Tấn Thành, Phó Chủ tịch VCCI đề nghị các Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tăng cường hỗ trợ, giúp đỡ các hiệp hội, doanh nghiệp đưa hàng hóa, sản phẩm tiêu thụ ở nước ngoài. Đồng thời, hỗ trợ thực hiện các hoạt động kết nối, thúc đẩy hợp tác, tìm kiếm đối tác; xúc tiến thương mại, xuất khẩu sản phẩm của doanh nghiệp.
Tại buổi tọa đàm, ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam đề xuất các Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài hỗ trợ giới thiệu những cơ hội tìm hiểu, tiếp cận những thị trường mới, đặc biệt những thị trường Việt Nam đã ký Hiệp định thương mại tự do (FTA) để thực hiện mục tiêu đa dạng hóa sản phẩm, kênh phân phối, từng bước chuyển dịch sang các kênh bán lẻ như siêu thị, cửa hàng tiện lợi. Bộ Ngoại giao đẩy mạnh phối hợp với các Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Công Thương thường xuyên tổ chức các Ngày Việt Nam tại các thị trường trọng điểm như Nhật Bản, Mỹ, châu Âu...
“Các doanh nghiệp rất cần các cơ quan đại diện hỗ trợ về thông tin, dự báo thị trường, việc ban hành các luật mới liên quan đến xuất nhập khẩu như: quy định về an toàn thực phẩm, trách nhiệm xã hội, môi trường... áp dụng lên các mặt hàng nhập khẩu; hay các khuyến nghị trước sự thay đổi về thể chế chính trị, những quy định chung về lao động, môi trường... nhằm giúp doanh nghiệp nắm bắt, điều chỉnh kịp thời, đáp ứng yêu cầu chung của từng quốc gia…” - ông Trương Đình Hòe chia sẻ.
Đại diện Câu lạc bộ xuất khẩu Thành phố Hồ Chí Minh, ông Trần Việt Anh xác định tiềm năng xuất khẩu của các doanh nghiệp chủ yếu là các sản phẩm thuần Việt, sản phẩm công nghệ cao và lao động giá rẻ… vì thế rất cần sự quan tâm chia sẻ kịp thời từ phía các cơ quan đại diện, Bộ Ngoại giao nhằm tạo lợi thế cho doanh nghiệp ở những thị trường có sự cạnh tranh gay gắt.
Đại diện ngành Du lịch, Chủ tịch Hiệp Hội Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh Lại Minh Duy đề xuất Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cải tiến website để tăng cường thông tin, quảng bá, kết nối doanh nghiệp trong và ngoài nước; tổ chức nhiều hơn nữa các hoạt động văn hóa, lễ hội, ẩm thực, hội nghị chuyên đề, chuyên sâu… nhằm thúc phát triển thị trường, nhất là sau đại dịch COVID-19.
Lãnh đạo các Hiệp hội, doanh nghiệp phía Nam trao đổi, đề xuất trực tiếp với các Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài về nhu cầu, nội dung, khả năng hỗ trợ, hợp tác trong thời gian tới. Đại diện Hiệp hội Da giày Túi xách Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh nêu đề xuất tăng cường hỗ trợ trong công tác quảng bá sản phẩm tại thị trường đặc thù, dự báo tình hình kinh tế-xã hội các địa bàn, mở cửa thêm các thị trường mới và hỗ trợ trong xử lý các tranh chấp kinh tế quốc tế.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, Thứ trưởng Ngoại giao Đặng Minh Khôi đánh giá cao sự nỗ lực vươn lên của doanh nghiệp khu vực phía Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, xuất khẩu trong bối cảnh đại dịch COVID-19 và cạnh tranh quyết liệt trên trường quốc tế. Đồng thời, mong các doanh nghiệp thường xuyên kết nối với các Trưởng Cơ quan đại diện nước ngoài, nhất là các cơ quan đại diện tại khu vực Đông Bắc Á, Đông Nam Á, châu Âu, châu Mỹ, châu Úc, Trung Đông…
Theo Thứ trưởng Đặng Minh Khôi, ngoại giao kinh tế là một trong những trụ cột của ngoại giao Việt Nam, được triển khai đồng bộ, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm. Trong đó, các Cơ quan đại diện tích cực trong việc giới thiệu các cơ hội, đối tác, khai thác các thị trường tiềm năng; đẩy mạnh các hoạt động phối hợp, hỗ trợ các cơ quan, doanh nghiệp trong nước kịp thời xử lý các tranh chấp kinh tế quốc tế.
Ghi nhận đề xuất của đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp các tỉnh, thành phố phía Nam, Thứ trưởng Đặng Minh Khôi cam kết, trong thời gian tới, Bộ Ngoại giao, các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, Vụ Tổng hợp Kinh tế (Bộ Ngoại giao) sẽ tăng cường kết nối giữa các hiệp hội, doanh nghiệp với các đối tác trên thế giới. Thú trưởng đề nghị các Đại sứ, Tổng Lãnh sự cùng các đơn vị liên quan quan tâm những các ý kiến, kiến nghị của hiệp hội và doanh nghiệp; có kế hoạch hỗ trợ cụ thể đối với các đề xuất và quan tâm kết nối ngay khi gặp những đối tác, những cơ hội phù hợp...