Phát biểu tại phiên thảo luận toàn thể về chủ đề “Các thách thức đương đại đối với nền dân chủ: Vượt qua sự chia rẽ và xây dựng cộng đồng”, Trưởng đoàn Việt Nam cho biết thế giới đối mặt với nhiều thách thức to lớn bao gồm những xung đột, điểm nóng về tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, hành động đơn phương, vi phạm các nguyên tắc chung của luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc (LHQ), vấn đề an toàn, an ninh hàng hải, hàng không trên biển, khủng bố, cực đoan, tội phạm xuyên quốc gia cùng các nguy cơ an ninh phi truyền thống trong đó có biến đổi khí hậu, an ninh nguồn nước, an ninh năng lượng đang trở nên gay gắt. Ngoài ra, đại dịch COVID-19 gây ra những mất mát to lớn về người và đặt ra những thách thức nghiêm trọng quan hệ quốc tế, tình trạng phân cực, nới rộng khoảng cách phát triển và bất bình đẳng giữa các quốc gia, ảnh hưởng tới mục tiêu xây dựng thế giới hòa bình, ổn định và phát triển bền vững.
Trong bối cảnh đó, các quốc gia cần bảo vệ nền dân chủ, đặt người dân vào trung tâm của mọi quyết sách, tôn trọng quyền và lợi ích của người dân và đoàn kết, hợp tác chặt chẽ vì lợi ích chung và Nghị viện đóng vai trò quan trọng, giữ vững ổn định, củng cố niềm tin của người dân vào chính quyền và bộ máy nhà nước.
Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam khẳng định Việt Nam luôn nhận thức sâu sắc xây dựng nền dân chủ phải dựa trên ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Ứng phó với đại dịch COVID-19, Việt Nam thực hiện chủ trương vừa chống dịch, bảo vệ sức khỏe của người dân vừa phát triển kinh tế - xã hội, thi hành các chính sách kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn; bảo đảm an sinh xã hội. Quốc hội luôn đồng hành, chia sẻ với những khó khăn, đã nhanh chóng, kịp thời thông qua các đề xuất của Chính phủ về ngân sách và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Trong giai đoạn mới, Quốc hội Việt Nam đã đề nghị Chính phủ, các cấp, các ngành thực hiện có hiệu quả mục tiêu vừa phòng, chống dịch COVID-19, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, chú trọng các giải pháp khả thi, hiệu quả, chú trọng tạo động lực tăng trưởng phù hợp với xu thế phát triển của kinh tế thế giới hiện nay.
Trưởng đoàn Việt Nam nêu một số đề xuất tăng cường hợp tác, giảm thiểu rủi ro từ các thách thức đương đại bao gồm:
(1) củng cố hòa bình, an ninh, ổn định và tăng cường hợp tác ở cấp độ toàn cầu, khu vực và quốc gia, đề cao pháp quyền, tôn trọng luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc, phát huy các cơ chế đối thoại, nâng cao hiểu biết, xây dựng lòng tin và tôn trọng lẫn nhau, không sử dụng và đe dọa sử dụng vũ lực, cùng tìm các giải pháp hòa bình nhằm giải quyết các tranh chấp và các thách thức cấp bách hiện nay, nhất là đại dịch COVID-19 và biến đổi khí hậu;
(2) tăng cường hợp tác chuyển đổi kỹ thuật số, ứng dụng công nghệ thông tin, mở rộng khả năng tiếp cận của người dân và thúc đẩy sự tương tác và tham gia của người dân vào các hoạt động của Nhà nước;
(3) Nghị viện các nước tăng cường xây dựng và hoàn thiện luật pháp, giám sát thực hiện các chính sách với phương châm lấy người dân làm trung tâm, bảo đảm bình đẳng giới và nhạy cảm giới, chú trọng tới trẻ em, người cao tuổi và người khuyết tật;
(4) Ủng hộ sự phát triển của ngoại giao nghị viện, phát huy vai trò và sứ mệnh của IPU vì hòa bình, dân chủ trên thế giới dựa trên luật pháp quốc tế và tôn trọng sự bình đẳng giữa các quốc gia có chủ quyền, đây là nền tảng quan trọng nhất cho sự ổn định và phát triển;
(5) tăng cường các cơ chế hợp tác giữa IPU với Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế, tổ chức nghị viện khu vực và các nghị viện thành viên để các nghị viện có cơ hội tham gia thảo luận về các chủ đề cùng quan tâm như hợp tác thương mại, đầu tư, thực thi các cam kết ứng phó với các vấn đề an ninh phi truyền thống, trong đó có vấn đề cấp bách chung hiện nay là biến đổi khí hậu.
Tại phiên thảo luận toàn thể, Đại hội đồng đã nghe hơn 130 lượt phát biểu, nêu bật những thách thức đương đại của thế giới đối với nền dân chủ, nhất là đại dịch COVID-19, tư tưởng bài ngoại, phân biệt chủng tộc, sắc tộc, nạn di cư bất hợp pháp, những vấn đề an ninh phi truyền thống cấp bách như biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, ô nhiễm biển, kêu gọi các nghị viện nêu cao pháp quyền và tôn trọng quyền con người, đoàn kết, lan tỏa tinh thần hợp tác hữu nghị cùng vượt qua thách thức, phục hồi sau đại dịch, bảo đảm công bằng, công lý và bình đẳng trong mỗi nước và trên thế giới, chung tay xây dựng thế giới tốt đẹp hơn. Đại hội đồng kêu gọi thu hẹp khoảng cách phát triển, nhất là trong nỗ lực chống đại dịch, tiếp cận vaccine cho người dân.
Về chủ đề khẩn cấp, Hội đồng Điều hành đã nhất trí cao thông qua chủ đề “Tăng cường sự ủng hộ nghị viện toàn cầu vì vaccine bình đẳng trong cuộc chiến chống lại đại dịch COVID-19” do Nhóm các nước châu Phi đề xuất. Trước đó có 4 vấn đề được các nước đưa ra để xem xét lựa chọn, tuy nhiên các nước đều đã rút đề xuất để ủng hộ tuyệt đối cho chủ đề vaccine bình đẳng vì tính khẩn cấp và tác động to lớn của vấn đề này, phù hợp với chủ đề chung của Đại hội đồng. Trong nhiều thập kỷ qua, đây là lần đầu tiên, một vấn đề khẩn cấp được Hội đồng Điều hành IPU thông qua với tinh thần đồng thuận tuyệt đối và không phải bỏ phiếu.
Các thành viên Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam đã tham dự và đóng góp nội dung tại các phiên họp của các Ủy ban Thường trực về Hoà bình và An ninh quốc tế, Phát triển bền vững, Dân chủ Nhân quyền, Các vấn đề Liên hợp quốc; Diễn đàn nữ nghị sĩ; Hiệp hội các Tổng thư ký nghị viện (ASGP).
Trước khi diễn ra phiên thảo luận toàn thể của Đại hội đồng, Hội đồng Điều hành đã thảo luận thông qua các báo cáo hoạt động của Chủ tịch IPU, Tổng Thư ký IPU, nghe báo cáo kết quả Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 5 tổ chức theo hình thức trực tiếp tại Áo tháng 9/2021; Hội nghị lần thứ 13 các Nữ Chủ tịch Quốc hội và Hội nghị cấp cao nghị viện toàn cầu đầu tiên về chống chủ nghĩa khủng bố. Hội đồng Điều hành thông qua Chiến lược mới của IPU trong giai đoạn 2022-2026 với 4 lĩnh vực ưu tiên gồm biến đổi khí hậu; dân chủ, nhân quyền và bình đẳng giới; hòa bình và an ninh; phát triển bền vững không bỏ ai lại phía sau. Bản Chiến lược không phải là mẫu hình áp dụng cho tất cả các thành viên mà được xây dựng để áp dụng linh hoạt, thích hợp với từng điều kiện, hoàn cảnh của mỗi nước và kinh nghiệm của các nghị viện trong ứng phó với khủng hoảng COVID-19, trong đó bao gồm khả năng tự cường của nghị viện.
Nhân dịp này, ông Vũ Hải Hà, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội nước ta đã gặp gỡ, trao đổi với Chủ tịch IPU, Tổng Thư ký IPU thảo luận các nội dung hợp tác của Việt Nam trong IPU; gặp Chủ tịch Hạ viện Peru, Chủ tịch Hội đồng Lập pháp (chuyển tiếp) Nam Sudan, Phó Chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga, tiếp xúc song phương với Trưởng đoàn Nghị viện Anh, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Cuba, Trưởng đoàn Thượng viện Campuchia, Trưởng đoàn Nghị viện Ấn Độ, Trưởng đoàn Nghị viện Italy nhằm thúc đẩy quan hệ song phương; thảo luận các nội dung tăng cường quan hệ hợp tác nghị viện, góp phần vào các nỗ lực vượt qua đại dịch COVID-19, ứng phó biến đổi khí hậu, các giải pháp chuyển đổi mô hình phát triển, chú trọng chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và đẩy nhanh phục hồi kinh tế sau đại dịch. Với Cuba, hai Trưởng đoàn đồng thời đều là Chủ tịch Hội Hữu Nghị Việt Nam - Cuba/ Cuba - Việt Nam đã trao đổi các nội dung nhằm tăng cường hoạt động của hai Hội hữu nghị trong bối cảnh mới, góp phần thắt chặt quan hệ truyền thống, đặc biệt giữa hai nước.
Ngày 30/11/2021, Đại hội đồng IPU thông qua các nghị quyết, báo cáo của các Ủy ban Thường trực IPU và Tuyên bố Madrid trong đó đề cao trách nhiệm và khẳng định quyết tâm của các nghị viện tăng cường dân chủ ở cấp quốc gia và quốc tế, đảm bảo sự tham gia của phụ nữ, thanh niên, đổi mới sáng tạo, củng cố niềm tin của người dân, cùng vượt qua các thách thức đương đại, đặc biệt là đại dịch COVID-19. Đại hội đồng IPU 143, kỳ Đại hội đồng trực tiếp đầu tiên sau 2 năm gián đoạn bởi COVID-19 đã kết thúc thành công tốt đẹp.