Việt Nam dự Phiên họp toàn thể và Phiên bế mạc Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) lần thứ 142

Tối 27/5, tại Nhà Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Việt Nam Vũ Hải Hà cùng đại diện Thường trực Ủy ban Đối ngoại dự Phiên họp toàn thể và Phiên bế mạc Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) lần thứ 142. 

Chú thích ảnh
Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam tham dự lễ bế mạc trực tuyến. Ảnh: Minh Đức/TTXVN

Chủ tịch IPU Duarte Pacheco chủ trì Phiên họp toàn thể và Phiên bế mạc Đại hội đồng IPU-142. Tham dự có: Tổng Thư ký IPU Martin Chungong và các nghị sĩ đại diện cho 135 quốc gia thành viên IPU. 

Tại phiên họp toàn thể, các đại biểu tiếp tục trao đổi về nhiều vấn đề liên quan đến chủ đề chung “Vượt qua đại dịch hôm nay và xây dựng ngày mai tốt đẹp hơn: Vai trò của các nghị viện”. Phiên họp cũng thông qua các nội dung: Nghị quyết về chiến lược Nghị viện để tăng cường hòa bình và an ninh chống lại các nguy cơ và xung đột do các thảm họa liên quan đến biến đổi khí hậu và các hậu quả; Nghị quyết về lồng ghép số hóa và nền kinh tế tuần hoàn để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững, đặc biệt tiêu dùng và sản xuất có trách nhiệm. 

Trong Phiên họp của Ủy ban Thường trực về Hòa bình và An ninh quốc tế, đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam đã đánh giá cao nỗ lực của cộng đồng quốc tế trong đó có Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) trong việc nâng cao nhận thức, hành động của nghị viện, Chính phủ và người dân về các vấn đề hòa bình, an ninh do biến đổi khí hậu gây ra.

Để tăng cường hiệu quả trong hợp tác đa phương, đặc biệt nâng cao vai trò của các Nghị viện và IPU trước các mối đe dọa, xung đột có liên quan đến biến đổi khí hậu, Việt Nam đề xuất Nghị viện các nước cần tiếp tục duy trì ý chí, cam kết chính trị mạnh mẽ, có hành động cụ thể với tinh thần tôn trọng luật pháp quốc tế, đóng góp thiết thực vào các chương trình nghị sự toàn cầu về chống biến đổi khí hậu vì hòa bình, an ninh trên thế giới.

Đánh giá về Nghị quyết lồng ghép số hóa và nền kinh tế tuần hoàn để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững, đặc biệt tiêu dùng, sản xuất có trách nhiệm, đại diện đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam cho rằng, giáo dục đóng vai trò quan trong trong việc trang bị kiến thức về kinh tế tuần hoàn để các chủ thể thực hành kinh tế tuần hoàn trên thực tế và giúp định hình thói quen tiêu dùng trách nhiệm ngay từ sớm. Đồng thời, khả năng sử dụng các công cụ số, kỹ năng số, sự sẵn sàng để thực hiện số hóa cũng phải được coi là một trong những nội dung cơ bản trong chương trình giáo dục ở tất cả các cấp độ.

Đúng như Nghị quyết chỉ ra, IPU cần củng cố mối quan hệ hợp tác với các nghị viện thành viên là các tổ chức khác, bao gồm cả các tổ chức nghị viện khu vực, để thu thập chứng cứ, thông tin về nền kinh tế tuần hoàn, môi trường, số hóa và xây dựng khung hướng dẫn cho các hành động của nghị viện.

Bên cạnh đó, cần có các chính sách khuyến khích về mặt kinh tế, tài chính để thúc đẩy hàng hóa, dịch vụ bền vững hơn so với hàng hóa và dịch vụ có tuổi đời ngắn. Các tiêu chuẩn môi trường hiện đại cần được quy định cụ thể, đặc biệt các chính sách thúc đẩy số hóa cần định hướng số hóa nhằm thực hiện kinh tế tuần hoàn, bởi đổi mới sáng tạo là yếu tố tối quan trọng cho sự hình thành kinh tế tuần hoàn.

Tại Phiên bế mạc, các đại biểu nhấn mạnh tầm quan trọng và tính cấp thiết của việc tiêm chủng vaccine chống COVID-19 trên toàn cầu; việc tiếp cận vaccine chống COVID-19 công bằng, bình đẳng; bảo đảm quyền con người và tiếp tục thúc đẩy thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững trong bối cảnh đại dịch.

Chủ tịch IPU Duarte Pacheco cho biết: Đại hội đồng IPU-142 là Đại hội đồng đầu tiên của IPU được tiến hành theo hình thức trực tuyến, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 lan rộng khắp thế giới và diễn biến phức tạp. Đại hội đồng IPU-142 đã thảo luận nhiều vấn đề quan trọng của nghị viện, đề cao vai trò của nghị viện trong vượt qua đại dịch và xây dựng ngày mai tốt đẹp hơn; đưa ra những khuyến nghị, các giải pháp nhằm tăng cường đoàn kết, hợp tác quốc tế trong ứng phó với đại dịch COVID-19, phục hồi sau đại dịch.

Trong khuôn khổ các hoạt động Đại hội đồng IPU-142, các Ủy ban Thường trực của IPU cũng đã thảo luận và Đại hội đồng IPU-142 đã ra Nghị quyết về các vấn đề quan trọng trong lĩnh vực an ninh - hòa bình; phát triển kinh tế bền vững; các nội dung khác liên quan đến vấn đề của Liên Hợp Quốc, dân chủ và quyền con người, vai trò của nghị sĩ trẻ trong quá trình phục hồi sau đại dịch, thúc đẩy bình đẳng giới. Thông qua các nghị viện, Hiệp hội Tổng Thư ký Nghị viện các nước cũng đã được thảo luận nhiều vấn đề quan trọng tại các Ủy ban chuyên trách và các diễn đàn của IPU.

Đỗ Bình (TTXVN)
Việt Nam dự khai mạc Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) lần thứ 142
Việt Nam dự khai mạc Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) lần thứ 142

Tối 26/5, tại Nhà Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội do Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Việt Nam Trần Thanh Mẫn làm Trưởng đoàn đã dự khai mạc Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) lần thứ 142 với hình thức trực tuyến; tham gia Phiên thảo luận toàn thể với chủ đề "Vượt qua đại dịch hôm nay và xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn: Vai trò của các Nghị viện".

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN