Ngày 13/7, thông tin từ Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam cho biết: Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia (DFAT) và Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) vừa ký Hiệp định đồng tài trợ bên thứ ba, theo đó Australia sẽ đóng góp thêm 9,7 triệu đô la Australia trong bốn năm (2021-2025) cho chương trình nghiên cứu “Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công ở Việt Nam” (PAPI), do UNDP thực hiện tại Việt Nam.
Nhân dịp này Đại sứ Australia tại Việt Nam, bà Robyn Mudie khẳng định sự hỗ trợ mạnh mẽ của Australia đối với Việt Nam trong việc thúc đẩy quản trị và hành chính công cấp tỉnh, đặc biệt trong ứng phó với đại dịch COVID-19. Đại sứ Robyn Mudie cho biết: “Chúng tôi rất ấn tượng khi thấy PAPI liên tục đổi mới trong bối cảnh Việt Nam có nhiều thay đổi. Giờ đây PAPI có thêm các chỉ số đo lường hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp trong các lĩnh vực chính phủ điện tử và quản trị môi trường, phù hợp với những yêu cầu mới ở Việt Nam”.
Đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam Caitlin Wiesen nhấn mạnh, đóng góp đáng kể của Australia sẽ giúp PAPI thúc đẩy hơn nữa hiệu quả quản trị và hành chính công ở Việt Nam. Tài trợ của Australia đến đúng lúc Việt Nam đang bước vào giai đoạn phục hồi sau đại dịch COVID-19. UNDP sẽ phối hợp với các đối tác để hỗ trợ các tỉnh, thành phố ở Việt Nam cải thiện hiệu quả quản trị công, thúc đẩy trách nhiệm giải trình và hướng tới chính quyền phục vụ nhân dân”.
PAPI là công cụ phản ánh tiếng nói chung của người dân về mức độ hiệu quả của bộ máy nhà nước và chất lượng cung ứng dịch vụ của chính quyền các cấp. Kể từ khi bắt đầu vào năm 2009, PAPI đã thu thập được ý kiến của 131.501 người dân (trong đó 52% nữ và 16% nữ dân tộc thiểu số) trên toàn quốc được lựa chọn ngẫu nhiên để phỏng vấn trực tiếp một đối một. Từ năm 2011 đến nay, mỗi năm có khoảng 14.000 người dân thuộc các nhóm dân số khác nhau đóng góp ý kiến phản hồi về hiệu quả quản trị và hành chính công ở địa phương.
Từ năm 2018, Australia là nhà tài trợ chính cho PAPI. Cho tới nay, tất cả 63 tỉnh, thành phố của Việt Nam đã tổ chức hội thảo phân tích kết quả khảo sát PAPI thường niên. Hầu hết tất cả các tỉnh đã ra nghị quyết, kế hoạch hành động hoặc chỉ thị hướng dẫn thực hiện các biện pháp cải thiện hiệu quả quản trị và hành chính công để cải thiện chỉ số PAPI của địa phương mình. Bên cạnh đó, PAPI góp phần cung cấp dữ liệu thực chứng đo lường hiệu quả thực hiện Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững.