Quyết liệt xử lý văn bản có nội dung trái pháp luật
Trong công tác chỉ đạo cải cách thể chế, Bộ Tư pháp tiếp tục tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính tăng cường chỉ đạo công tác xây dựng thể chế, soạn thảo, trình các dự án luật, pháp lệnh thuộc Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022; thực hiện việc lập đề nghị của Chính phủ về Chương trình năm 2023, điều chỉnh Chương trình năm 2022 và đẩy mạnh việc ban hành văn bản quy định chi tiết. Chính phủ đã tổ chức 8 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật; ban hành nhiều nghị quyết, văn bản để chỉ đạo, yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm chất lượng lập đề nghị xây dựng, soạn thảo các luật, pháp lệnh và khắc phục tình trạng nợ ban hành văn bản.
Công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật được thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, kịp thời phát hiện và quyết liệt trong kiến nghị xử lý các văn bản có nội dung trái pháp luật. Trong năm, các bộ, ngành, địa phương đã kiểm tra theo thẩm quyền hơn 11.900 văn bản quy phạm pháp luật.
Bên cạnh đó, công tác rà soát văn bản quy phạm pháp luật được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả theo quy định. Theo thống kê, cả nước đã tập trung rà soát được hơn 27.800 văn bản quy phạm pháp luật, kiến nghị xử lý (sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới) đối với trên 5.700 văn bản (tăng 2,7% so với năm 2021).
Tổ chức pháp chế các bộ, ngành đã tham mưu, tập trung thực hiện pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật với tinh thần khẩn trương. Đến nay, đã cơ bản hoàn thành Bộ Pháp điển sớm hơn so với lộ trình đề ra (đã hoàn thành 263/271 đề mục, đạt 97% khối lượng Bộ pháp điển), giúp người dân, tổ chức, doanh nghiệp, cơ quan dễ dàng, thuận tiện trong tìm kiếm, tra cứu, quản lý các quy phạm pháp luật đang còn hiệu lực, góp phần nâng cao tính thống nhất, công khai, minh bạch của hệ thống pháp luật.
Đáng chú ý, thể chế về theo dõi thi hành pháp luật tiếp tục được nghiên cứu để hoàn thiện. Công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật được các bộ, ngành, địa phương thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, bám sát các lĩnh vực trọng tâm, liên ngành năm 2022 về các chính sách hỗ trợ người dân, người lao động, người sử dụng lao động, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19.
Các bộ, ngành, địa phương đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp thực hiện các giải pháp để nâng cao điểm số và duy trì thứ hạng chỉ số Chi phí tuân thủ pháp luật (Chỉ số B1). Theo đó, các đơn vị đã triển khai các hoạt động nhằm nâng cao điểm số và duy trì thứ hạng Chỉ số, như: tiếp tục thực hiện nghiêm việc rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định của pháp luật liên quan đến ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý, đặc biệt là các quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh, thủ tục hành chính. Trong đó, chú trọng tới các giải pháp khắc phục sự chồng chéo, mâu thuẫn, thiếu tính khả thi, làm tăng chi phí tuân thủ pháp luật trong các lĩnh vực.
Thực hiện tốt hơn quyền đăng ký hộ tịch của người dân
Một trong những điểm sáng trong công tác cải cách hành chính của Bộ, ngành Tư pháp là đã xây dựng và vận hành có hiệu quả Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, đảm bảo thống nhất với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Đến nay, Bộ Tư pháp đã triển khai Phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch dùng chung (miễn phí) tại tất cả các cơ quan đăng ký hộ tịch trên cả nước. Việc mở rộng triển khai phạm vi áp dụng Phần mềm bước đầu đáp ứng được yêu cầu về nghiệp vụ đăng ký, quản lý hộ tịch, góp phần cải cách mạnh mẽ các thủ tục hành chính trong lĩnh vực hộ tịch; tạo thuận lợi, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính, bảo đảm thực hiện tốt hơn quyền đăng ký hộ tịch của người dân, đặc biệt là quyền khai sinh cho trẻ em. Đồng thời, việc triển khai Phần mềm cũng cung cấp dữ liệu xây dựng Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc và Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, từng bước nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về dân cư, góp phần đẩy mạnh xây dựng Chính phủ điện tử hướng đến Chính phủ số giai đoạn 2022 - 2030.
Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử tiếp tục được hoàn thiện với gần 58,3 triệu dữ liệu hộ tịch các loại, bao gồm: gần 36,4 triệu dữ liệu đăng ký khai sinh; hơn 8 triệu dữ liệu đăng ký kết hôn; gần 6,1 triệu trường hợp đăng ký khai tử và hơn 7,8 triệu dữ liệu đăng ký các sự kiện hộ tịch khác.
Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử và Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư tiếp tục kết nối, chia sẻ thông tin. Các đơn vị đã hoàn thành thử nghiệm dịch vụ khai thác thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trên cơ sở số định danh cá nhân/căn cước công dân/Số chứng minh nhân dân; thử nghiệm dịch vụ đồng bộ thông tin giữa 2 Cơ sở dữ liệu và dự kiến sẽ cập nhật các chức năng khai thác trên Hệ thống chính thức để kiểm thử, đưa vào khai thác trong thời gian tới.
Tuy nhiên, Bộ Tư pháp nhìn nhận, việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hiện mới chỉ dừng ở mức: Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử cung cấp thông tin về khai sinh cho Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư cung cấp số định danh cho Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử. Mặc dù, Bộ có nhiều văn bản hướng dẫn và đôn đốc nhưng tiến độ triển khai nhiệm vụ tại một số địa phương còn chưa kịp thời. Việc liên thông giữa hệ thống một cửa điện tử của địa phương với Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử chưa được khai thác, sử dụng triệt để.
Để khắc phục những hạn chế này, Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp Nguyễn Quốc Hoàn cho biết, thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ cải cách thủ tục hành chính; tiếp tục tăng cường việc kết nối, cung cấp các dịch vụ công trực tuyến của Bộ, kết nối thêm các dịch vụ công trực tuyến cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Đặc biệt, tập trung thực hiện kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ của Bộ Tư pháp theo Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 6/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030; đầu tư xây dựng, nâng cấp, hoàn thiện các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu, phần mềm ứng dụng của ngành Tư pháp, trong đó ưu tiên đầu tư cho Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc để chia sẻ dữ liệu với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu khác.