Với việc phát huy tinh thần đoàn kết, dân chủ, trách nhiệm và truyền thống của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các Hội nghị Hiệp thương lần thứ ba đã được triển khai thực hiện đúng tiến độ, đảm bảo dân chủ, công khai, minh bạch, góp phần hoàn thành trọng trách của Mặt trận Tổ quốc đã được Đảng, Nhà nước, cử tri và nhân dân giao phó.
Hội nghị Hiệp thương lần thứ ba ở Trung ương diễn ra ngày 16/4 tại Hà Nội. Theo Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến, Hội nghị Hiệp thương lần thứ ba là một công việc rất hệ trọng của quá trình bầu cử. Đây là Hội nghị Hiệp thương lần cuối cùng, lập danh sách những người đủ tiêu chuẩn gửi Hội đồng bầu cử Quốc gia để thực hiện các bước tiếp theo. Sau khi Hội đồng bầu cử Quốc gia công bố danh sách chính thức những người ứng cử theo từng đơn vị bầu cử trong cả nước, những người ứng cử sẽ thực hiện quyền vận động bầu cử theo quy định của pháp luật.
Đánh giá về kết quả Hội nghị này, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Ngô Sách Thực cho rằng, đại biểu tham dự đã có những ý kiến sâu sắc, tâm huyết, trách nhiệm liên quan đến tiêu chuẩn, điều kiện đối với những người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV. Căn cứ vào tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội, kết quả lấy ý kiến cử tri nơi cư trú đối với những người của các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã thảo luận rất sôi nổi, thẳng thắn để lựa chọn, lập danh sách chính thức những người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV gửi Hội đồng bầu cử Quốc gia. Danh sách 205 người của các cơ quan, tổ chức đơn vị ở Trung ương đủ điều kiện ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV đã được Đoàn Chủ tịch biểu quyết thông qua với sự thống nhất cao.
Không chỉ ở Trung ương, các địa phương cũng đã gấp rút hoàn thành việc chốt danh sách chính thức những người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Khái quát chất lượng ba vòng hiệp thương của Mặt trận các tỉnh, thành phố, ông Ngô Sách Sách Thực cho biết, những nội dung ở từng vòng hiệp thương đều được Mặt trận Tổ quốc các địa phương thực hiện dân chủ, khách quan và đúng theo quy định của pháp luật.
“Trong các bước hiệp thương, Mặt trận đều hướng tới làm sao lập được danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử. Bởi lẽ chất lượng hoạt động của Quốc hội và Hội đồng nhân dân phụ thuộc rất lớn vào hoạt động của những người ứng cử. Vấn đề tiêu chuẩn, đạo đức, năng lực, trình độ của những ứng cử viên rất được quan tâm. Đối với các đại biểu chuyên trách phải có chuyên môn sâu để tham gia xây dựng pháp luật, thực hiện nhiệm vụ giám sát. Đặc biệt, những người được chính thức giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp phải được sự tín nhiệm của cử tri nơi công tác, nơi cư trú”, ông Ngô Sách Thực nhấn mạnh.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Ngô Sách Thực, trong công tác bầu cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp có 5 quyền và trách nhiệm quan trọng, gồm: Tổ chức hiệp thương, lựa chọn, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân; tham gia các tổ chức phụ trách bầu cử; phối hợp với các cơ quan Nhà nước hữu quan tổ chức hội nghị cử tri ở cấp xã, các cuộc tiếp xúc giữa cử tri với người ứng cử; tham gia tuyên truyền, vận động cử tri thực hiện pháp luật về bầu cử; thực hiện hoạt động kiểm tra, giám sát công tác bầu cử.
Thực hiện nhiệm vụ bầu cử theo quy định của pháp luật, ngay sau Hội nghị Hiệp thương lần thứ ba, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã xây dựng kế hoạch và chỉ đạo tổ chức hội nghị cử tri để những người ứng cử đại biểu Quốc hội gặp gỡ, tiếp xúc cử tri nơi mình ứng cử để thực hiện quyền vận động bầu cử theo quy định của pháp luật.
Ông Ngô Sách Thực nhấn mạnh, việc tổ chức cho những người ứng cử được đi tiếp xúc cử tri được xác định tiến hành một cách rộng rãi để các ứng cử viên tiếp xúc sâu với người dân, tránh tiếp xúc hình thức: “Trong tổ chức các hội nghị tiếp xúc cử tri để vận động bầu cử là phải tạo ra công bằng cho các người ứng cử. Ngoài các cuộc tiếp xúc cử tri thì việc vận động bầu cử thông qua các phương tiện thông tin đại chúng cũng là kênh rất cũng rất quan trọng để các ứng cử viên được thực hiện quyền vận động bầu cử”, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nêu rõ.
Song song với đó, hiện Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng đang tiến hành công tác kiểm tra, giám sát công tác bầu cử (đợt 2) tại 18 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Ông Ngô Sách Thực cho biết, Mặt trận sẽ tập trung giám sát việc lập danh sách, niêm yết danh sách cử tri; giám sát việc tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý, phân loại, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến công tác bầu cử để đảm bảo những ý kiến, nguyện vọng, phản ánh đơn thư khiếu nại, tố cáo phải được các cấp có trách nhiệm giải quyết kịp thời…
Bên cạnh đó, công tác tập huấn cho tổ bầu cử sẽ được làm rất kỹ để tất cả công việc của tổ bầu cử đều được thực hiện đúng quy trình, đúng quy định của pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia bầu cử.
Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Ngô Sách Thực mong muốn các cơ quan như Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, lực lượng công an và các đơn vị liên quan sẽ phối hợp hiệu quả với Mặt trận, bảo đảm thực hiện Luật An ninh mạng, bởi có thể sẽ có thông tin sai lệch về những người ứng cử, gây ảnh hưởng không công bằng đến người ứng cử.