Tăng cường kiểm tra, giám sát để phát huy cao nhất gói hỗ trợ

Tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khoá XV, chiều 4/1, các đại biểu Quốc hội họp tại tổ, thảo luận dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Tham gia thảo luận, các Bộ trưởng: Lao động - Thương binh và Xã hội; Công Thương và Tài chính đã có các phát biểu giải trình làm rõ những nội dung, vấn đề nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm.

Tạo bước đột phá, nền tảng cho sự phát triển

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung. Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN

Theo Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, việc Quốc hội họp phiên đột xuất để bàn vấn đề hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội là rất đúng, trúng, kịp thời, với mục tiêu để chương trình có sức lan tỏa lớn, tạo sức bật mới, giải quyết các bước đột phá, làm nền tảng cho sự phát triển.

Theo Bộ trưởng, Chương trình phục hồi tập trung vào 5 nội dung. Các nội dung này cơ bản tương đối đồng bộ, quy mô phù hợp. Tuy nhiên, xét ở góc độ cá nhân phụ trách lĩnh vực an sinh, xã hội, Bộ trưởng cho rằng “mảng xã hội là hơi ít”; các chính sách chủ yếu tập trung đầu tư công các các công trình thi công, xây dựng cơ bản.

Bộ trưởng đã cung cấp thông tin về hiệu quả của hai gói chính sách an sinh xã hội lớn thời gian qua - Nghị quyết số và Nghị quyết số 116 để hỗ trợ trực tiếp cho người lao động. Theo Bộ trưởng, đến nay hai gói hỗ trợ này đã hỗ trợ 71.000 tỷ đồng, với 4,2 triệu lượt người được thụ hưởng. Tiến độ giải ngân đều đảm bảo đạt và vượt.

Giải đáp một số băn khoăn của đại biểu về nội dung liên quan đến phục hồi thị trường lao động, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết theo dự thảo chương trình, đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp các cơ sở bảo trợ xã hội, đào tạo, dạy nghề, giải quyết việc làm sẽ là 3.150 tỷ đồng. Nhưng nếu tách ra, thực chất đào tạo nghề, bồi dưỡng lao động chỉ có khoảng 1.500 tỷ đồng. Để phục vụ cho việc phục hồi toàn bộ thị trường lao động, số tiền này không lớn. Từ đây, Bộ trưởng khẳng định việc triển khai sẽ nhanh chóng, đảm bảo được vấn đề tiến độ.

Giải đáp băn khoăn của các đại biểu Quốc hội về lực lượng lao động tự do, phi chính thức, Bộ trưởng cho biết Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã đề xuất một số nội dung như hỗ trợ giữ chân người lao động, thu hút người lao động quay trở lại, hỗ trợ cho người lao động công ăn việc làm mới ở địa phương và lực lượng lao động phi chính thức. Rút kinh nghiệm từ Nghị quyết số 42 của Chính phủ năm ngoái, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết sẽ triển khai theo hướng tiếp cận khác, thay vì chủ trương trung ương trực tiếp hỗ trợ lao động tự do, sẽ để địa phương đảm đương việc này.

Đề cập tới vấn đề nhà ở, nhà trọ cho công nhân, Bộ trưởng cho biết đây là vấn đề an sinh tối thiểu người lao động, ngoài công ăn việc làm thì họ cần có nhà ở, nhà trọ. Bộ trưởng cho biết sắp tới sẽ chuyển sang hướng chủ yếu là hỗ trợ thông qua doanh nghiệp xây nhà ở, nhà trọ cho người lao động.

Về giải pháp lâu dài, Bộ trưởng cho rằng khi lập khu công nghiệp, khu chế xuất cần có quy hoạch nhà ở cho công nhân, đảm bảo mức an sinh tối thiểu cho người lao động, tránh để tình trạng như vừa qua.

Tập trung vào những nhiệm vụ, giải pháp kích thích sản xuất, phục hồi

Tham gia thảo luận, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, cần tập trung vào những nhiệm vụ, giải pháp để kích thích sản xuất, phục hồi và phát triển kinh tế.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, sau 2 tháng Chính phủ ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” và quyết định mở cửa lại nền kinh tế, kinh tế đã khởi sắc rõ nét.

Cụ thể, nếu tháng 9/2021, tại thời điểm nền kinh tế tăng trưởng âm rất sâu, nhập siêu tới 2,75 tỷ USD, nhưng nhờ có chính sách kích cầu, hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân, cùng với việc mở lại nền kinh tế thì phát triển kinh tế của Việt Nam tăng trưởng rất rõ. Bộ trưởng nhấn mạnh, “Chỉ số phát triển công nghiệp liên tục 3 tháng cuối năm ở ngưỡng trên dưới 5% và kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2021 tăng trưởng ngoạn mục, dự kiến đạt 670 tỷ USD và chúng ta xuất siêu được 4 tỷ USD tính đến thời điểm 31/12/2021. Có thể nhìn nhận, những chính sách chúng ta đã ban hành rất kịp thời và phù hợp”.

Đề cập đến gói tài khóa, tiền tệ, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, nếu xác định đây là các chính sách hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, với thời hiệu chỉ có trong 2 năm, cùng với những dự án, công việc đề cập cụ thể, Quốc hội nên thông qua và tăng cường khâu giám sát. Bộ trưởng đề nghị cần thêm một điều kiện ghi rõ những dự án, công trình hay phạm vi lĩnh vực được áp dụng cơ chế đặc biệt mà Chính phủ đề xuất.

Huy động nguồn lực linh hoạt nhất, bền vững nhất cho phục hồi

Cho biết năm 2021 là vô cùng khó khăn, chưa có tiền lệ trong lịch sử, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nêu rõ đến nay thu 1,5 triệu tỷ đồng, vượt so với kế hoạch; trong đó thu thuế, phí nội địa, trừ tiền sử dụng đất tăng 14,5%, cao hơn so với 2020 là 11,4%.

Về thị trường chứng khoán, theo Bộ trưởng, 2021 là năm có sức bật tốt, là kênh huy động vốn rất hiệu quả. Riêng quy mô vốn hóa thị trường là 7,7 triệu tỷ, tăng 46,5%, cổ phiếu tăng đột phá, 2,6 lần so với 2020, mỗi phiên giao dịch 26.000 tỷ đồng, giao động 1 tỷ USD/phiên, có ngày 2 tỷ USD.

Về trái phiếu doanh nghiệp, Bộ trưởng nhấn mạnh tới việc siết chặt lại, bịt lỗ hổng việc phát hành phát hành trái phiếu doanh nghiệp thua lỗ, nợ xấu, làm nhiễu loạn thị trường; tăng cường kiểm tra, tránh làm nhiễu loạn thị trường chứng khoán.

Để tạo nguồn lực cho các gói tài khóa, tiền tệ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết sẽ huy động nguồn lực linh hoạt nhất, bền vững nhất cho phục hồi và phát triển kinh tế. Theo Bộ trưởng, Chính phủ cũng đề nghị Quốc hội để gói kích cầu này giải quyết nút thắt để phát triển nhanh chóng, giảm bớt khâu trung gian, thủ tục đầu tư, như chỉ định thầu giảm 5%.

Việt Đức (TTXVN)
Khai mạc Kỳ họp bất thường thứ nhất, Quốc hội khóa XV
Khai mạc Kỳ họp bất thường thứ nhất, Quốc hội khóa XV

Sáng 4/1, kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV đã khai mạc tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN