Theo Chủ nhiệm Nguyễn Văn Giàu, với chủ đề là “Thúc đẩy quan hệ đối tác nghị viện vì Cộng đồng bền vững”, tham dự Đại hội đồng AIPA 40 có 171 đại biểu từ các nước thành viên và các nước quan sát viên đến tham dự, trong đó có 6 Chủ tịch Quốc hội, 3 cấp Phó Chủ tịch Quốc hội.
Tại phiên họp Ban chấp hành Đại hội đồng, tất cả thành viên đã nhất trí bầu Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân giữ vị trí Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Đại hội đồng AIPA 40. Đặc biêt, tại phiên họp Đại hội đồng, theo luân phiên phát biểu của các Trưởng đoàn, bài phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã được đánh giá cao, mang tính chất toàn diện, đánh giá những diễn biến từ tình hình thế giới đến những thách thức, cơ hội mà các nước ASEAN đang phải đối đầu và tận dụng.
Ông Nguyễn Văn Giàu cho biết trong bài phát biểu, về tình hình Biển Đông, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã đề nghị Cộng đồng ASEAN đoàn kết thực hiện Hiến chương ASEAN, đồng thời cho rằng khi giải quyết tranh chấp trên biển không được dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực mà bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982). Sau phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, trong buổi đối thoại với các nước quan sát viên với các nước thành viên AIPA, đoàn Việt Nam cũng đã thể hiện quan điểm trên. Các đại biểu quốc tế đã tán thành cao quan điểm của Việt Nam; cho rằng đây là tinh thần xây dựng, hợp tác, đoàn kết và phát triển... Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội cho rằng đây là một điểm nhấn quan trọng trong những hoạt động của đoàn Việt Nam tại AIPA 40.
Về kết quả Đại hội đồng AIPA 40, theo ông Nguyễn Văn Giàu, qua các hoạt động tích cực của các Ủy ban, Đại hội đồng đã đạt được sự thống nhất cao và đã ra Thông cáo chung với nhiều điểm nhấn quan trọng hướng tới thực hiện mục tiêu của Cộng đồng ASEAN, hay nói rộng hơn là góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của LHQ đến năm 2030. Ông cho biết thông cáo chung cũng nhấn mạnh quan điểm của Việt Nam về vấn đề Biển Đông.
Theo ông Nguyễn Văn Giàu, Đại hội đồng AIPA 40 đã thông qua 27 Nghị quyết, trong đó có 17 Nghị quyết của Ủy ban Tổ chức, 6 Nghị quyết của Ủy ban Kinh tế, 4 Nghị quyết của Ủy ban Xã hội. Tất cả các Nghị quyết này nhằm mục đích phát triển Cộng đồng ASEAN, đặc biệt là lấy con người làm trung tâm, đúng theo tinh thần mục tiêu thống nhất của Cộng đồng ASEAN.
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội cho biết các kết quả của kỳ Đại hội này năm 2020 sẽ luân phiên đến Việt Nam khi đảm nhận vai trò nước chủ nhà AIPA 41. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã vinh dự nhận chức Chủ tịch AIPA 41. Trong lễ tiếp nhận chức Chủ tịch AIPA, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã có bài phát biểu thể hiện niềm vinh dự, tự hào của Việt Nam và cũng cam kết Việt Nam sẽ làm hết sức mình để tổ chức thành công Đại hội đồng AIPA vào năm 2020, đóng góp vào sự phát triển chung của các nước trong khu vực ASEAN.
Ông cho biết nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng kêu gọi các thành viên AIPA, các nước quan sát viên, các tổ chức quốc tế được mời tham dự cùng đóng góp chung tay để tổ chức AIPA 41 thành công, góp phần mang lại lợi ích cho người dân.
Ông nêu lại một số hoạt động của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trong chuyến thăm chính thức Vương quốc Thái Lan, trong đó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội nước ta đã hội đàm với Chủ tịch Hạ viện Thái Lan; hội kiến với Thủ tướng Thái Lan, Chủ tịch Thượng viện Thái Lan. Chủ tịch Quốc hội cũng đã tới tỉnh Udon Thani - địa phương có đông bà con kiều bào và đặc biệt hơn cả là nơi đây có Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Theo ông Nguyễn Văn Giàu, tại các cuộc hội đàm, hội kiến với các nhà lãnh đạo cấp cao Thái Lan, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ vui mừng cho rằng, kể từ khi hai nước nâng cấp lên quan hệ Đối tác chiến lược vào năm 2013, đến nay Việt Nam và Thái Lan đã đạt nhiều thành tựu trong các lĩnh vực hợp tác.
Ông cho biết thêm, tại cuộc hội kiến, Chủ tịch Thượng viện Thái Lan nhấn mạnh rằng khi đưa ra quan điểm xử lý (theo thông lệ quốc tế và luật pháp quốc tế) về những thử thách mà Việt Nam gặp phải, Thái Lan bao giờ cũng đứng về phía Việt Nam.
Ông Nguyễn Văn Giàu nêu rõ trong các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc cấp cao, các nhà lãnh đạo hai bên đã đánh giá cao những kết quả trên các lĩnh vực hợp tác, đặc biệt là lĩnh vực kinh tế. Năm 2018, kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam-Thái Lan đã vượt qua con số 17 tỷ USD. Mục tiêu đặt ra cách đây khoảng 6 năm trước giữa hai nước là phấn đấu đến năm 2020 kim ngạch song phương đạt 20 tỷ USD. Như vậy, có thể thấy mục tiêu này đang trong tầm tay.
Ông Nguyễn Văn Giàu nhấn mạnh, vào Việt Nam đầu tư khá sớm, Thái Lan là nhà đầu tư lớn thứ 9/126 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam với khoảng trên 10 tỷ USD vốn đăng ký (đứng trong tốp 10). Các nhà doanh nghiệp Thái Lan sản xuất kinh doanh ở Việt Nam rất thuận lợi về khoảng cách địa lý, có những nét văn hóa tương đồng và các doanh nghiệp Thái Lan nắm bắt các chính sách đổi mới của Việt Nam rất nhanh. Trên lĩnh vực du lịch, năm 2018, người Việt Nam sang Thái Lan khoảng 1 triệu người. Người dân Thái Lan sang Việt Nam khoảng 300.000 người. Hiện nay, cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch tại Việt Nam đã phát triển nhanh. Do đó đây cũng là lĩnh vực tiềm năng để hai bên cùng hợp tác phát triển.
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội cho biết, trong chuyến thăm chính thức Thái Lan, lãnh đạo hai bên đánh giá các lĩnh vực hợp tác song phương đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Cùng với đó, hai nước coi trọng sự hợp tác, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn khu vực và quốc tế. Năm 2020, Việt Nam đảm nhận vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021, Thái Lan khẳng định sự ủng hộ và sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, đồng thời bày tỏ tin tưởng Việt Nam sẽ có những đóng góp cho lợi ích của thế giới, trong đó có khu vực Đông Nam Á.
Ông cho biết trong chuyến thăm chính thức Thái Lan, các nhà lãnh đạo Thái Lan đều đánh giá cao cộng đồng hơn 100.000 kiều bào sinh sống tại Thái Lan với đức tính siêng năng, chịu khó trong công việc và trách nhiệm, có nhiều đóng góp trong phát triển đất nước Thái Lan.
Theo ông Nguyễn Văn Giàu, đi thăm tỉnh Udon Thani, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và đoàn đã đến Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh. Kiều bào nơi đây đã góp phần tôn tạo, gìn giữ để Khu di tích trở thành điểm đến của toàn thể kiều bào tại Thái Lan, người Việt Nam ở trong nước, nước ngoài tới tham quan. Khu di tích được xây dựng khang trang, trưng bày nhiều hình ảnh về Bác. Ngôi nhà lá đơn sơ trong Khu di tích gợi nhớ về quê hương Việt Nam…
Qua chia sẻ của Tỉnh trưởng tỉnh Udon Thani và bà kiều bào, đoàn cảm nhận được sự coi trọng, tôn vinh của chính quyền địa phương Thái Lan và bà con kiều bào đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đã tới thăm các lớp dạy tiếng Việt của trường Khánh An nằm trong khuôn viên chùa Khánh An. Khi được khai trương vào năm 2017, các lớp học tiếng Việt chỉ có 28 người đăng ký nhưng tới nay trường đã có 5 lớp dạy tiếng Việt vào Thứ Ba và Thứ Sáu hằng tuần với trên 100 học viên là con em kiều bào và cả người Thái Lan tham gia. Các thầy cô giáo dạy các lớp là giáo viên kiều bào dạy tình nguyện không lương, có người đã dạy tiếng Việt miễn phí cho con em kiều bào được 15 năm. Ông Nguyễn Văn Giàu cho rằng, công tác dạy tiếng Việt cho con em kiều bào tại đây rất tốt, là mô hình cần được tổng kết, đánh giá để từ đó có thể triển khai ra các địa bàn có cộng đồng người Việt trên thế giới.
Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại của Quốc hội nhấn mạnh, trong chuyến công tác tại Thái Lan, với trách nhiệm là nước thành viên, Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam đã có những đóng góp vào sự thành công của Đại hội đồng AIPA 40. Đây cũng là dịp để hai bên chia sẻ kinh nghiệm về công tác tổ chức AIPA.