Việt Nam và Singapore thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 1/8/1973. Việt Nam lập Đại sứ quán tại Singapore tháng 12/1991 và Singapore lập Đại sứ quán tại Hà Nội tháng 9/1992.
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long. Ảnh: AFP/TTXVN |
Kể từ năm 1991, đặc biệt từ khi Việt Nam là thành viên ASEAN (năm 1995), quan hệ hai nước phát triển nhanh chóng. Singapore coi trọng quan hệ với Việt Nam và Việt Nam trở thành một trong những thị trường chính về thương mại, đầu tư của Singapore ở Đông Nam Á.
Quan hệ Đối tác Chiến lược tiếp tục đà phát triển Năm 2004, hai nước đã ký "Tuyên bố chung về Khuôn khổ Hợp tác Toàn diện trong thế kỷ 21", tạo cơ sở pháp lý và điều kiện thuận lợi thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa hai nước.
Tháng 9/2013, nhân chuyến thăm của Thủ tướng Lý Hiển Long tới Việt Nam và kỉ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, hai bên đã ra Tuyên bố chung về thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam - Singapore.
Quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam - Singapore tiếp tục phát triển thực chất và tin cậy trong những năm qua. Hai nước thường xuyên trao đổi đoàn, tiếp xúc cấp cao và các cấp; hợp tác kênh Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ được mở rộng. Hợp tác Việt Nam - Singapore trên các lĩnh vực kinh tế-thương mại và đầu tư, quốc phòng - an ninh, giáo dục - đào tạo, giao thông vận tải, du lịch, tài chính, luật pháp... đều phát triển mạnh.
Từ 1996 đến nay, Singapore luôn là một trong những đối tác lớn nhất của Việt Nam. Singapore là bạn hàng thương mại lớn thứ ba của Việt Nam trong ASEAN và thứ sáu trên thế giới. Kim ngạch thương mại hai nước năm 2016 đạt 7,1 tỉ USD.
Các sản phẩm chủ yếu giữa hai nước là xăng dầu ( Việt Nam xuất gạo dầu thô, phương tiện vận tải và phụ tùng; nhập xăng dầu thành phẩm), máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, điện thoại. Ngoài ra, Việt Nam xuất sang Singapore các sản phẩm thủy sản, cà phê, hạt tiêu, rau quả… nhưng thị phần không lớn.
Đầu tư trực tiếp từ Singapore vào Việt Nam liên tục tăng từ năm 1998. Singapore tiếp tục là nhà đầu tư lớn của Việt Nam (đứng thứ 3/101 nước và vùng lãnh thổ) với tổng vốn 39 tỉ USD. Singapore chủ yếu đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản, công nghiệp chế biến, chế tạo, xây dựng.
Khu Công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) là một biểu tượng cho tính hiệu quả của các dự án đầu tư của Singapore, đã hoạt động được hơn 11 năm với 7 khu: VSIP 1 và VSIP 2 tại Bình Dương, VSIP 3 tại Bắc Ninh (12/2007), VSIP 4 tại Hải Phòng (01/2010); VSIP 5 tại Quảng Ngãi (9/2013); VSIP 6 tại Hải Dương (8/2015) và VSIP 7 tại Nghệ An (9/2015).
Các dự án đầu tư của Singapore được đánh giá hiệu quả, triển khai nhanh, tập trung vào các lĩnh vực trọng yếu trong chuyển dịch kinh tế vùng miền của Việt Nam.
Ngày 6/12/2005, tại Singapore, hai bên đã ký chính thức Hiệp định khung về Kết nối Việt Nam - Singapore. Theo thỏa thuận, các cuộc họp cấp Bộ trưởng Công Thương được tổ chức định kỳ (8 tháng) và luân phiên tại mỗi nước để rà soát tình hình triển khai Hiệp định và hoạch định phưong hướng hợp tác tiếp theo.
Cho tới nay, hai bên đã họp được 12 kỳ, kỳ thứ 11 được tổ chức ngày 16 -17/4/2015 tại Thừa Thiên - Huế; kỳ thứ 12 tại Singapore (tháng 9/2016). Ngân hàng Trung ương của hai bên hợp tác chặt chẽ, thường xuyên trao đổi đoàn nhằm chia sẻ thông tin, trao đổi kinh nghiệm. Singapore tích cực hỗ trợ kỹ thuật, đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ Việt Nam và mong muốn được tham gia quá trình tái cấu trúc lĩnh vực tài chính - ngân hàng tại Việt Nam.
Hai nước hợp tác tốt trong cả lĩnh vực hàng không, hàng hải và giao thông đường bộ, đã có các đường bay thẳng từ Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Phú Quốc đi Singapore. Hai bên chia sẻ quy hoạch tổng thể phát triển cảng biển, lựa chọn cảng phù hợp tiến hành hợp tác kết nối cảng biển; liên doanh xây dựng, quản lý cảng Thị Vải (Bà Rịa – Vũng Tàu).
Thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực
Tháng 4/2007, Việt Nam - Singapore ký Bản Ghi nhớ về Hợp tác Giáo dục. Hàng năm, Chính phủ Singapore cấp học bổng cho sinh viên Việt Nam học đại học tại Singapore. Thỏa thuận về Chương trình đào tạo dành cho cán bộ trung, cao cấp Đảng Cộng sản Việt Nam tại Singapore giai đoạn 2011-2013 và Thỏa thuận về Chương trình đào tạo chuyên đề cho cán bộ cao cấp của Đảng Cộng sản Việt Nam giai đoạn 2013-2015, giai đoạn 2016-2017 đã được ký kết. Năm 2014, Singapore đứng thứ 5 trong các điểm đến du học của sinh viên Việt Nam với khoảng 8.500 sinh viên.
Trong lĩnh vực văn hóa, hai bên chủ yếu hợp tác theo khuôn khổ của Ủy ban Văn hóa Thông tin ASEAN (ASEAN - COCI), tích cực ủng hộ lẫn nhau. Hợp tác du lịch giữa hai nước tương đối hiệu quả. Singapore là thị trường du lịch quan trọng của Việt Nam, đồng thời là địa điểm du lịch hấp dẫn của du khách Việt Nam. Hai bên thường xuyên tổ chức họp Ủy ban hợp tác du lịch Việt Nam-Singapore; đến nay đã họp được 14 phiên.
Phiên họp gần nhất diễn ra tháng 5/2016 tại Đà Lạt, chủ yếu bàn về hợp tác tăng cường trao đổi khách giữa hai nước, phát triển du lịch tàu biển, đào tạo nguồn nhân lực, đầu tư, kết nối tuyến điểm du lịch. Năm 2016, Việt Nam đón 257.014 lượt khách Singapore (tăng 8,7% so với 2015), khách Việt Nam đến Singapore đạt 470 nghìn lượt ( tăng 12% so với 2015). Từ năm 2006, hợp tác du lịch được đưa vào khuôn khổ kết nối hai nền kinh tế Việt Nam - Singapore…
Bên cạnh đó, hai bên đã ký các hiệp định, thỏa thuận, bản ghi nhớ giữa hai nước, chú trọng đến các hợp tác về pháp luật, tư pháp. Tháng 3/2008, Bộ trưởng Tư pháp hai nước đã ký Bản ghi nhớ hợp tác Pháp luật và Tư pháp. Hai bên hợp tác và phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn đa phương và quốc tế như ASEAN, Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), Diễn đàn hợp tác Á-Âu (ASEM), Liên hợp quốc.
Singapore đang tích cực hỗ trợ Việt Nam xây dựng chương trình nghị sự chuẩn bị cho APEC 2017. Liên quan đến các vấn đề an ninh chiến lược ở khu vực, trong đó có vấn đề Biển Đông, hai nước tích cực hợp tác, chia sẻ quan điểm và bảo vệ lập trường chung của ASEAN.
Trong khuôn khổ chuyến thăm lần này, hai bên sẽ trao đổi các phương hướng chiến lược, biện pháp cụ thể nhằm làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác Chiến lược trong thời gian tới, bắt kịp với những chuyển biến nhanh chóng hiện nay của cách mạng công nghiệp lần thứ tư, hỗ trợ lẫn nhau phát triển bền vững, thịnh vượng, thúc đẩy hợp tác giữa hai nước tại các diễn đàn đa phương.