Báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đắk Nông khẳng định, từ năm 2018 đến tháng 8 năm 2019, trên địa bàn tỉnh Đắk Nông xảy ra nhiều hiện tượng thời tiết bất thường, cực đoan. Mưa lớn kéo dài tại nhiều địa phương trong tỉnh liên tục nhiều tháng trong mùa mưa 2018. Mùa khô năm 2018 - 2019 lại ghi nhận một đợt nắng hạn kéo dài tại các huyện phía Bắc của tỉnh. Đầu mùa mưa năm 2019, Đắk Nông tiếp tục ghi nhận tình trạng dông lốc, lốc xoáy xảy ra tại nhiều địa phương, gây thiệt hại nặng nề cho người dân.
Đợt mưa lũ bất thường kéo dài từ ngày 6 - 11/8 vừa qua đã gây ngập lụt, sạt lở đường sá, công trình thủy điện, thủy lợi, hư hại nhà cửa, hàng nghìn héc-ta cây trồng của người dân. Tổng thiệt hại lên đến gần 200 tỉ đồng. Đặc biệt, đợt mưa lũ cũng làm 5 người chết, trong đó có 4 người tại huyện Đắk R’Lấpm- địa phương bị thiệt hại nặng nhất.
Ông Trương Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông khẳng định, khoảng cuối tháng 7, đầu tháng 8 vừa qua, một số khu vực của tỉnh Đắk Nông vẫn còn tình trạng hạn hán cục bộ. Một đợt mưa lũ bất thường, trên quy mô lớn đã gây ra nhiều thiệt hại nặng nề. Bên cạnh đó, Đắk Nông là tỉnh có địa bàn rộng, phức tạp, địa hình chia cắt, thời tiết được “phân vùng” thành hai khu vực khá rõ. Khu vực phía Bắc của tỉnh có lượng mưa trung bình hàng năm khoảng 1.600 mm, nhưng các huyện, thị khu vực phía Nam thường xuyên ghi nhận lượng mưa mỗi năm khoảng 2.900 - 3.000 mm, tức cao gấp 1,5 lần.
Mong muốn của tỉnh Đắk Nông là các ngành chức năng của Trung ương hỗ trợ tỉnh nhiều hơn về cơ sở vật chất phục vụ công tác cảnh báo, dự báo thời tiết; Bộ Công thương hỗ trợ tỉnh trong việc tăng cường công tác quản lý, kiểm tra các hồ đập thủy điện theo phân cấp bởi thời tiết ngày càng phức tạp, bất thường, nếu một số thủy điện lớn trên các lưu vực sông Đồng Nai, Sê rê pốk xảy ra sự cố thì hậu quả rất khó lường.
Ngoài ra, tỉnh Đắk Nông đã chỉ đạo các đơn vị chức năng làm việc, phối hợp với các đơn vị cung cấp dịch vụ viễn thông để lên kế hoạch cảnh báo, thông tin kịp thời hơn cho người dân khi có dự báo, hoặc xảy ra các sự cố thiên tai bất thường.
Theo các thành viên trong đoàn kiểm tra, trước những diễn biến bất thường, cực đoan của thời tiết cũng như những thiệt hại nghiêm trọng trong đợt mưa lũ vừa qua, Đắk Nông cần rà soát, đánh giá tổng thể lại mức độ an toàn của các hồ đập thủy điện, thủy lợi để lên phương án xử lý phù hợp. Tỉnh cũng cần tăng cường công tác dự báo, cảnh báo về thiên tai, các hiện tượng thời tiết cục bộ, bất thường để người dân có đầy đủ thông tin hơn.
Đoàn Công tác lưu ý Đắk Nông cần xây dựng bản đồ cảnh báo rủi ro, thiên tai. Khi xảy ra sự cố cần thông tin kịp thời, nhất là thông qua các cơ quan báo chí, mạng xã hội để người dân tiếp cận thông tin kịp thời hơn.
Ghi nhận những nỗ lực của Đắk Nông trong ứng phó thiên tai, nỗ lực khắc phục hậu quả đợt mưa lũ vừa qua, Trưởng đoàn công tác Triệu Văn Cường lưu ý Đắk Nông phải chú trọng hơn nữa đến an toàn hồ đập thủy điện, thủy lợi; công tác xây dựng, kiện toàn lực lượng xung kích phòng chống thiên tai, nhất là đối với cấp xã. Vấn đề thông tin về thiên tai, thời tiết bất thường cần thông suốt, kịp thời hơn. Bên cạnh đó, chủ các hồ đập thủy lợi cần chủ động hơn trong việc nắm bắt kịp thời các diễn biến về khí tượng, thủy văn, thiên tai để lên phương án ứng phó sớm và có những đề xuất kịp thời tới các cơ quan chức năng.
Đoàn Công tác cũng sẽ làm rõ các nội dung về quản lý, vận hành, xây dựng hai công trình thủy điện Đắk Sin 1 (xã Đắk Sin, huyện Đắk R’Lấp) và Đắk Kar (ranh giới các xã Đắk Ru-Hưng Bình, huyện Đắk R’Lấp, tỉnh Đắk Nông và xã Phú Sơn - Đồng Nai, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước) theo như chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vào ngày 12/8 vừa qua.