Sáng 11/4, tại trụ sở Trung ương Đảng, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị tổng kết thực hiện Chỉ thị 56-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa VIII) về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác của Hội Luật gia Việt Nam.
Các đồng chí: Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; Nguyễn Văn Hiện, Bí thư Đảng đoàn Hội Luật gia Việt Nam; Phạm Quốc Anh, Phó Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội Luật gia chủ trì hội nghị.
Hội nghị đã đánh giá khách quan, toàn diện những kết quả đạt được và những tồn tại yếu kém, những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Chỉ thị 56 của Bộ Chính trị. Hội nghị thống nhất đánh giá, hơn 10 năm qua, Chỉ thị số 56-CT/TW đã thực sự đi vào cuộc sống; khẳng định tính đúng đắn, tầm quan trọng và tác dụng to lớn của Chỉ thị đối với sự phát triển của Hội Luật gia Việt Nam. Những chủ trương, nhiệm vụ được nêu trong Chỉ thị đến nay vẫn còn nguyên giá trị.
Kết luận hội nghị, thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đồng chí Lê Hồng Anh biểu dương những thành tích đã đạt được của các cấp Hội Luật gia Việt Nam qua hơn 10 năm thực hiện Chỉ thị 56-CT/TW. Để tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị 56 trong giai đoạn mới, các cấp ủy, tổ chức đảng từ Trung ương đến cơ sở cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức tuyên truyền sâu rộng kết quả tổng kết thực hiện Chỉ thị số 56-CT/TW, khẳng định những kết quả đã đạt được, chỉ rõ những hạn chế, tồn tại, nguyên nhân và những bài học kinh nghiệm, tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền và các cấp hội. Việc thực hiện Chỉ thị cần gắn với việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 4 "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay" và việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Các cấp ủy Đảng tăng cường lãnh đạo đối với Hội Luật gia Việt Nam, tạo điều kiện cho Hội Luật gia được tiếp cận những thông tin mới và những quan điểm chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, chủ động đề xuất ý kiến và xây dựng chương trình công tác phù hợp; tăng cường định hướng, giao nhiệm vụ cụ thể cho Hội Luật gia, gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của ngành, địa phương, đơn vị… để hội thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, để các cấp Hội Luật gia thực sự là một tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp đặc thù của những người hoạt động trong lĩnh vực pháp luật.
H.T