Theo báo cáo của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, tình hình trật tự an toàn giao thông trên toàn quốc đã có nhiều chuyển biến tích cực, tai nạn giao thông trong 6 tháng đầu năm 2020 đã giảm sâu nhất trong nhiều năm qua cả về số vụ, số người chết và số người bị thương so với cùng kỳ (đặc biệt số người chết do tai nạn giao thông giảm 14,91%, mức giảm sâu nhất trong 10 năm trở lại đây).
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình nêu rõ: 6 tháng đầu năm, cả nước phải chung tay phòng, chống dịch COVID-19, đặc biệt là đợt cao điểm giãn cách xã hội tháng 3 và tháng 4 nên mật độ giao thông không cao, tại một số địa phương đã thực hiện siết chặt mọi hoạt động giao thông, ngành giao thông vận tải cũng phải tạm dừng mọi hoạt động kinh doanh vận tải đường bộ, đường sắt, đường không...
Theo Phó Thủ tướng Thường trực, trong 6 tháng đầu năm 2020, áp lực giao thông vận tải giảm do chịu tác động của dịch COVID-19, đồng thời, đây là thời điểm triển khai Nghị định số 100/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt; Nghị định số 10/NĐ-CP quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô nên tình hình trật tự an toàn giao thông có chuyển biến hết sức tích cực; tai nạn giao thông giảm mạnh cả 3 tiêu chí, đặc biệt là ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông được nâng cao. Với sự kiểm soát chặt chẽ của lực lượng chức năng cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về quy định xử phạt cũng như việc kiên quyết xử lý đối với các lái xe vi phạm nên vi phạm về nồng độ cồn của người tham gia giao thông giảm mạnh, mức xử phạt đã đủ sức răn đe, lái xe đã biết sợ.
Nhìn lại công tác an toàn giao thông trong thời gian qua, Phó Thủ tướng Thường trực cho rằng, tuy đạt được kết quả tốt nhưng tình hình trật tự an toàn giao thông vẫn còn phức tạp, liên tục xảy ra các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng làm chết và bị thương nhiều người, gây nhiều lo lắng cho nhân dân, điển hình là vụ tai nạn giao thông tại Đắk Nông ngày 13/6, tại Quảng Ninh ngày 17/6. Ngoài ra, tình hình vi phạm quy định về tải trọng xe vẫn còn diễn ra ở nhiều nơi. Tình trạng ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh chưa được giải quyết và có xu hướng gia tăng.
Trong thời gian tới, Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương, tập trung thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 18 của Ban Bí thư Trung ương Đảng; Nghị quyết số 12 của Chính phủ về tăng cường bảo đảm trật tự an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2019-2021 và Kế hoạch Năm an toàn giao thông 2020.
Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia tiếp tục đôn đốc các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện Năm an toàn giao thông 2020 với chủ đề “Đã uống rượu, bia không lái xe; Đôn đốc, kiểm tra công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông tại các địa phương có tình hình trật tự an toàn giao thông phức tạp, tai nạn giao thông tăng cao; phối hợp với các bộ, ngành, địa phương chuẩn bị xây dựng kế hoạch Năm An toàn giao thông 2021.
Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục thực hiện kế hoạch xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, đề án chính sách về bảo đảm trật tự an toàn giao thông, trong đó tập trung xây dựng dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) để Chính phủ trình Quốc hội khóa 14 cho ý kiến vào Kỳ họp thứ 10, thông qua trong Kỳ họp thứ 11; khẩn trương trình Nghị định sửa đổi Nghị định 132 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đường thủy nội địa.
Bộ chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, phối hợp với các địa phương và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam thực hiện Quyết định số 358 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án đảm bảo trật tự hành lang an toàn giao thông và xử lý dứt điểm lối đi tự mở qua đường sắt.
Ngành giao thông đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch và đột xuất, phát hiện xử lý vi phạm đồng thời đấu tranh phòng, chống tiêu cực, siết chặt quản lý, trong đó tập trung vào công tác quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông; kiểm soát tải trọng phương tiện giao thông; kinh doanh vận tải bằng xe ô tô; đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe; đăng kiểm phương tiện giao thông. Bộ Giao thông Vận tải thực hiện thanh tra, kiểm tra về việc thực hiện quy định pháp luật đối với đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe tại các địa phương.
Bộ Công an tăng cường công tác nắm tình hình, xây dựng và triển khai các phương án, kế hoạch tổ chức tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm an toàn giao thông, tập trung vào các hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn, ma túy; lái xe chạy quá tốc độ, vượt đèn đỏ, đi sai phân đường, làn đường; người đi mô tô, xe máy vi phạm quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm; cương quyết trấn áp, trừng trị những đối tượng manh động, chống người thi hành công vụ, tội phạm trên các tuyến giao thông; có chuyên đề kiểm soát xử lý vi phạm về an toàn giao thông và tải trọng đối với lái xe, chủ xe của xe ô tải, xe đầu kéo...
Bộ Công an tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu an toàn giao thông kết nối, chia sẻ với các đơn vị trong và ngoài ngành Công an phục vụ công tác bảo đảm an toàn giao thông; đẩy nhanh tiến độ lắp đặt hệ thống giám sát, xử lý vi phạm về an toàn giao thông trên các tuyến cao tốc và các quốc lộ, địa bàn trọng điểm. Ngành phối hợp với ngành Giao thông Vận tải rà soát, đánh giá xây dựng phương án tổ chức giao thông trên các tuyến giao thông phức tạp, giải quyết các “điểm đen”, điểm tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông.
Bộ Tư pháp tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính để trình Quốc hội khóa XIV biểu quyết tại Kỳ họp thứ 10, đảm bảo các chế tài và hình thức xử phạt hành chính đủ sức răn đe, cảnh báo, ngăn ngừa vi phạm đồng thời đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong quá trình thực hiện.
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục thực hiện chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định số 100 quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt; Chỉ thị số 32 về tăng cường công tác kiểm soát tải trọng phương tiện giao thông. Các địa phương tăng cường tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm quy định pháp luật về an toàn giao thông; chống xe dù, bên cóc; đào tạo sát hạch, cấp giấp phép lái xe; đăng kiểm phương tiện cơ giới; bảo đảm an toàn giao thông trong kinh doanh vận tải; xử lý điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông; không lấn chiếm, sử dụng trái phép lòng, lề đường, vỉa hè, đồng thời thực hiện tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các đối tượng cố tình vi phạm, cương quyết cưỡng chế, trấn áp những đối tượng chống người thi hành công vụ.