Thay mặt Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến đề nghị Mặt trận các cấp cần xác định rõ vai trò, tầm quan trọng, trách nhiệm của ban công tác Mặt trận ở khu dân cư trong việc vận động nhân dân thực hiện nghiêm chỉ đạo của chính quyền và các ngành chức năng về phòng, chống dịch COVID-19, từ đó, tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch; thực hiện nghiêm yêu cầu bắt buộc đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà và thông điệp 5K của Bộ Y tế.
Mặt trận các cấp cần tiếp tục vận động nhân dân tích cực tham gia các hoạt động của tổ phòng, chống COVID-19 ở cộng đồng, trên tinh thần "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng"; kịp thời phát hiện báo cáo với chính quyền, cơ quan chức năng về các trường hợp người đi từ vùng dịch về địa phương không tự giác khai báo y tế; tuyên truyền, vận động nhân dân có thân nhân ở nước ngoài không nên về nước trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp. Trường hợp đã về nước phải thực hiện nghiêm việc cách ly theo quy định.
Bên cạnh đó, Mặt trận các cấp phối hợp với các ngành chức năng kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định đảm bảo phòng, chống dịch tại khu dân cư, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn, đặc biệt các cơ sở y tế, trường học, khách sạn, nhà hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ.
Các hoạt động của Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội phải căn cứ vào tình hình thực tế để có hình thức tổ chức triển khai phù hợp, đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch; chủ động thực hiện họp trực tuyến, phát huy các phương tiện thông tin đại chúng, internet... để kịp thời tuyên truyền chủ trương, nhiệm vụ và công tác phòng, chống dịch đến cộng đồng, người dân.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam mong muốn, Mặt trận các cấp chủ động, tích cực hơn nữa trong việc phối hợp để tổ chức các hội nghị tiếp xúc cử tri của người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp phù hợp với tình hình thực tế. Địa phương nào có dịch phải thực hiện đúng các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định của Chính phủ và ngành Y tế; vận động cử tri thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch. Khi đi bầu cử, cử tri phải đeo khẩu trang, sát khuẩn tay, giữ khoảng cách an toàn, tránh đi bầu cử tập trung vào cùng một thời điểm, dẫn đến đông người, làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh. Mặt trận các cấp phát huy hơn nữa vai trò giám sát của quần chúng nhân dân, vai trò của ban công tác Mặt trận, các chi hội đoàn thể, nhất là vai trò nòng cốt của các tổ tự quản tại thôn, bản, tổ dân phố để kịp thời phát hiện sớm các trường hợp vi phạm quy định về phòng, chống dịch.
Từ nay đến Ngày Bầu cử 23/5/2021 chỉ còn chưa đầy hai tuần, để chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc bầu cử, Bộ Y tế đã hướng dẫn các địa phương xây dựng phương án cụ thể đối với từng trường hợp xảy ra dịch COVID-19 trước, trong và sau ngày bầu cử, nhất là tại các địa phương có dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhằm bảo đảm tốt nhất, an toàn nhất cho cuộc bầu cử. Các địa phương chịu trách nhiệm triển khai thực hiện tốt các chỉ thị, công điện của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện phòng, chống dịch COVID-19. Trường hợp tại những địa bàn có dịch COVID-19 diễn biến khó lường, làm ảnh hưởng đến cuộc bầu cử, cần kịp thời báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để báo cáo Hội đồng Bầu cử Quốc gia xem xét, quyết định.
Đến nay, các cấp, các ngành trong hệ thống chính trị đã tiến hành triển khai công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị, bảo đảm đúng quy định của pháp luật. Với sự phối hợp chỉ đạo chặt chẽ của Hội đồng Bầu cử Quốc gia, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các bộ, ngành Trung ương, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đã nỗ lực và thực hiện nghiêm túc công tác chuẩn bị cho cuộc bầu cử.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời chỉ đạo các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo phạm vi, quyền hạn thực hiện nhiệm vụ được giao triển khai và phối hợp trong việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo hướng dẫn về bầu cử; thực hiện chỉ đạo của Hội đồng Bầu cử Quốc gia; thành lập các tổ chức phụ trách bầu cử; tổ chức hội nghị hiệp thương; tuyên truyền về bầu cử; chuẩn bị cơ sở vật chất cho bầu cử; bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội; bảo đảm phòng, chống dịch bệnh. Các địa phương đã tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri; hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát các tổ chức phụ trách bầu cử...; phát huy tốt dân chủ ngay từ cơ sở và dân chủ trong từng bước triển khai thực hiện, tạo không khí cuộc bầu cử thực sự là đợt sinh hoạt chính trị dân chủ sâu rộng trong nhân dân.