Tăng hiệu quả của nền kinh tế bằng chất lượng nguồn nhân lực 

Tại Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2023 tuần qua (19/9) đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, nhấn mạnh: Vấn đề quan trọng mà Diễn đàn nêu ra - nâng cao năng suất lao động là phương thức căn bản nhất để Việt Nam hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng nhanh và bền vững.

Chú thích ảnh
Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu đề dẫn Chương trình. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Mối quan hệ nhân quả

Năng suất lao động là yếu tố then chốt quyết định năng lực cạnh tranh của cả nền kinh tế và có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển của toàn xã hội, là động cơ thúc đẩy tiến trình phát triển kinh tế-xã hội của quốc gia.

Năng suất lao động phản ánh năng lực tạo ra của cải, hiệu suất lao động của nền kinh tế. Ở thời điểm hiện tại việc nâng cao năng suất lao động là vấn đề cốt lõi của kinh tế nước ta. Đó là vì hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế của chúng ta còn thấp so với nhiều nước trên thế giới và cả với một số nước trong khu vực. Sự tăng trưởng kinh tế của Việt Nam chủ yếu vẫn dựa vào việc gia tăng quy mô vốn vật chất và lao động.

Theo Tổng cục Thống kê, tốc độ tăng năng suất lao động trong giai đoạn vừa qua của nền kinh tế nước ta đã có sự cải thiện đáng kể: Đạt bình quân hằng năm 6,05% trong giai đoạn 2016-2020 và 4,65%/năm trong 2 năm 2021-2022. Năng suất lao động của toàn nền kinh tế Việt Nam theo thời giá năm 2021 ước đạt 171,3 triệu đồng/lao động (tương đương 7.398 USD, tăng 5 USD so với năm 2020). Trong năm 2022 năng suất lao động của toàn nền kinh tế ước đạt 188,1 triệu đồng/lao động (tương đương 8.083 USD, tăng 622 USD so với năm 2021).

Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu kế hoạch của giai đoạn 2021-2025 thì trong các năm 2023-2025 trung bình mỗi năm năng suất lao động phải tăng khoảng 7,8%. Đây là thách thức lớn đối với nền kinh tế nước ta.

Năng suất lao động của Việt Nam hiện chỉ bằng 8,4% so với Singapore, 23,1% so với Malaysia, 41,5% so với Thái Lan, 55,5% so với Indonesia và 62,8% so với Philippinse. Theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), lao động Singapore đóng góp vào GDP đất nước ở mức 73,7 USD trong 1 giờ lao động, còn lao động Việt Nam chỉ đóng góp khoảng 7,3 USD/giờ vào GDP của đất nước.

Năng suất lao động có mối quan hệ nhân quả với chất lượng của nguồn nhân lực. Năng suất lao động không cao chủ yếu là do chất lượng nguồn nhân lực còn chưa đạt yêu cầu.

Hiện tại Việt Nam có 100 triệu người và lực lượng lao động chiếm gần 58% dân số.

Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, ở thời điểm năm 2023 có tới 72,5 % nguồn nhân lực ở nước ta không có chuyên môn sâu. Trong số 26,1% người lao động đã qua đào tạo (có bằng hoặc chứng chỉ về trình độ sơ cấp nghề, trung cấp, cao đẳng, đại học và sau đại học) thì chỉ có 5% có thể dùng tiếng Anh giao tiếp làm việc.

Cơ cấu đào tạo nghề ở nước ta không hợp lý dẫn đến thiếu hụt lao động có tay nghề cao, khoảng cách giữa giáo dục nghề nghiệp và nhu cầu của thị trường lao động còn lớn.

Đa số người lao động chưa được tập huấn về kỷ luật lao động công nghiệp, thiếu ý thức tiết kiệm cả về nguyên vật liệu và thời gian, cả người quản lý lẫn người lao động còn rất yếu về ý thức tiết kiệm.

Người lao động thiếu kiến thức và kỹ năng làm việc nhóm, thiếu khả năng hợp tác và gánh chịu rủi ro, ngại phát huy sáng kiến.

Đặc thù của nền kinh tế đất nước là sử dụng phổ biến lao động có tay nghề thấp, những người rất dễ bị tổn thương khi có sự biến động của thị trường. Điều này được thể hiện ở con số hơn 60% lực lượng lao động đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp chỉ làm các công việc giản đơn.

Chất lượng nguồn nhân lực ở nước ta không cao mà còn mất cân đối nghiêm trọng giữa các vùng, miền. Lực lượng lao động đã được đào tạo có bằng, chứng chỉ ở khu vực thành thị cao gấp 2,5 lần khu vực nông thôn. Số người đã qua đào tạo cao nhất là ở vùng Đồng bằng sông Hồng (31,8%), tiếp đến là vùng Đông Nam Bộ (27,5%); thấp nhất ở Đồng bằng sông Cửu Long (13,6%).

Tính đến cuối năm 2022, nhân lực trong khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản là gần 14 triệu người, tức khoảng 27,5% tổng số lao động của toàn nền kinh tế. Phần lớn công việc trong khu vực này là lao động giản đơn, tạo giá trị gia tăng thấp. Khi rời khỏi khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản thì người lao động chủ yếu lại chuyển sang các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có năng suất thấp hoặc các ngành dịch vụ có thu nhập thấp. Vì thế sự chuyển dịch cơ cấu lao động không mang lại kết quả mong muốn.

Bắt đầu từ việc cải thiện vốn nhân lực 

Chú thích ảnh
Quang cảnh Phiên thảo luận chuyên đề 01, sáng 19/9/2023. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Năng suất lao động phụ thuộc vào vốn vật chất, vốn nhân lực và tài nguyên thiên nhiên.

Vốn vật chất còn gọi là tư bản. Người lao động sẽ làm việc hiệu quả hơn, năng suất hơn nếu có nhiều công cụ lao động và các công cụ càng hiện đại thì hiệu quả càng cao hơn.

Vốn nhân lực là những kỹ năng và kiến thức mà người lao động thu được thông qua đào tạo, giáo dục và kinh nghiệm. Vốn nhân lực bao gồm những kỹ năng tích lũy được từ trong quá trình sống, từ thời còn đi học phổ thông lên đại học và qua các chương trình dạy nghề.

Tài nguyên thiên nhiên là yếu tố đầu vào trong quá trình sản xuất và do thiên nhiên mang lại như đất đai, khoáng sản và sông ngòi…

Trong khi vốn vật chất và tài nguyên thiên nhiên là hữu hình, có thể nhìn thấy, sờ thấy, đồng thời rất hữu hạn thì vốn nhân lực là vô hình, đôi khi là vô hạn. Nâng cao năng suất lao động một cách hiệu quả nhất chỉ có thể là thông qua việc tăng chất lượng nguồn vốn nhân lực của nền kinh tế.

Nói cách khác, trình độ và kỹ năng của người lao động có thể nhanh chóng làm tăng năng suất lao động của các doanh nghiệp cũng như của toàn thể nền kinh tế. 

Theo Tiến sỹ Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, số liệu điều tra doanh nghiệp cho thấy: Nếu lấy nhóm lao động chưa qua đào tạo làm gốc so sánh thì khi tăng 1% lao động qua đào tạo trong nhóm lao động có đào tạo nhưng không có chứng chỉ sẽ làm năng suất lao động tăng thêm 0,04%. Hiệu quả của tăng thêm 1% lao động được đào tạo dẫn đến tăng năng suất lao động trong nhóm lao động có chứng chỉ sơ cấp nghề là 0,16%, trong nhóm có bằng trung cấp, cao đẳng là 0,19%, trong nhóm có bằng đại học trở lên là 0,22%.

Tác động và hiệu quả trong việc đào tạo nâng cao trình độ, kỹ năng, tay nghề để tăng năng suất lao động của các doanh nghiệp nước ta là rất lớn khi có tới 72,5 % lao động chưa được đào tạo.

Việc nâng cao năng suất lao động phụ thuộc lớn vào trình độ, năng lực, kỹ năng và chuyên môn của người lao động. Vì vậy, giáo dục cho người dân, mở rộng độ bao phủ, phổ cập giáo dục và nâng cao chất lượng hệ thống giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực, trong đó có định hướng ưu tiên đào tạo các tài năng cá biệt và các kỹ năng mới nổi, phải là quốc sách hàng đầu đối với Việt Nam trong giai đoạn phát triển.

Theo Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh, để phát triển kinh tế - xã hội bền vững thì phải phát triển nguồn nhân lực có chất lượng, có kỹ năng. Ông cho rằng đây cũng là một trong những đột phá chiến lược để phát triển đất nước trong thời gian tới.

Thứ trưởng Lê Văn Thanh đề xuất một số giải pháp trọng tâm để nâng cao nguồn nhân lực của nền kinh tế.

Theo đó, cần đẩy nhanh việc thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện và nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, trọng tâm là chuyển đổi số, hiện đại hóa cơ sở vật chất, thiết bị, thay đổi phương thức giáo dục đào tạo, nhất là giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp.

Đồng thời, cần hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút các nhà đầu tư, cả doanh nghiệp, người sử dụng lao động tích cực tham gia vào hoạt động đào tạo, phát triển kỹ năng nghề. Xây dựng các mô hình gắn kết với giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp và thị trường lao động theo từng vùng, từng địa phương phù hợp với từng nhóm đối tượng, trong đó chú trọng đối tượng đặc thù.

Về việc nâng cao trình độ học vấn và kỹ năng của người lao động, Tiến sỹ Lê Thị Chiên (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) kiến nghị: Cần rà soát, hoàn thiện các chiến lược về giáo dục, đào tạo, phát triển nhân lực quốc gia phù hợp với yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Nước ta đã có khá nhiều quy định, nghị định về phát triển giáo dục, đào tạo cũng như phát triển nguồn nhân lực, nhưng so với yêu cầu của việc tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa hiện nay thì nhiều quy định đã lạc hậu, không còn phù hợp với yêu cầu của thực tiễn.

Cần quy hoạch lại mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học thuộc lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ; triển khai các hoạt động đào tạo kiến thức, kỹ năng về khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo trong các trường phổ thông. Hiện nay, mạng lưới giáo dục nghề nghiệp ở nước ta đã trở nên lạc hậu, nặng giáo dục lý thuyết, xem nhẹ thực hành, nặng về kiến thức, xem nhẹ kỹ năng; tỷ lệ giữa các ngành khoa học xã hội, nhân văn với các ngành kinh tế, kỹ thuật chưa thật sự hợp lý.

Cần hình thành các chương trình cấp quốc gia và cấp địa phương, ngành, lĩnh vực về đào tạo, thu hút, trọng dụng nhân tài, lao động có kỹ năng, chuyên môn cao. Để tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao, các cấp, ngành, địa phương cần căn cứ vào thực lực của mình để có chính sách đào tạo, thu hút, trọng dụng nhân tài hợp lý; tránh tình trạng “chảy máu chất xám”.

Cần xây dựng và triển khai chương trình đào tạo chuyên gia, nhân lực chất lượng cao, lao động kỹ thuật trong các lĩnh vực công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn. Do trình độ phát triển của các ngành nghề ở nước ta có sự chênh lệch đáng kể nên không thể đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa một cách cào bằng mà phải có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên cho các lĩnh vực sản xuất có tính nền tảng, mũi nhọn.  

Cần quan tâm đào tạo, nâng cao trình độ lao động nông thôn; tăng số lượng lao động kỹ thuật có tay nghề; phát triển nhân lực nghiên cứu, chuyên gia trong nông nghiệp. Vì lực lượng lao động nông nghiệp ở Việt Nam chiếm tỷ lệ khá cao nên để tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì không thể không tính tới nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nông thôn.

Cần khuyến khích phát triển các nền tảng dạy và học trực tuyến mở, các mô hình đại học mới thích ứng với quá trình chuyển đổi số. Trong bối cảnh của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và chuyển đổi số quốc gia, các nền tảng dạy và học trực tuyến cần được mở rộng để tạo thêm nhiều cơ hội tiếp cận kiến thức cho người lao động. Các cơ sở giáo dục, nhất là các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, cũng cần đẩy mạnh hình thức giáo dục từ xa, giáo dục trực tuyến để người lao động có nhiều cơ hội học tập nâng cao trình độ, tay nghề.

Trần Quang Vinh (TTXVN)
Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2023: Gỡ nút thắt về đấu thầu trong đầu tư công
Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2023: Gỡ nút thắt về đấu thầu trong đầu tư công

Tại Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2023 với chủ đề "Tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững" diễn ra sáng ngày 19/9, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đặt vấn đề cần nâng cao năng lực, động lực và giải pháp căn cơ nhằm tháo gỡ điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực, tăng cường nội lực, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2023, 2024 và cho cả nhiệm kỳ 2021-2025. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN