Không dồn thanh toán vốn vào tháng cuối năm
Nhiều chủ đầu tư, nhà thầu thi công các công trình, dự án tại các địa phương đang đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công theo đúng kế hoạch, hưởng ứng đợt phát động “Chiến dịch 60 ngày đêm tăng tốc”, thi công 3 ca 4 kíp/ngày đêm để đảm bảo tiến độ. Thanh Hóa thuộc nhóm các địa phương đạt tỷ lệ giải ngân nhanh của cả nước. Với quyết tâm cuối năm 2024 sẽ giải ngân đạt 100% vốn được giao, tỉnh đang gấp rút đẩy nhanh tiến độ các công trình.
Đến đầu tháng 11/2024, giá trị giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 của tỉnh đạt gần 9.302 tỷ đồng, tương đương 66% kế hoạch và cao hơn 10,8% so với cùng kỳ năm 2023 (55,1%). Nếu chỉ tính kế hoạch năm 2024, tỷ lệ giải ngân của tỉnh bằng %, cao hơn 15,6% so với tỷ lệ giải ngân của cả nước (52,29%). Hiện nay, các Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh đang dồn lực chỉ đạo các nhà thầu thi công tranh thủ điều kiện thời tiết thuận lợi, huy động tối đa máy móc, thiết bị thi công; đồng thời, khẩn trương nghiệm thu, thanh toán, hạn chế dồn thanh toán vốn trong tháng tháng cuối năm.
Tại Tiền Giang, nhiều công trình trọng điểm cũng đang có tiến độ giải ngân nhanh, giúp nhà thầu gỡ “điểm nghẽn” về vốn, tập trung phương tiện, thiết bị đẩy nhanh tiến độ thi công như: Kè chống sạt lở Cồn Ngang đã giải ngân 100% vốn; bờ kè sông Ba Rài giải ngân đạt 98,6%; đường giao thông 2 bờ sông Bảo Định giải ngân đạt 100%; đường phát triển vùng Đồng Tháp Mười giải ngân đạt 100%... Đặc biệt, tỉnh đã mạnh dạn điều chuyển vốn từ những công trình, dự án chậm tiến độ, ảnh hưởng tới kế hoạch giải ngân sang các công trình, dự án vượt tiến độ, có nhu cầu bổ sung vốn trong năm, đảm bảo đẩy nhanh tiến độ giải ngân theo kế hoạch năm 2024...
Theo Bộ Tài chính, ước giải ngân vốn đầu tư công của các bộ, ngành, địa phương đến hết tháng 11/2024 là 410.953,1 tỷ đồng, đạt 54,8% kế hoạch, đạt 60,43% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Tỷ lệ giải ngân ước 11 tháng thấp hơn cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 đạt 59,4% kế hoạch và đạt 65,1% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao). Hiện có 18 bộ, ngành và 40 địa phương có tỷ lệ ước giải ngân so với tổng kế hoạch đạt trên mức bình quân chung của cả nước. Tuy nhiên, vẫn còn 28 bộ, ngành và 23 địa phương có tỷ lệ ước giải ngân thấp hơn bình quân chung của cả nước.
Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp: Cần tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền
Một trong những nội dung nhận được sự quan tâm trong Luật Đầu tư công (sửa đổi) là tách công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) thành dự án độc lập. Việc GPMB được thực hiện theo hướng đối với các dự án trọng điểm quốc gia và các dự án nhóm A, B, C do cấp thẩm quyền quyết định và Chính phủ quy định thực hiện chi tiết với điều kiện là phải đảm bảo công tác quy hoạch, phê duyệt chủ trương đầu tư dự án, nhằm tránh giải phóng mặt bằng tràn lan.
Việc Thủ tướng Chính phủ giao UBND cấp tỉnh, thành phố là cơ quan chủ quản thực hiện dự án trên địa bàn từ 2 đơn vị hành chính trở lên là cần thiết, nhằm phân cấp, phân quyền cho địa phương thực hiện dự án nhanh, gọn, bình đẳng trong công tác GPMB. Đặc biệt, về giá giữa các địa phương, địa bàn giáp ranh với nhau sẽ giúp hạn chế gia tăng; quy định trách nhiệm các cơ quan, địa phương có cùng dự án để đẩy nhanh thi công, khắc phục tình trạng đùn đẩy, gây chậm tiến độ công trình.
Gỡ điểm nghẽn pháp lý
Ông Nguyễn Minh Tân, Phó Vụ trưởng Vụ Ngân sách Nhà nước (Bộ Tài chính) cho rằng: Về giải pháp tháo gỡ khó khăn giải ngân vốn đầu tư công, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan đã đưa ra nhiều giải pháp từ 4 - 5 năm qua. Song, vướng mắc lớn nhất là quy trình phê duyệt thủ tục đầu tư các dự án rườm rà. Cụ thể hiện nay, muốn có dự án đầu tư công phải xin phê duyệt chủ trương đầu tư, sau đó phải xin danh mục đầu tư, tiếp đến là điều chỉnh danh mục... Mỗi công đoạn diễn ra trong vài tháng.
Để tháo gỡ, Luật Đầu tư công (sửa đổi) được Quốc hội thông qua có thể trở thành “chìa khóa” giải bài toán này. ThS Nguyễn Văn Tùng, Phó Trưởng ban Ban Nghiên cứu tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đề xuất: Cần sửa đổi quy định pháp luật về đầu tư công theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phân công, phân nhiệm, bảo đảm quản lý thống nhất. Tập trung rà soát, hoàn thiện các quy định của pháp luật về đầu tư công, các nguyên tắc, tiêu chí, thứ tự ưu tiên bố trí vốn đầu tư nguồn ngân sách Nhà nước (NSNN). Bên cạnh đó, cần phát huy vai trò của đầu tư công theo phương châm “đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư” để phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội theo phương thức đối tác công tư (PPP).
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Trần Quốc Phương cho rằng, những khó khăn giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 cơ bản tiếp nối từ năm 2023. Khó khăn lớn nhất nổi lên trong năm nay là về nguồn vật liệu phục vụ cho thi công các công trình. Vấn đề này không chỉ liên quan tới Luật Đầu tư công, mà còn liên quan đến nhiều luật khác, nhất là Luật Khoáng sản, với các quy định liên quan đến cấp phép mỏ vật liệu.
Ngoài ra, trong quá trình giải ngân vốn đầu tư công, các thủ tục giải ngân như kiểm đếm, nghiệm thu khối lượng hay thủ tục về hồ sơ thanh quyết toán, cần được các chủ đầu tư làm sớm, làm nhanh. Các bộ, ngành, địa phương phải rà soát ngay kế hoạch vốn để có thể điều chỉnh phù hợp. Dự án nào chậm giải ngân, có thể điều chỉnh sang các dự án giải ngân tốt, đảm bảo sử dụng hết tổng vốn trong kế hoạch được giao.
“Luật Đầu tư công (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV cùng với các luật khác như Luật sửa đổi 4 luật liên quan đến đầu tư. Các đột phá về thể chế này trong năm nay chưa có tác dụng và cần phải chờ hiệu lực của các luật. Hy vọng, năm 2025 khi các luật đi vào cuộc sống sẽ phát huy hiệu quả, hiệu lực giải quyết các ‘điểm nghẽn’ còn tồn tại. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã báo cáo Chính phủ trình cấp thẩm quyền cho phép đối với những dự án còn vướng về pháp lý, nhất là các dự án theo hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao (BT) chuyển tiếp, để rà soát, phân nhóm các loại dự án và trình Quốc hội ban hành Nghị quyết tháo gỡ”, ông Trần Quốc Phương nhấn mạnh.
Nhiều chuyên gia kinh tế đồng tình, việc Chính phủ đã trình Quốc hội xem xét ban hành 1 luật sửa 4 luật liên quan đến đầu tư công, với những quy định mới, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong việc triển khai các dự án đầu tư công theo tinh thần “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”. Vốn đầu tư sau khi được các bộ, ngành, địa phương trình phê duyệt sẽ giao danh mục về cho địa phương quyết định thực hiện; địa phương được điều chỉnh từ dự án này sang dự án khác, không phải trình cấp trên, miễn là không vượt tổng mức vốn giao cho địa phương. Vốn chương trình mục tiêu cũng đổi mới theo hướng này. Như vậy, sẽ không mất nhiều thời gian, dự án sớm hoàn thành và phát huy hiệu quả giải ngân. Tuy nhiên, khi thực hiện đầu tư, các địa phương phải có tầm nhìn dài hạn, “làm nhanh, làm mạnh, làm chắc chắn, đảm bảo chất lượng công trình, tránh lãng phí”.
Đại biểu Trình Lam Sinh, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang: Tránh việc lợi dụng để thực hiện sai mục đích dự án
Việc tách dự án GPMB thành dự án độc lập sẽ góp phần thúc đẩy nhanh quá trình triển khai và hoàn thành dự án đầu tư công. Nếu đẩy nhanh tiến độ GPMB sẽ bố trí được nguồn vốn nhanh và có quy trình, thủ tục riêng để triển khai. Đây là mong muốn của các chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng, nhằm rút ngắn thời gian các dự án vướng GPMB hiện nay. Luật Đầu tư công (sửa đổi) sẽ tạo điều kiện để thúc đẩy hoàn thành các mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công.