Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ phát biểu chỉ đạo Hội thảo. Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN |
Cùng dự Hội thảo có Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng; đại diện các ban, ngành Trung ương; các nhà khoa học, nhà quản lý hàng đầu của Việt Nam.
Phát biểu chỉ đạo Hội thảo, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ nêu rõ, vấn đề phát triển nhanh và bền vững trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0, nếu đất nước không phát triển nhanh rất dễ bị tụt hậu. Tăng trưởng nhanh chính là điều kiện phát triển bền vững. Phó Thủ tướng cũng đề nghị các nhà khoa học tìm hiểu rõ hơn về vấn chuyển đổi kinh tế, đặc biệt mối quan hệ giữa các nước phát triển trên thế giới.
Nhấn mạnh đến bối cảnh phát triển tăng trưởng và bền vững tại Việt Nam, Phó Thủ tướng mong muốn các nhà khoa học đánh giá chỉ tiêu chất lượng nền kinh tế, trao đổi cơ cấu kinh tế và phát triển cơ chế thị trường trong thời gian tới. Đồng thời nhấn mạnh các mục tiêu đặt ra thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu kinh tế, nâng cao năng lực sản xuất mới để phát triển tăng năng suất lao động
Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Quang Thuấn cho biết: Năm 2018 là năm bản lề của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2016 - 2020), đồng thời là năm quan trọng quyết định khả năng hoàn thành chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm (2011 - 2020). Bên cạnh đó, năm 2018 cũng là năm rất có ý nghĩa để bắt đầu xây dựng nền tảng tăng trưởng cho một giai đoạn mới của đất nước.
Đó là thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021 - 2025) và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021 -2030), trong điều kiện cạnh tranh toàn cầu ngày càng khắc nghiệt, với tác động ngày càng lớn của Hiệp định thương mại tự do bậc cao FTA, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và biến đổi toàn cầu, nhằm đánh giá chung về nhân tố tạo nền tảng tăng trưởng kinh tế Việt Nam thời gian qua, xác định các vấn đề trong củng cố và tạo lập nền tảng tăng trưởng nhanh và bền vững của Việt Nam.
Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN |
Chia sẻ về cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 (cơ hội, thách thức cho Việt
Nam và những hàm ý chính sách), Tiến sĩ Nguyễn Thắng, Giám đốc Trung tâm
Phân tích và Dự báo Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cho biết: Để
tối đa hóa những cơ hội, giảm thiểu những thách thức của Cách mạng công
nghiệp 4.0, Việt Nam cần giải quyết tối đa các bài toán lớn.
Đó
là đảm bảo thể chế không bị tụt lại trong cuộc chạy đua với công nghệ,
để mở đường cho các công nghệ và phương thức sản xuất mới đi vào cuộc
sống; phải có cách thức thúc đẩy để đảm bảo kỹ năng không bị tụt hậu lại
so với công nghệ; giải quyết những vấn đề liên quan đến kinh tế - xã
hội và môi trường còn tồn đọng. Bên cạnh đó, cần học tập kinh nghiệm ứng
phó của các nước khác, đặc biệt là các nước đi trước trong Cách mạng
công nghệ 4.0 là rất quan trọng.
Theo Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, nguyên chuyên gia Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), để trở thành nước công nghiệp hóa thành công cần đẩy mạnh vai trò nông nghiệp nông thôn trong công nghiệp hóa, áp dụng khoa học kỹ thuật và thực tiễn, gắn kết và hòa nhịp với đô thị cùng nền kinh tế tập trung vào chất lượng, hiệu quả, giá trị bền vững.
Đại biểu dự Hội thảo sau khi được nghe các tham luận, đã bày tỏ ý kiến muốn tăng trưởng nhanh và bền vững cần có sự công khai và minh bạch. Bên cạnh đó cần nhìn nhận, đánh giá đúng mức sự tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam, mặt khác phải giải quyết các vấn đề về môi trường sinh thái; xây dựng các tổ giám sát về môi trường và khoanh vùng chức năng rõ rệt...