Đa số các đại biểu đều cho rằng, tốc độ tăng trưởng kinh tế đã có sự bứt phá, đặc biệt có sự thay đổi trong mô hình tăng trưởng. Bên lề Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XIV, phóng viên TTXVN đã ghi lại những ý kiến của các đại biểu quốc hội về vấn đề này.
Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Hoàng Văn Cường. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN |
Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội): Có sự thay đổi trong mô hình tăng trưởngTốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2017 và quý I/2018 đã đạt được mức tăng khả quan, cao nhất so với 10 năm qua. Điều ấn tượng của tôi là tại Kỳ họp thứ 4, Chính phủ đặt chỉ tiêu phát triển kinh tế tăng trưởng kinh tế 6,7% và vào thời điểm đó nhiều người còn hoài nghi. Nhưng kết quả thực tế đã xóa đi những hoài nghi đó. Điều này chứng tỏ nền kinh tế của chúng ta đã phục hồi thực sự, đạt được những kết quả từ bản thân của nền kinh tế mang lại.
Đặc biệt, nền kinh tế mặc dù chưa chuyển hoàn toàn sang mô hình tăng trưởng mới, nhưng bước đầu đã ghi nhận sự thay đổi trong mô hình tăng trưởng. Nếu mô hình tăng trưởng trước đây phụ thuộc vào dầu thô và thường phải tăng vốn tín dụng rất cao thì năm 2017, chúng ta không phải tăng quá nhiều về nguồn dầu thô, thậm chí so với những năm trước còn giảm xuống. So với năm trước, dư địa tín dụng của năm 2017 đạt được 17,8% là bình thường.
Như vậy, rõ ràng trụ cột của tăng trưởng nền kinh tế dựa vào các yếu tố dầu thô và nguồn tín dụng đã dần ít lệ thuộc. Chúng ta đã bắt đầu thấy được sự đóng góp tăng trưởng kinh tế từ nông nghiệp, dịch vụ. Đây là những ngành tạo ra những giá trị mới, tạo ra hiệu quả bền vững. Các ngành này đã tham gia tỷ trọng đóng góp vào tăng trưởng kinh tế nhiều hơn.
Qua đó cho thấy, trọng tâm định hướng là chuyển đổi mô hình tăng trưởng, chuyển đổi cơ cấu lại của nền kinh tế, bắt đầu đã phát huy tác dụng.
Trong thời gian tới, Chính phủ cần tiếp tục thực hiện các giải pháp đi theo hướng cải cách về thể chế hành chính. Đồng thời, tháo bỏ những rào cản để tăng năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp, khơi dậy sức sản xuất trong mọi tầng lớp trong xã hội.
Tuy nhiên, việc này không chỉ dừng lại ở việc cởi bỏ những quy định hay văn bản giấy tờ mà còn phải hành động thực tế mà hành động thực tế nằm ở những người thực thi ở cơ cở, đặc biệt là ở địa phương. Đã đến lúc phải thay đổi phương thức đánh giá cán bộ. Bên cạnh đó, không sử dụng yếu tố đánh giá như là bình chọn, bình xét thi đua mà phải lấy tiêu chí sự bằng lòng của người dân, doanh nghiệp và khách hàng được cán bộ, công chức ở dưới cơ sở phục vụ.
Đại biểu Bố Thị Xuân Linh (đoàn Bình Thuận): Tiến dần đến “Chính phủ kiến tạo”Tôi đánh giá cao sự vào cuộc của Chính phủ, Thủ tướng chính phủ và các bộ, ngành thời gian qua với 12/13 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu kế hoạch Quốc hội giao. Nét nổi bật nhất của nền kinh tế thời gian qua có bước tăng trưởng đột phá, nhiều chỉ tiêu đạt với chỉ số ấn tượng cao nhất kể từ năm 2011 đến nay. Điều này cho thấy Chính phủ, các ngành, các cấp đã vào cuộc và có những nỗ lực lớn, tiến dần đến “Chính phủ kiến tạo”.
Có thể nói, Chính phủ đã có nhiều hoạt động tích cực, xử lý kịp thời, quyết liệt nhiều vụ việc cụ thể, bức xúc nổi cộm, được dư luận quan tâm. Đặc biệt về phúc lợi xã hội, an sinh xã hội được quan tâm giải quyết, đạt nhiều kết quả quan trọng. Công tác phòng chống tham nhũng thực hiện có nhiều tiến bộ, quyết liệt. Nhiều vụ án tham nhũng lớn được điều tra và xử lý nghiêm tạo được sự đồng tình ủng hộ và lấy lại niềm tin của nhân dân…
Tuy nhiên, qua nghiên cứu báo cáo, tôi nhận thấy nền kinh tế nước ta còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế và đứng trước những khó khăn, thách thức. Bản thân tôi rất băn khoăn về tính bền vững trong phát triển kinh tế. Cụ thể, năng suất lao động chưa đáp ứng yêu cầu; tỷ trọng công nghiệp vẫn dựa vào vốn đầu tư và tăng trưởng số lượng doanh nghiệp, trong khi năng suất, chất lượng lao động, sức cạnh tranh của doanh nghiệp, áp dụng tiến bộ khoa học còn hạn chế.
Hiện nay, Việt Nam đang đứng trước cuộc cách mạng 4.0, nếu chúng ta phụ thuộc vào vốn thì tính bền vững sẽ không cao. Bên cạnh đó, tình hình thiên tai, bão lũ, vệ sinh an toàn thực phẩm, sự cố môi trường, tệ nạn xã hội, ma túy, tai nạn giao thông, cháy nổ...vẫn còn xảy ra nhiều địa phương. Nhưng, giải pháp đề ra chưa hiệu quả gây bức xúc, tâm tư lo lắng trong nhân dân.
Do đó, tôi đề nghị Chính phủ cần phân tích đầy đủ các tồn tại, hạn chế, từ đó làm rõ nguyên nhân để nhìn nhận thấu đáo các vấn đề và rút ra những kinh nghiệm trong chỉ đạo, điều hành, quản lý. Đồng thời, tăng cường các giải pháp cụ thể để chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế; tăng dần tỷ trọng trong ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ, giảm hợp lý tỷ trọng nông nghiệp, chú trọng sản xuất nông nghiệp sạch, chất lượng cao.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội): Nông nghiệp ghi dấu ấnTôi ấn tượng với nhiều nhiều với chỉ tiêu phát triển kinh tế đạt được trong năm 2017 và quý I/2018; trong đó, thành công của ngành nông nghiệp là rất ấn tượng. Hầu như tất cả các lĩnh vực của ngành nông nghiệp đều có sự tăng trưởng và có những điểm sáng. Thứ nhất, xuất khẩu nông sản của nông dân đã tìm được thị trường. Các sản phẩm như vải, chôm chôm, thănh long… đã xuất khẩu được vào thị trường nước ngoài với giá khá tốt. Thứ hai, giá nông sản của ngành nông nghiệp có sự ổn định là là điểm đáng ghi nhận.
Qua báo cáo giải trình của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường chúng ta thấy rõ hơn việc ngành nông nghiệp đã có sự tổ chức hệ thống, sắp xếp cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Ngoài ra, chúng ta cũng thấy được việc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thực sự quan tâm đến việc lưu thông hàng hóa nông nghiệp. Cụ thể, Bộ đã tổ chức được những đơn vị làm công tác thương mại, qua đó, tìm được thị trường bán sản phẩm cho ngành nông nghiệp. Chính việc tổ chức này đã góp phần cho sự thành công của ngành nông nghiệp hiện nay.
Mặc dù, kết quả của ngành nông nghiệp vẫn còn có nhiều ý kiến khác nhau. Tuy nhiên, theo tôi kết quả của ngành nông nghiệp thời gian qua đã có sự khác biệt, chuyển đổi rất rõ ràng theo hướng tích cực so với thời kỳ trước đây. Cho nên chúng ta có niềm tin là ngành nông nghiệp sẽ phát triển trong thời gian tới. Ở đất nước mà vẫn còn tới 65% người dân làm nông nghiệp thì đây được cho là dấu ấn rất lớn.