Chỉ nên tăng tuổi nghỉ hưu với lao động có trình độ chuyên môn cao. Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội (QH) Đỗ Văn Đương trong đổi bên lề QH với báo chí về Dự án Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi. * Trong Dự án Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi có đề xuất tuổi nghỉ hưu của người lao động được nâng lên. Quan điểm của ông như thế nào về việc này? Việc nâng tuổi nghỉ hưu của nam lên 62, nữ lên 60 đối với đội ngũ công chức, viên chức hưởng lương ngân sách nhà nước như đề xuất phải tính cụ thể hơn. Ban soạn thảo cần trả lời cho được câu hỏi tăng tuổi nghỉ hưu thì ngân sách Nhà nước có chịu được không. Không thể chỉ tính đến việc đạt mục đích thu bảo hiểm xã hội.
Ngoài ra, phải xét đến sự cân đối của thị trường lao động. Nên chăng, vấn đề tuổi hưu có thể áp dụng như Bộ Luật lao động sửa đổi, nghĩa là chỉ tăng tuổi nghỉ hưu đối với lao động chất lượng cao, nhất là ở những cơ quan “tre già măng chưa mọc”; với ngành tư pháp, bởi đặc điểm của lĩnh vực này là cán bộ càng nhiều tuổi thì càng giàu kinh nghiệm.
Với công chức, viên chức, những người trưởng thành từ công tác đoàn rồi phát triển đến vị trí Bí thư, Chủ tịch UBND không nên tăng tuổi hưu mà cần tìm người thừa kế xứng đáng, để tránh hiện tượng tham quyền cố vị, lợi ích cục bộ.
* Bộ LĐTB&XH cho rằng, cứ như hiện nay thì đến năm 2024 quỹ bảo hiểm xã hội sẽ vỡ, vì vậy cần nâng tuổi hưu, thưa ông? Vấn đề này không chỉ Bộ LĐTB&XH mà Tổ chức Lao động Quốc tế cũng cảnh báo. Nhưng tư tưởng xây dựng dự án Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi mới xuất phát từ lợi ích ngành. Cơ quan bảo hiểm mới lo làm sao cho quỹ BHXH không bị vỡ, làm sao cho tổ chức bộ máy, chi phí của những người làm công tác bảo hiểm tốt mà chưa đặt bảo hiểm xã hội trong mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội, nên đề ra nhiều quy định gây khó cho người lao động.
Điển hình là nâng thời gian đóng bảo hiểm xã hội liên tục từ 15 lên 20 năm liên tục mới được hưởng, rồi lại phải hưởng mức thấp hơn trước, rồi nâng tuổi lao động. Trong khi đó, tình trạng nợ đọng bảo hiểm xã hội ngày càng nhiều nhưng chế tài xử phạt lại quá nhẹ. Cách làm luật như thế này sẽ khiến người lao động hoảng loạn về mặt tinh thần, nhưng ngược lại lại tạo ra đặc quyền, cơ hội cho những người có chức vụ, quyền hạn nhưng động cơ làm việc không trong sáng.
* Nợ đọng BHXH đang xảy ra ở nhiều nơi , ông có cho rằng cần phải khởi tố hình sự để xử lý nghiêm việc này?
Hiện tượng doanh nghiệp chiếm đoạt tiền bảo hiểm xã hội của người lao động để kinh doanh đang có chế tài xử phạt quá nhẹ. Tôi cho rằng tiền chiếm đoạt của người khác là phải truy tố hình sự, không thể xử lý hành chính, rồi phạt với lãi suất thấp hơn lãi suất ngân hàng như hiện nay.
* Xin cám ơn ông!
Hữu Vinh (ghi)