Theo quy định của pháp luật hiện hành, lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở gồm: bảo vệ dân phố, lực lượng dân phòng, lực lượng công an xã bán chuyên trách. Các lực lượng này đều là lực lượng quần chúng nhân dân tự nguyện được tuyển chọn vào tổ chức tham gia thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở do UBND cấp xã thành lập, quản lý và duy trì hoạt động. Trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, lực lượng này đã có những đóng góp tích cực trong bảo vệ an ninh trật tự, đặc biệt là hỗ trợ đắc lực trong công tác phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội.
Theo thống kê hàng năm cho thấy, các lực lượng tại cơ sở phát hiện, giải quyết khoảng 80% số vụ việc về an ninh trật tự ở cơ sở. Tuy nhiên, quy định chế độ chính sách, nhất là phụ cấp hàng tháng đối với lực lượng này còn nhiều bất cập.
Ông Hà Văn Chung, Chủ tịch UBND xã Cẩm Thành, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa cho rằng: về kinh phí hỗ trợ cho tổ an ninh trật tự, tổ dân phòng,... như hiện nay thì không đảm bảo cuộc sống cho lực lượng này để họ thực hiện tốt vai trò của mình trong đảm bảo an ninh trật tự tại cơ sở.
Cũng theo các đại biểu, quy định của pháp luật về các lực lượng, tổ chức quần chúng tham gia bảo vệ an ninh trật tự còn dàn trải ở nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau, chưa đầy đủ, chưa cụ thể, nhất là chưa có luật quy định cụ thể đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở để bảo đảm hành lang pháp lý cho việc tổ chức hoạt động của lực lượng này.
Đại tá Giàng Páo Sính, Phó Giám đốc Công an tỉnh Điện Biên cho rằng, việc xác định chức năng, nhiệm vụ của một số tổ chức quần chúng tham gia bảo vệ an ninh trật tự chưa được cụ thể và chưa phù hợp với địa bàn, tâm tư, nguyện vọng, ý kiến của nhân dân. Trong đó có lực lượng công an xã bán chuyên trách là lực lượng hỗ trợ công an chính quy tham mưu, giải quyết kịp thời những vấn đề phức tạp nổi lên ngay tại cơ sở. Vì vậy, cần thiết phải có luật điều chỉnh để bảo đảm hành lang pháp lý và hiệu quả hoạt động của lực lượng này.
“Đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, tham mưu sớm ban hành Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự tại cơ sở, thành một lực lượng mang tính rộng khắp, toàn diện, hoạt động có hiệu quả. Trong đó, quy định cụ thể mức phụ cấp hàng tháng đối với từng chức danh của lực lượng này, tương xứng với tính đặc thù công việc, thời gian, công sức làm việc để khích lệ tinh thần hăng say, miệt mài công tác của lực lượng bảo đảm an ninh trật tự ở cơ sở” - Đại tá Giàng Páo Sính cho ý kiến.
Cũng tại Hội thảo, ý kiến tham gia của các đại biểu tập trung vào những nội dung trọng tâm: Vị trí, vai trò, tầm quan trọng của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, sự cần thiết phải xây dựng dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; làm rõ cơ sở thực tiễn, xác lập những luận cứ khoa học của việc xây dựng dự án Luật; phân tích, đánh giá về thực tiễn công tác bảo đảm an ninh, trật tự ở địa bàn của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở hiện nay...
Các đại biểu đều thống nhất về sự cần thiết xây dựng dự án luật và mong muốn Quốc hội thông qua, ban hành để sớm tạo cơ sở pháp lý thống nhất cho việc tổ chức lực lượng bảo đảm an ninh, trật tự tại cơ sở, qua đó góp phần bảo đảm an ninh con người, an ninh xã hội, xây dựng xã hội trật tự an toàn, kỷ cương để phát huy tốt hơn vai trò của quần chúng nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ an ninh trật tự, xây dựng thế trận an ninh nhân dân, thế trận bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, từ cơ sở.