Đầu tư cho công tác truyền thông
Tờ trình của Chính phủ đã nêu rõ sự cần thiết ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống HIV/AIDS. Theo đó, sau 13 năm thực hiện, Luật hiện hành đã bộc lộ một số bất cập cần khắc phục kịp thời. Chẳng hạn như quy định liên quan đến đối tượng được thông báo kết quả xét nghiệm HIV, đối tượng được tiếp cận thông tin người nhiễm HIV còn thiếu và bất cập, gây ảnh hưởng đến quá trình thực hiện. Một số quy định không còn phù hợp với điều kiện thực tiễn...
Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nêu rõ: Việc sửa đổi, bổ sung Luật là yêu cầu cần thiết để bảo đảm thể chế hóa đầy đủ, kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng về công tác phòng, chống HIV/AIDS; đáp ứng với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật mới và tình hình dịch tễ HIV/AIDS trong thời gian tới. Ngoài ra, nguồn kinh phí hiện nay không bảo đảm đủ điều kiện thực hiện các biện pháp phòng, chống HIV/AIDS nên cần được điều chỉnh phù hợp. Các kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị của các tổ chức y tế, phòng, chống HIV/AIDS hàng đầu thế giới cho thấy cần có các biện pháp hiệu quả hơn trong thời gian tới.
"Việc sửa đổi, bổ sung Luật là hết sức cần thiết, góp phần tạo cơ sở pháp lý mạnh mẽ và toàn diện để nâng cao hiệu quả của công tác phòng, chống HIV/AIDS, thúc đẩy hoàn thành mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030", Quyền Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.
Về nội dung cơ bản, dự thảo Luật dựa trên hai chính sách gồm: Tăng cường tiếp cận thông tin người nhiễm HIV và bảo đảm quyền được tiếp cập dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS của mọi đối tượng.
Qua thảo luận, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống HIV/AIDS với các lý do đã được thể hiện trong Tờ trình của Chính phủ. Việc sửa đổi, bổ sung dự án Luật nhằm thể chế quan điểm, chủ trương Nghị quyết số 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, trong đó có mục tiêu “cơ bản chấm dứt dịch bệnh AIDS” vào năm 2030 và giải pháp “tăng cường nguồn lực trong nước cho công tác phòng, chống HIV/AIDS…”.
Các đại biểu cơ bản nhất trí với phạm vi sửa đổi, bổ sung của dự án Luật nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật hiện hành, đáp ứng yêu cầu của công tác phòng, chống HIV/AIDS trong tình hình mới, tập trung chủ yếu vào các quy định về: mở rộng quyền tiếp cận thông tin; cụ thể hóa và tăng cường quyền tiếp cận các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS; bảo đảm chi trả từ Quỹ bảo hiểm y tế đối với một số dịch vụ dành cho người nhiễm HIV/AIDS tham gia bảo hiểm y tế...
Tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, các cơ quan đã có sự chuẩn bị tích cực, chu đáo, hồ sơ đầy đủ, đủ điều kiện để trình Quốc hội thảo luận, cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp tới. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan tiếp tục phối hợp để điều chỉnh các nội dung đánh giá tác động chưa thật sâu, chưa thật đầy đủ; bảo đảm tính đồng bộ giữa Luật này với Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi), Luật Xử lý vi phạm hành chính, Bộ luật Hình sự năm 2015 (tội danh cố ý lây truyền HIV/AIDS)… để tránh mâu thuẫn, chồng chéo, đảm bảo tính thống nhất.
Về tính khả thi, vấn đề bình đẳng giới, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, một số quy định chưa có số liệu cụ thể để minh chứng cho việc tổng kết, đánh giá cho lần sửa đổi này, vì thế cần làm rõ hơn.
Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý, công tác truyền thông, khám chữa bệnh cần thực hiện như thế nào để bảo đảm quyền con người, đảm bảo bí mật thông tin của người nhiễm HIV. “Với mục tiêu đến 2030, Việt Nam không còn người bị AIDS, công tác truyền thông về biện pháp phòng ngừa, khám chữa bệnh, việc đầu tư nguồn lực cho công tác này cần được quan tâm, làm quyết liệt hơn nữa”, Phó Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ.
Bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người nhiễm HIV
Để bảo đảm việc thực hiện quy định về quản lý nhà nước trong việc phòng, chống HIV/AIDS phù hợp với tình hình thực tế cũng như lợi ích của người nhiễm HIV, dự thảo Luật bổ sung một số chủ thể được tiếp cận thông tin người nhiễm HIV (sửa đổi, bổ sung Điều 30).
Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh, đại diện cơ quan thẩm tra, cho biết, còn có ý kiến khác nhau về nội dung này.
Loại ý kiến thứ nhất: nhất trí với quy định mở rộng đối tượng được tiếp cận thông tin người nhiễm HIV để bảo đảm thuận tiện trong việc điều trị, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh cũng như phòng ngừa nguy cơ lây nhiễm HIV cho người trực tiếp chăm sóc, điều trị.
Loại ý kiến thứ hai: đề nghị cân nhắc việc mở rộng đối tượng được tiếp cận thông tin và nên sửa đổi theo hướng quy định nguyên tắc. Theo đó, các chủ thể được tiếp cận thông tin về tình trạng nhiễm HIV của người nhiễm HIV có trách nhiệm giữ bí mật thông tin người nhiễm HIV, trường hợp vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật.
Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội nhận thấy: Chính sách mở rộng các chủ thể được tiếp cận thông tin của người nhiễm HIV rõ ràng có ảnh hưởng đến quyền bảo mật thông tin của cá nhân người nhiễm HIV. Việc điều chỉnh chính sách này cần hài hòa giữa mục tiêu bảo đảm thực hiện chức năng quản lý nhà nước nhưng cũng cần bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của người bệnh và phù hợp với khuyến nghị của quốc tế.
Thực tiễn giám sát cho thấy, một số nhóm đối tượng có thể tiếp cận hoặc biết được thông tin về tình trạng nhiễm HIV của người khác khi thực hiện chức trách công vụ (ví dụ: trong quá trình lập danh sách người cần hỗ trợ mua bảo hiểm y tế, bao gồm cả người nhiễm HIV; để phục vụ công tác nghiên cứu khoa học, có những đối tượng được phép tiếp cận với hồ sơ bệnh án của các bệnh nhân, trong đó có thể có thông tin về tình trạng nhiễm HIV của người bệnh...). Dự án Luật cần tiếp cận vấn đề này một cách bao quát hơn để quy định phù hợp và bảo đảm việc sửa đổi, bổ sung theo hướng không làm phát sinh các hệ lụy pháp lý bất lợi cho các chủ thể liên quan. Do đó, Thường trực Ủy ban tán thành với loại ý kiến thứ hai.
Liên quan đến Quỹ hỗ trợ, điều trị, chăm sóc người nhiễm HIV, Chủ nhiệm Nguyễn Thúy Anh chỉ rõ, qua giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật phòng, chống HIV/AIDS, Thường trực Ủy ban thấy rằng, nguồn thu từ Quỹ chiếm tỷ trọng rất nhỏ so với tổng nguồn lực dành cho công tác này. Bên cạnh đó, Báo cáo kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng các Quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhà nước giai đoạn 2013 - 2018” của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đánh giá về Quỹ hỗ trợ người nhiễm HIV là “quy mô Quỹ nhỏ, việc huy động nguồn lực tài chính hoạt động hạn chế, hoạt động của Quỹ là không đáng kể.
Trong giai đoạn 2013 - 2018, tổng số tiền thu được bổ sung vào Quỹ chỉ đạt 1,5 tỷ đồng chủ yếu từ nguồn hỗ trợ của các tổ chức cá nhân (năm 2017 không có nguồn thu), dự kiến năm 2019 và 2020, Quỹ chỉ thu được 20 triệu đồng/năm. Quỹ đã gần như thực hiện xong vai trò chức năng nhiệm vụ đặt ra, việc duy trì một Quỹ ngoài ngân sách để phục vụ hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS là không cần thiết”. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã yêu cầu Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến quản lý, sử dụng các quỹ tài chính ngoài ngân sách nhà nước để sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Với những lý do trên, Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, xem xét bãi bỏ Quỹ này.