Tạo khuôn khổ pháp lý thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn sáng 6/11, nhiều vấn đề liên quan đến ứng dụng khoa học công nghệ cao trong nông nghiệp, các giải pháp thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này... đã được các đại biểu Quốc hội quan tâm, chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường.

Chú thích ảnh
Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi Phạm Thị Thu Trang đặt câu hỏi. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Số doanh nghiệp tăng gấp 3 lần

Đánh giá cao sự đóng góp của doanh nghiệp trong sản xuất và phát triển thị trường, một số đại biểu chất vấn về giải pháp thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Đại biểu Phạm Thị Thu Trang (Quảng Ngãi) cho biết, ngày 17/4/2018, Chính phủ ban hành Nghị định số 57/NĐ-CP về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn thay thế Nghị định 210/NĐ-CP. Theo đó, trong giải pháp năm 2020 có nêu: Thúc đẩy nông nghiệp hàng hóa tập trung vào quy mô lớn theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao giá trị và gia tăng phát triển bền vững.

“Trong tái cơ cấu nông nghiệp, vai trò của doanh nghiệp là rất quan trọng trong sản xuất, đầu tư công nghệ, nâng cao năng suất, giá trị nông sản và phát triển thị trường. Đề nghị Bộ trưởng đánh giá tình hình, giải pháp nhằm thu hút các doanh nghiệp tăng cường đầu tư vào nông nghiệp nông thôn”, đại biểu chất vấn.

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đánh giá, Nghị định 57/NĐ-CP được ban hành thay thế Nghị định 210/NĐ-CP là sự thay đổi lớn, nhằm khuyến khích các doanh nghiệp tập trung đầu tư lĩnh vực nông nghiệp, coi doanh nghiệp và hợp tác xã là hạt nhân trong liên kết sản xuất lớn.

Theo Bộ trưởng, trong 3 năm qua, số doanh nghiệp đầu tư trực tiếp vào khu vực nông nghiệp đã tăng 3 lần, từ hơn 3.000 lên 11.800 doanh nghiệp. Đây là một trong những thành công bước đầu. Ngoài ra, hầu hết các tập đoàn kinh tế lớn trong nước đều góp mặt và đầu tư trải dài khắp vùng miền, tạo động lực mới trong phát triển nông nghiệp. Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường thừa nhận, con số này vẫn còn ít, chưa đáp ứng được yêu cầu và cần tập trung đẩy mạnh trong thời gian tới.

Tranh luận lại, đại biểu Phạm Thị Thu Trang đề nghị Bộ trưởng đưa ra giải pháp căn cơ để doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, bởi theo báo cáo mới chỉ có 8% doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này.

Ghi nhận ý kiến của đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường thừa nhận, mặc dù nói số doanh nghiệp tăng 3 lần nhưng số tuyệt đối còn rất thấp. Thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp tục tham mưu chính sách với Chính phủ và Quốc hội, trong đó có việc thông qua Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) để huy động đầu tư. Bởi thực tế hiện nay, doanh nghiệp đang thiếu điều kiện, nếu có khuôn khổ pháp lý tốt sẽ có làn sóng đầu tư của các doanh nghiệp vào lĩnh vực nông nghiệp vốn rất khó khăn nhưng vẫn còn nhiều dư địa.

Giải trình thêm, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định, các chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đến nay tương đối đầy đủ, đặc biệt là Nghị định 57/NĐ-CP. Hiện nay, các bộ, ngành đang triển khai tích cực, xây dựng chính sách cụ thể. Chính phủ cũng ban hành Nghị quyết số 53/NQ-CP ngày 17/7/2019 về giải pháp khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp hiệu quả, an toàn và bền vững.

Với chức năng của mình, thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tham mưu Thủ tướng Chính phủ rà soát quá trình triển khai các nội dung đã quy định tại Nghị định 57/NĐ-CP và Nghị quyết 53/NQ-CP. Đồng thời, Bộ sẽ bố trí nguồn lực để đầu tư cho giai đoạn tới.

Lý giải thời gian qua vấn đề này chưa được triển khai hiệu quả, Bộ trưởng cho rằng, đó là do chính sách mới ban hành; Kế hoạch đầu tư công trung hạn đã thông qua và triển khai ở giai đoạn cuối. Vì thế, một số chính sách đầu tư cho Nghị định 57/NĐ-CP sẽ triển khai ở giai đoạn 2021 – 2025. Bộ cũng sẽ tổng hợp nhu cầu của các địa phương, theo chính sách của Nghị định 57/NĐ-CP, để xây dựng chương trình, dự án cụ thể cho thời gian tới. 

Kêu gọi doanh nghiệp liên kết sản xuất chuỗi

Chú thích ảnh
Đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum Tô Văn Tám chất vấn. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) đặt vấn đề: Một trong những nguyên nhân khiến đời sống đồng bào dân tộc thiểu số miền núi Tây Nguyên còn khó khăn là do nông sản sản xuất ra thiếu thị trường tiêu thụ, bị ép giá, sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số chưa gắn kết được chuỗi giá trị nên giá trị gia tăng thấp. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng đưa ra giải pháp để giải quyết thực trạng trên.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường thừa nhận, dù có nhiều chính sách hỗ trợ, cuộc sống của đồng bào dân tộc ở Tây Nguyên còn nhiều khó khăn, sản xuất bấp bênh, kém hiệu quả. Đưa ra giải pháp, Bộ trưởng cho rằng phải tập trung kêu gọi nhiều doanh nghiệp liên kết để tổ chức sản xuất chuỗi cùng bà con nông dân.

“Trong các tỉnh Tây Nguyên, tỉnh Gia Lai rất tích cực. Bí thư, Chủ tịch tỉnh mời gọi rất nhiều doanh nghiệp, thậm chí, ra tận sân bay đón doanh nghiệp”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường dẫn chứng và cho biết thêm, hiện có một nhà máy đã được hình thành phục vụ sản xuất, nhưng do sự mời gọi nhiệt tình của lãnh đạo tỉnh, doanh nghiệp quyết định đầu tư thêm một nhà máy nữa.

Bộ trưởng khẳng định, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định, đây là trách nhiệm của mình nên Bộ sẽ cùng địa phương có chính sách để sớm mời gọi doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nhất là ở vùng Tây Nguyên.

Phan Phương (TTXVN)
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường giải đáp nhiều vấn đề nóng trong xây dựng nông thôn mới
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường giải đáp nhiều vấn đề nóng trong xây dựng nông thôn mới

Là người đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, sáng 6/11, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đã giải đáp nhiều câu hỏi liên quan đến chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN